Sử dụng nước ngầm trong nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng phần mềm visual modflow xây dựng mô hình và đánh giá tiềm năng trữ lượng nước ngầm tỉnh an giang (Trang 93 - 95)

Phần lớn lượng nước phục vụ cho nông nghiệp tại tỉnh An Giang được lấy từ nguồn nước mặt như nước từ sông suối, ao hồ, kênh mương, nước mưa… Với hệ thống sông ngòi và kênh rạch dày đặc, nước tưới cho đồng ruộng và vườn tược đước đáp ứng đầy đủ. Nguồn nước cung cấp cho ngành chăn nuôi hoàn toàn là nước ao và nước mưa. Đối với ngành thủy sản, tỉnh thực hiện nuôi các loại cá (cá chình, cá tra, cá lóc, cá điêu hồng…) trong các ao, bè lấy nước từ nguồn nước mặt. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển nghề nuôi tôm.

Trên địa bàn tỉnh An Giang nuôi trồng hai loại tôm là tôm càng xanh và tôm thẻ chân trắng. Tôm càng xanh được nuôi ở các vùng nước ngọt với mô hình nuôi trên chân ruộng, nuôi trong ao, nuôi luân canh lúa- tôm.... Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản sống ở môi trường nước mặn. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một số nông dân khoan giếng tìm mạch nước lợ bơm xuống ao, rồi pha muối loãng để nuôi tôm thẻ chân trắng cho bằng được.

Theo số liệu được cung cấp bởi Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, 2015, lượng nước ngầm được khai thác để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của An Giang vào khoảng 12,83% so với tổng lượng nước phục vụ cho ngành. Bảng dưới thể hiện tỷ lệ khai thác nước ngầm so với tổng nhu cầu nước của ngành theo các vùng.

Bảng 4.11. Tỷ lệ sử dụng nước ngầm trong nuôi trồng thủy sản tỉnh An Giang năm 2015 STT Huyện/ Thị xã/ Thành phố Lượng nước ngầm khai thác (triệu m3/năm)

Tổng nhu cầu nước

(triệu m3/năm) Tỷ lệ (%) Toàn tỉnh 6,13 47,79 12,83 Vùng 1 2,25 12,03 18,70 1 Long Xuyên 2,25 5,37 41,90 2 Chợ Mới - 6,66 - Vùng 2 3,82 30,48 12,53 3 Tân Châu 0,13 6,23 2,09 4 Phú Tân 2,48 5,02 49,40 5 Châu Phú 1,21 9,92 12,20 6 Châu Thành - 4,21 - 7 Thoại Sơn - 5,10 - Vùng 3 0,06 5,28 1,14 8 An Phú 0,01 1,28 0,78 9 Châu Đốc 0,05 2,77 1,81 10 Tịnh Biên - 0,49 - 11 Tri Tôn - 0,74 -

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang (2015)

Tuy việc nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân nhưng đồng thời, cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường:

- Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam Bộ nhận xét như sau: Để tiết kiệm chi phí sản xuất và nuôi được tôm cần nước mặn để pha loãng, người dân nơi đây sẽ khoan giếng ngầm có độ mặn từ 2-5% và bón thêm NaCl (muối hột) và một số khoáng chất thì sẽ ảnh hưởng đến nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hóa vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất nông nghiệp. Khi vùng nuôi đã phát triển mạnh, tình hình dịch bệnh sẽ tăng theo bằng con đường lây từ nguồn giống và các mầm bệnh ở trong đáy ao. Quan trọng hơn mầm bện sẽ thích nghi với môi trường nước mặn thấp. Các vật chủ ở nước ngọt như động vật phù du, giáp xác nhỏ sẽ mang mầm bệnh virus đốm trắng và tồn tại trong khu vực. Một lúc nào đó dịch bệnh sẽ xuất hiện, việc lây lan mầm bệnh của tôm thẻ trắng cho nuôi tôm càng xanh nuôi thương phẩm là vấn đề cần nghiên cứu vì khả năng lây bệnh cho tôm càng xanh là rất lớn.

- Khu vực nuôi nước ngọt tỉnh An Giang là một trong những vùng thượng nguồn của sông Cửu Long, nếu như bệnh dịch xảy ra, mầm bệnh sẽ theo nước, theo vật chủ lây truyền cho vùng nuôi hạ lưu và cửa sông. Có thể đây là vùng lưu giữ mầm bệnh (Sở Nông nghiệp tỉnh An Giang, 2016).

Do đó, nghiên cứu này kiến nghị dừng việc khai thác nước ngầm phục vụ cho nuôi tôm tại tỉnh An Giang để bảo vệ sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên, môi trường và phát triển kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng phần mềm visual modflow xây dựng mô hình và đánh giá tiềm năng trữ lượng nước ngầm tỉnh an giang (Trang 93 - 95)