Như chúng ta đã biết “Đất nông nghiệp thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Luật đất đai, 2013). Nhà nước thông qua quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế để định hướng cho quá trình sử dụng đất. Nhà nước là người có các quyền tuyệt đối với đất nông
nghiệp: định đoạt, chiếm hữu… Do đó, nhà nước có quyền quyết định mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng… của đất nông nghiệp. Trước hết nhà nước xác định tính chất, hiện trạng, đặc tính của đất nông nghiệp từ đó xác định được mục đích sử dụng của các loại đất ở từng vùng, địa phương, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực sao cho phù hợp. Qua quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã được thông qua nhà nước đã điều tiết các quỹ đất trong nền kinh tế, nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất của vùng, địa phương… Người sử dụng đất tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước đã được thông qua. Mô hình chung mục đích sử dụng, cơ cấu sử dụng, diện tích của các loại đất phân bổ…được thực hiện bởi người dân nhưng người xác định là Nhà nước. Do đó, nhà nước có được chiến lược phát triển lâu dài, bền vững cho đất nước.
Vai trò của quản lý nhà nước về đất nông nghiệp được thể hiện các nội dung: - Bảo đảm sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. - Thông qua đánh giá, phân loại, phân hạng đất nông nghiệp, Nhà nước nắm được quỹ đất tổng thể và cơ cấu từng loại đất.
- Việc ban hành các chính sách, các quy định về sử dụng đất nông nghiệp tạo ra một hành lang pháp lý cho việc sử dụng đất nông nghiệp.
- Phát hiện những mặt tích cực để phát huy, điều chỉnh và giải quyết những sai phạm (Quốc hội, 2013).
Nguyên tắc quản lý nhà nước về đất nông nghiệp:
- Nguyên tắc thống nhất về quản lý nhà nước: Đất nông nghiệp thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Từ vai trò của đất nông nghiệp đối với cả nền kinh tế, xã hội cho thấy, việc nhà nước thống nhất quản lý về đất nông nghiệp là cần thiết. Điều đó sẽ đảm bảo cho việc duy trì các mục tiêu chung của cả xã hội. Từ xưa tới nay, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, Nhà nước đều thực hiện quản lý tập trung thống nhất về đất nông nghiệp.
Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật Đất đai 2013) ghi: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này". Tại Điều 5, Luật đất đai 2013 đã quy định rõ những người sử dụng đất.
Quyền quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước được thực hiện theo luật pháp và được thể hiện trên nhiều mặt như: Đại diện chủ quyền quốc gia về lãnh thổ, quyền giao đất hoặc cho thuê đất đối với các tổ chức hộ gia đình, cá nhân, trong và ngoài nước, quyền định giá đất, điều tiết thu nhập từ đất nông nghiệp, quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất và xử lý vi phạm Pháp luật đất đai…
Để đảm bảo quyền quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước về đất đai (trong đó có đất nông nghiệp) thì Nhà nước phải nắm và sử dụng tốt các công cụ quản lý cũng như các phương pháp quản lý thích hợp. Nếu sử dụng tốt công cụ quản lý và phương pháp quản lý thì quyền quản lý tập trung thống nhất của nhà nước được duy trì ở mức độ cao. Ngược lại, nếu có những thời điểm nào đó, việc sử dụng các công cụ quản lý không đồng bộ, các phương pháp quản lý không thích ứng thì thì hiệu lực và hiệu quả quản lý về đất nông nghiệp sẽ giảm đi, tình trạng tự phát trong sử dụng tăng lên. Điều đó sẽ gây ra nhiều hậu quả không tốt đối với xã hội và làm suy giảm quyền quản lý tập trung thống nhất về đất nông nghiệp của nhà nước.
- Nguyên tắc đảm bảo kết hợp quyền sở hữu và quyền sử dụng đất nông nghiệp: Điều 5 Luật Đất đai 2003 ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” và “ Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”.
Như vậy, ở nước ta, quyền sở hữu đất nông nghiệp thuộc về toàn dân. Đất nông nghiệp là tài sản chung của tất cả mọi người, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý toàn bộ đất nông nghiệp.
Muốn đảm bảo kết hợp tốt quyền sở hữu toàn dân và quyền sử dụng của từng người sử dụng phải có cơ chế kết hợp, trong đó, quyền và trách nhiệm của các bên (nhà nước và người sử dụng) phải được công nhận và được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật.
Thực tế cho chúng ta thấy vấn đề sở hữu và sử dụng đất là những vấn đề rất phức tạp và có nhiều quan điểm khác nhau.
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, Đảng và Nhà nước đã đề ra và thực hiện khá thành công cơ chế kết hợp quyền sở hữu và quyền sử dụng đất nông
nghiệp. Quyền sở hữu toàn dân về đất nông nghiệp vẫn không thay đổi nhưng quyền sử dụng đất đã được trao cho mọi đối tượng sử dụng đất, gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trong và ngoài nước theo xu hướng ngày càng mở rộng quyền (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn kinh doanh…) và hướng tới sự bình đẳng đối với mọi đối tượng thuộc các thành phần kinh tế.
- Nguyên tắc đảm bảo sự kết hợp hài hoà các lợi ích: Đất nông nghiệp phản ánh mối quan hệ về lợi ích giữa cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội.Đất nông nghiệp là yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất, vì vậy, trước hết phải đảm bảo lợi íchcủa người sử dụng đất. Mặt khác đất nông nghiệp là tài sản quốc gia vì vậy nó phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Kết hợp hài hoà ba loại ích tức là chúng ta phải chú ý đồng thời cả ba lợi ích đó không để lợi ích này lấn át hoặc triệt tiêu lợi ích khác. Việc đảm bảo hài hoà ba lợi ích được thực hiện thông qua công tác quy hoạch, chính sách tài chính về đất và các quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà nước và người sử dụng đất (Quốc hội, 2013).
- Nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả: Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của quản lý kinh tế bởi vì bất cứ một hoạt động nào dù là kinh tế hay phi kinh tế đều cần phải được thực hiện trên cơ sở tiết kiệm và hiệu quả. Đất nông nghiệp là nguồn lực quan trọng, là điều kiện tồn tại cơ bản của cả xã hội, mặt khác chúng ta đều biết đất nông nghiệp có giới hạn về mặt diện tích, trong khi đó nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích ngày càng tăng lên cho nên đất nông nghiệp ngày càng trở nên khó khăn và hạn hẹp. Điều này càng cho chúng ta thấy ý nghĩa của việc sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Nguyên tắc này đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước về đất nông nghiệp phải làm tốt công tác quy hoạch phân bổ đất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh đó, phải quy định cụ thể về chế độ sử dụng các loại đất, đồng thời tổ chức quản lý, giám sát tốt việc sử dụng đất để đảm bảo tính hiệu quả (Quốc hội, 2013).
- Nguyên tắc kế thừa và tôn trọng lịch sử: Quản lý nhà nước của chính quyền phải tuân thủ việc kế thừa các quy định của luật pháp của Nhà nước trước đây, cũng như tính lịch sử trong quản lý đất nông nghiệp qua các thời kỳ (Quốc hội, 2013).