Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về đất nông nghiệp bao gồm: - Chính sách của nhà nước thay đổi liên quan đến đất nông nghiệp như công tác quy hoạch, thu hồi, đền bù và giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương. Theo sự phát triển của xã hội, cơ cấu kinh tế thay đổi, thu nhập từ nông nghiệp có xu hướng giảm, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp không cao dẫn đến nông dân một số địa phương bỏ hoang đất nông nghiệp, vậy cần phải có chính sách quản lý mới cho phù hợp;
- Việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi, khu dân cư; chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, cây hằng năm sang nuôi trồng thủy sản. Việc thẩm định tốt của chính quyền địa phương đối với các dự án sẽ lựa chọn được những vị trí phù hợp, hạn chế tình trạng mất đất nông nghiệp tràn lan.
- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý đất nông nghiệp: Nhìn chung, trong những năm qua, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế, chính sách về quản lý sử dụng đất nông nghiệp ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều những vi phạm về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Nguyên nhân dẫn tới tình trang trên là do các cơ quan chuyên môn thực hiện việc giải quyết hồ sơ, thủ tục về đất nông nghiệp chậm so với thời gian quy định... do đó việc thanh tra, kiểm tra, giám sát là một hoạt động quan trọng và càn thiết trong việc quản lý đất nông nghiệp. Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra, những sai phạm đã được phát hiện cũng như chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những sai phạm trên. Trên cơ sở đó đã đưa ra những kiến nghị nhằm chấn chỉnh kịp thời, nghiêm minh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất nông nghiệp.
- Công tác tuyên truyền ở địa phương: Các hoạt động tuyên truyền ở địa phương, đặc biệt là công tác tuyên truyền về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, giá đèn bù khi nhà nước thu hồi đất... có ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người dân trong hoạt động quản lý đất nông nghiệp. Nếu công tác tuyên truyền tốt sẽ góp phần ổn định tình hình, phản ánh kịp thời các tâm tư, nguyện vọng của người dân với chính quyền địa phương. Nếu công tác tuyên truyền không tốt sẽ có ảnh hưởng ngược lại.
- Trình độ văn hóa, nhận thức của chủ hộ và lao động: Ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các hộ nông dân, chủ hộ là người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới
mọi hoạt động của hộ, chủ hộ sẽ gần như đóng vai trò quyết định tới mọi phương án sản xuất kinh doanh của hộ. Chính vì vậy trong một chừng mực nào đó trình độ chủ hộ sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động liên quan đến vấn đề quản lý đất nông nghiệp như việc tiếp thu các chính sách của nhà nước về công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, tiếp nhận hay kiện cáo khi có tranh chấp đất đai...
- Các nhân tố khác: Bên cạnh các nhân tố trên, còn nhiều nhân tố khác cũng ảnh hưởng tới hoạt động quản lý đất nông nghiệp như: lạm phát, việc làm, lao động, tự nhiên...