Huyện Tứ Kỳ nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Hải Dương 17 km; phía bắc, đông bắc giáp thành phố Hải Dương và huyện Thanh Hà; phía nam, đông nam giáp huyện Thanh Hà và Hải Phòng; phía tây, tây nam giáp huyện Gia Lộc và Ninh Giang.
Tứ Kỳ xa xưa là biển cả, do biến động của tự nhiên, phù sa sông Hồng, sông Thái Bình đã bồi tụ dần tạo nên vùng đất Tứ Kỳ ngày nay. Do đất nông nghiệp, khí hậu tương đối thuận lợi cho việc chăn nuôi và trồng trọt nên tổ tiên của người dân Tứ Kỳ về đây khai phá từ rất sớm. Trải qua hàng ngàn năm lao động cần cù, thông minh, sáng tạo những vùng đất sình lầy, hoang sơ thành ruộng đồng, thành xóm, thành làng và sớm có cuộc sống văn minh.
Ngày 27/1/1996, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/NĐCP về việc chia tách huyện Tứ Lộc để tái lập hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc. Nằm ở vị trí chiến lược, nơi có các trục đường giao thông giao lưu với Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh, vì vậy Tứ Kỳ có nhiều tuyến đường bộ và đường thủy liên tỉnh, liên huyện chạy qua.
Về đường bộ, toàn huyện có ba tuyến đường lớn và mạng lưới các đường liên xã, liên thôn. Trong đó, tỉnh lộ 391 bắt đầu từ ngã ba Phúc Duyên đến Quý Cao, dài 26,5km. Đoạn qua Tứ Kỳ từ Cống Câu (xã Ngọc Sơn) chạy dọc theo chiều dài của huyện đến Quý Cao (xã Nguyên Giáp) dài 24,5 km, từ đây đi Kiến An, Hải Phòng hoặc đi Thái Bình, Nam Định. Quốc lộ 37 chạy từ Phả Lại qua Hải Dương, Gia Lộc đến Thị trấn Ninh Giang để sang Thái Bình. Đoạn qua Tứ Kỳ gồm các xã: Dân Chủ, Quảng Nghiệp và Đại Hợp dài 4km. Đường 9 (đường 17D) từ Thị trấn Ninh Giang đi Hải Phòng qua ba xã: Hà Kỳ, Hà Thanh, Nguyên Giáp dài 11,6 km (Vũ Văn Lương, 2012).
Ngoài ba con đường chính nói trên, Tứ Kỳ còn có một số con đường khác như: đường 191D, 191B, 191N, 191E… và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã thuận tiện cho việc phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.
Về đường sông, Tứ Kỳ là huyện nằm trong hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình nên Tứ Kỳ có nhiều con sông chảy qua, thuận tiện cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường bộ. Bên cạnh những dòng sông lớn, Tứ Kỳ còn có nhiều sông ngòi, mương lạch nhỏ thuận tiện cho việc canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Từ những đặc điểm và điều kiện nêu trên là những nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho Tứ Kỳ phát triển nền kinh tế đa dạng về cơ cấu, có sự giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng lân cận.
Đất nông nghiệp Tứ Kỳ được hình thành do phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp nên chủ yếu là đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất thịt nặng thích hợp với việc cấy lúa, trồng màu và trồng các cây ăn quả. Đồng thời nằm trong hệ thống hai con sông lớn cùng với hệ thống sông ngòi đã tạo cho Tứ Kỳ phát triển việc nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ.