Nước ta là một nước nông nghiệp nên vấn đề quản lý đất nông nghiệp gắn với sự ra đời của nhà nước từ thời phong kiến đến thời kỳ nhà nước bảo hộ thuộc Pháp, chính quyền nguỵ tại miền nam Việt Nam cũng như Nhà nước Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ tập trung phân tích các mốc đổi mới về quản lý sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường.
- Thời kỳ trước Luật Đất đai năm 1987:
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt là sau thời kỳ cải cách ruộng đất 1953 - 1956, chính quyền cách mạng đã tịch thu ruộng đất của địa chủ để chia cho nhân dân. Đến năm 1959-1960, Đảng và Nhà nước vận động toàn dân hưởng ứng phong trào hợp tác hoá, đại bộ phận nhân dân đã đóng góp ruộng đất vào HTX (Phủ thủ tướng, 1959).
- Thời kỳ thực hiện Luật Đất đai năm 1987 và Luật Đất đai năm 1993 (từ 1988-2003):
Ngày 22/12/1987, Luật Đất đai đầu tiên của nước ta được Quốc hội thông qua. Sự ra đời của Luật đất đai đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý sử dụng đất, đó là các quan hệ về đất nông nghiệp đã được luật hoá. Năm 1993, Luật đất đai lần thứ 2 được ban hành. Sau năm 1994, thực hiện chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khoá VII (tháng 7/1994), nhiều vấn đề về sử dụng đất phi nông nghiệp, nhất là đất sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được đặt ra nhưng chưa được điều chỉnh trong Luật đất đai 1993. Để giải quyết những vấn đề đó, trong thời gian từ 1994 đến đầu năm 2003, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để kịp thời điều chỉnh các quan hệ về đất nông nghiệp phát sinh trong thực tế. Tháng
11/2003, Quốc hội lần thứ ba thông qua Luật đất đai. Trong giai đoạn này, về cơ cấu tổ chức của cơ quan tham mưu thuộc lĩnh vực đất nông nghiệp đã có một sự thay đổi lớn, đó là sự ra đời của ngành Tài nguyên và Môi trường, thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về đất nông nghiệp, khoáng sản, nước, môi trường, khí tượng thuỷ văn và đo đạc bản đồ (Quốc hội, 2003).
- Thời kỳ thực hiện Luật đất đai 2003 (từ tháng 7/2004 đến nay):
Luật đất đai 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004, là một văn bản luật khá độ sộ, gồm 7 chương với 146 điều, trong đó có nhiều điều khoản được quy định chi tiết có thể thực thi ngay.
Luật mới đã quán triệt những quan điểm đổi mới của Đảng về đất đai theo tinh thần Nghị quyết 7 BCH TW khoá IX, thể hiện qua 4 điểm cơ bản sau: một là, nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, có quyền định đoạt và hưởng lợi từ đất đai; hai là, coi đất đai là nguồn nội lực và là nguồn vốn to lớn của đất nước; ba là, khẳng định quyền sử dụng đất là hàng hoá đặc biệt, nhà nước đảm bảo các điều kiện để hàng hoá đó được trao đổi trên thị trường; bốn là, trong mối quan hệ về đất đai phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, đồng thời hướng tới sự bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng thuộc mọi thành phần kinh tế.
Sau khi có Luật, Chính phủ đã ban hành khá đồng bộ các Nghị định hướng dẫn thi hành và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Luật (gồm10 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ): Nghị định 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành luật; Nghị định 182/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong quản lý, sử dụng đất; Nghị định 188/2004/NĐ-CP về phương pháp xác định giá và khung giá các loại đất; Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị định 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất; Nghị định 142/2005/NĐ-CP về thu tiền thuê đất; Nghị định 13/2006/NĐ-CP về xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với các tổ chức được nhà nước giao đất không thu tiền; Nghị định 17/2006/NĐ-CP và Nghị định 84/2007/NĐ-CP bổ sung Nghị định 181/2004 NĐ- CP; nghị định số 35. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ tháng 11/2004 đến hết năm 2007, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương đó ban hành hơn 200 văn bản; trong đó có 58 văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai và 142 văn bản liên quan đến pháp luật về đất nông nghiệp. Quá trình vận động của các quan hệ đất nông nghiệp là liên tục, các mâu thuẫn luôn phát sinh
và đòi hỏi phải có những chuẩn mực để giải quyết. Quốc hội khoá XII đã có Nghị quyết về việc bổ sung sửa đổi Luật đất đai 2003 (Nghị quyết số 11/2007/QH12 ngày 12/11/2007). Ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam đã thông qua luật đất đai (Luật số 45/2013/QH13) và có hiệu lực từ ngày 01/7/2014.