Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh ninh bình (Trang 33 - 35)

2.2.1. Thực tiễn liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản ở một số quốc gia trên thế giới

* Ở Thái Lan

Thái Lan là nước có kinh nghiệm lâu năm áp dụng rộng rãi hình thức liên kết hợp tác bằng hợp đồng sản xuất nông sản, với nhiều loại nông sản. Hiểu rõ rằng khi mở cửa thương mại tự do, nông dân sẽ phải đương đầu với những biến động của thị trường thế giới, mặt khác cũng biết rằng nếu để Nhà nước đóng vai trò trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ tốn kém và hiệu quả không cao. Chính phủ Thái Lan đã quyết định đưa hình thức hợp đồng lên thành nội dung chính của chiến lược “tư nhân liên kết phát triển nông nghiệp” trong chương trình phát triển kinh tế đất nước.

Hình thức hợp đồng được áp dụng phổ biến ở Thái Lan là: các công ty tư nhân cung cấp vật tư nông nghiệp, vốn tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, mua nông sản và tổ chức tiếp thị hợp đồng với nông dân. Tại Thái Lan, phương thức hợp đồng thu hút sự tham gia cao của khu vực tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một chính sách quan trọng của chính phủ Thái Lan là yêu cầu mọi ngân hàng thương mại phải đầu tư 20% tổng tiền gửi cho tín dụng tại nông thôn. Trong điều kiện đó các ngân hàng thương mại muốn cho vay thông qua phương thức hợp đồng hơn là cho nông dân vay riêng lẻ trực tiếp, nhờ đó phương thức hợp đồng thêm phát triển. Quả thật, hình thức tổ chức sản xuất hợp đồng đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của nước này từ một nền sản xuất nông sản thô sang sản xuất kinh doanh nông sản chế biến tạo nên khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới (Nguyễn Thị Bích Hồng, 2008).

* Ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông phát triển rất nhanh chóng trong thời gian gần đây và đã trở thành công cụ khuyến khích các thành phần công, thương nghiệp tham gia nhiều hơn nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tạo liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Trung Quốc gọi là “kinh doanh sản nghiệp hoá nông nghiệp”. Đây là phương thức kinh doanh nông nghiệp kiểu mới, trong đó nhà nước phối hợp với các xí nghiệp và các nhà khoa học trong các khâu tác nghiệp trước sản xuất, trong sản xuất và sau sản xuất của hàng triệu hộ nông dân, nhằm hướng vào thị trường nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất thực hiện nhất thể hoá sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng quy mô hoá, chuyên môn hoá và thâm canh hoá.

Có 4 hình thức chính của sản nghiệp hoá:

Thứ nhất, hình thức doanh nghiệp chế biến gia công là chủ thể: tức là doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước rồi thông qua hình thức ký hợp đồng, khế ước, cổ phần... rồi liên hệ với nhân dân và vùng sản xuất nguyên liệu. Trong đó doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, thu mua nông sản định hướng sản xuất cho nông dân. Nông dân đảm bảo nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp sản xuất. Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân vay vốn, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và nông dân trước các thay đổi của thị trường nhằm cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, người dân yên tâm sản xuất.

Thứ hai, hình thức hợp tác xã nông nghiệp là chủ thể: Các tổ chức hợp tác nông dân đứng ra liên hệ với các doanh nghiệp gia công chế biến, các đơn vị kinh doanh nông sản, mặt khác tiến hành tổ chức nông dân sản xuất họ đóng vai trò như chiếc cầu nối liên kết người dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với nông dân.

Thứ ba, hình thức hiệp hội nông dân chuyên nghiệp: Đây là hình thức chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau về tiền vốn, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ... Giữa các hộ gia đình trên cơ sở tự nguyện cùng có lợi.

Thứ tư, hình thức mắt xích của thị trường bán buôn: Ở hình thức này hạt nhân trung tâm là các chợ buôn bán, các công ty thương mại nông sản. Tức là các chợ công ty này tác động hướng dân nông dân sản xuất các mặt hàng riêng biệt, từ đó hình thành các khu chuyên canh cung cấp đầu vào cho kinh doanh của mình (Nguyễn Thị Bích Hồng, 2008).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh ninh bình (Trang 33 - 35)