Thực tiễn về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh ninh bình (Trang 35 - 37)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Thực tiễn về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Việt Nam

Nhằm phát triển các vùng nguyên liệu bền vững tại nhiều địa phương thì nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩn nông sản đã xuất hiện. Với mục đích là để có được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn trong giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình một số nơi đã thực hiện thành công mô hình này như: Thái Bình, Nam Định, Kiên Giang...

2.2.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình

Tại Thái Bình, khoai tây là cây có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được mở rộng trong sản xuất do nguồn giống bị thoái hoá, sâu bệnh nhiều và năng suất không cao. Đặc biệt, người dân không chủ động được đầu ra nên vẫn còn tình trạng “được mùa thì rớt giá, mất mùa thì được giá”. Để khắc phục tình trạng đó, năm 2009, Trung Tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm.

Đây là mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm cho công ty Orion Hàn Quốc với giống Atlantic được trồng trên diện tích 15ha thuộc 16 xã trên địa bàn 3 huyện là Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải. Quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm đã làm cầu nối giữa các HTX trong tỉnh với công ty Orion, ngoài ra còn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cử cán bộ theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn hộ trồng. Kết thúc quá trình trồng, mô hình đã thu được kết quả đáng phấn khởi: Khoai cho năng suất từ 800-1200 kg/sào, tỷ lệ củ thương phẩm cao đạt 90-

95%, hàm lượng tinh bột trong củ lớn rất thích hợp cho chế biến. Đặc biệt, Công ty Orion đã ứng trước giống đạt tiêu chuẩn và ký hợp đồng thu mua toàn bộ khoai thương phẩm với giá cố định ngay từ đầu vụ, nên nông dân có thể tính được hiệu quả kinh tế trước khi trồng, yên tâm sản xuất.

Xã An Khê, xã Quỳnh Phụ là một xã điển hình trong phong trào sản xuất cây vụ đông, vì vậy khi đưa mô hình về địa phương đã được cán bộ, nhân dân ủng hộ nhiệt tình và quyết định trồng 2ha. Với kinh nghiệm trồng khoai lâu năm cộng với sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh nên khoai sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 3 tháng trồng, thu được khoảng 25 tấn/ha khoai thương phẩm, với giá 3.300đồng/kg, trừ chi phí lãi khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/sào.

Trồng khoai tây theo chỉ đạo của HTX mang lại sự yên tâm cho người dân. Đầu tư lớn nhất ban đầu là giống thì được hỗ trợ khi nào có sản phẩm mới phải thanh toán; quá trình trồng, chăm sóc đã có cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông và ban chỉ đạo HTX giúp đỡ; khi thu hoạch khoai thương phẩm công ty mua hết.

Thành công từ mô hình đã được các HTX và hộ nông dân đánh giá cao, đồng thời gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hệ thống khuyến nông, mở ra hướng đi mới cho phát triển cây vụ đông ở Thái Bình. Tuy nhiên để cách làm này thực sự hiệu quả cần sự quan tâm hơn nữa của các nhà khoa học, các cấp chính quyền, đặc biệt người nông dân cần thay đổi cách thức trong sản xuất từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung quy mô lớn, ký kết hợp đồng.

Qua mô hình liên kết trên đã tạo điều kiện cho nông dân an tâm sản xuất, hạn chế được tình trạng tranh mua, tranh bán và giúp nông dân sản xuất theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh được các rủi ro trong sản xuất. Lúc tiêu thụ với giá bao tiêu trong hợp đồng, công ty luôn tạo điều kiện cho người nông dân vừa có lãi và giá bán không biến động lớn với ngoài thị trường. Từ đó nông dân cũng đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (Nguyễn Thị Bích Hồng, 2008).

2.2.2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Nam Định

Để nền kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển và đứng vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Nam Định đang nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến rau màu đặc biệt là các loại cây trồng vụ đông nhằm phục vụ xuất khẩu.

Tỉnh Nam Định đã thúc đẩy và nhân rộng các mô hình trồng rau màu xuất khẩu: Triển khai các chính sách hỗ trợ người nông dân trồng các loại cây vụ đông phục vụ xuất khẩu, đồng thời tổ chức cho các doanh nghiệp gặp gỡ với nông dân để thoả thuận, ký kết hợp đồng trồng và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng vận động các Ngân hàng Thương Mại tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng diện tích, chế biến rau màu xuất khẩu.

Đến nay đã có 10 doanh nghiệp thường xuyên ký kết với gần 50 địa phương trong tỉnh, nhằm phát triển trồng cây vụ đông xuất khẩu với tổng số diện tích hơn 1.000 ha. Các doanh nghiệp còn ký kết hợp đồng với nông dân các địa phương trong tỉnh cung cấp giống cây trồng có chất lượng cao và chủ động đưa các giống cây mới vào đồng rộng.

Về phía người nông dân, họ đã đa dạng hoá cơ cấu cây trồng với nhiều loại cây rau màu như cà chua, dưa chuột bao tử, ngô bao tử, ngô ngọt, ớt... Thu nhập bình quân từ trồng cà chua nhót đạt 68 triệu đồng/ha/vụ, cà chua quả to cho thu nhập 79,3 triệu đồng/ha/vụ, dưa chuột bao tử cho thu nhập 56,2 triệu đồng/ha/vụ...

Tuy vậy, theo các công ty chuyên chế biến rau màu xuất khẩu, nông dân trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng được việc cung cấp nguồn nguyên liệu rau màu chất lượng cao. Với nhu cầu hiện nay tại Nam Định, các doanh nghiệp cần thu mua của nông dân ở các địa phương từ 5.000 đến 10.000 tấn sản phẩm rau màu để chế biến xuất khẩu trong khi nguồn cung chỉ mới đáp ứng được 30%.

Nhằm khắc phục bất cập, yếu kém trong phát triển cây trồng vụ đông, tỉnh Nam Định đã có các giải pháp như: Các địa phương cần tổ chức rà soát, quy hoạch lại vùng chuyên canh cây vụ đông xuất khẩu; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thuỷ lợi ở các vùng sản xuất cây rau màu vụ đông; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất rau màu; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng cây rau màu vụ đông; xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân phát triển trồng cây vụ đông đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lo đầu ra tốt cho sản phẩm rau màu vụ đông (Nguyễn Thị Bích Hồng, 2008).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh ninh bình (Trang 35 - 37)