Tình hình nghiên cứu và chọn tạo cà chua ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát dòng, giống cà chua triển vọng có khă năng chịu nóng và kháng bệnh xoăn vàng lá thu đông và xuân hè tại gia lộc hải dương (Trang 25 - 29)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình nghiên cứu chọn tạo giống cà chua ở trong nước và trên thế

2.3.2. Tình hình nghiên cứu và chọn tạo cà chua ở Việt Nam

Một số nhà nghiên cứu cho rằng cà chua bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời kì thực dân Pháp xâm lược và chiếm đóng. Đến nay đã hơn 100 năm,cây cà chua ngày càng được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi khắp cả nước. Nhu cầu sử dụng ngày càng được nâng cao, cà chua chính vụ dần dần không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy mà các nghiên cứu trong nước chủ yếu tập trung chọn tạo giống cà chua có khả năng thích ứng rộng trồng được quanh năm. Công tác chọn tạo giống cà chua đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Theo Nguyễn Hồng Minh, 2007 công tác nghiên cứu chọn tạo giống cà chua ở nước ta có thể được chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1968- 1985

Giai đoạn này công tác chọn tạo giống chủ yếu là thu thập nguồn vật liệu (nhập nội), chọn lọc, lai tạo, đánh giá từ các nguồn vật liệu này như các giống: Ba Lan, Dazuma, Nozumi,…Sản xuất cà chua trong giai đoạn này còn nhỏ lẻ, sử dụng chủ yếu các giống cà chua múi và sản xuất chủ yếu trong vụ Thu đông. Những năm cuối 1970 đầu 1980 các nghiên cứu về thời vụ đề xuất, ở miền Bắc

có thể trồng được vụ cà chua Xuân hè mở rộng thời gian cung cấp sản phẩm. Theo tác giả Vũ Tuyên Hoàng, Trần Khắc Thi và Mai Phương Anh để có năng suất cao cần phải chọn được giống có số quả/cây lớn hơn 10 và trọng lượng trung bình quả 70-80g. Trong giai đoạn này chọn được nhiều giống có năng suất cao như: giống cà chua số 7 (khối lượng trung bình quả từ 80-100g), giống cà chua 214 (năng suất 40- 45 tấn/ha), giống cà chua 03, giống HP5 (trọng lượng trung bình quả 80- 100g, có khả năng chịu nóng, nhanh cho thu hoạch).

Bên cạnh hướng chọn tạo cho năng suất cao thì các nghiên cứu về khả năng kháng bệnh của cà chua cũng được chú ý. Bằng phương pháp đánh giá tập đoàn gồm 100 mẫu giống cà chua trồng vụ Xuân hè với mục tiêu: khả năng kháng bệnh, năng suất và chất lượng Tạ Thu Cúc (1985) đã kết luận: khả năng kháng bệnh giảm dần theo thứ tự: cà chua dại L.racemigerum, Pháp số 7, BCA- 5, Cuba. Các giống cho năng suất cao bao gồm: BCA- 5, Nhật số 2, BCA- 1, Ruko 3, BCA- 3 và một số giống cho chất lượng tốt như: Pháp số 7, Rutgers, Saintpierre, Nhật số 2, Ogort, Triumph.

Giai đoạn từ 1986- 1995:

Các nghiên cứu về chọn tạo giống cà chua đã thu được kết quả và đi theo hai hướng chính:

(1) Các giống trồng trong điều kiện vụ Đông “truyền thống” như các giống số 7, 214, Hồng lan (VCLT-CTP).

(2) Các nghiên cứu về chọn giống cà chua chịu nóng để phục vụ cho trồng cà chua trái vụ. Trong giai đoạn này một số giống chất lượng được tao ra như:

Giống CS1 do Trung tâm kỹ thuật Rau- quả Hà Nội chọn lọc từ quần thể lai cà chua nhập nội từ Trung tâm Rau thế giới. Giống có thời gian sinh trưởng 110- 120 ngày, ra hoa và quả tập trung, năng suất đạt 25- 30 tấn/ha (vụ Đông), 35- 40 tấn/ha (vụ Hè) (Tạ Thu Cúc, 1994).

Giống cà chua P375 là giống được chọn lọc cá thể nhiều đời từ giống cà chua Đài Loan nhập nội do tác giả Viết Thị Tuất và Nguyễn Thị Quang thuộc Trung tâm kỹ thuật Rau- Hoa quả Hà Nội chọn tạo cho năng suất 40- 45 tấn/ha, chất lượng quả tốt, chịu được vận chuyển.

Giống MV1 do tác giả Nguyễn Hồng Minh- Trường Đại Học Nông Nghiệp chọn lọc từ giống cà chua nhập nội của Modavi MV1 cho năng suất 52-

60 tấn/ha (vụ Đông), 33- 46 tấn/ha (vụ Xuân hè), quả nhỏ chín màu đỏ thẫm, chất lượng tốt (Nguyễn Hồng Minh và Kiều Thị Thư, 1999)

Giai đoạn từ 1996- 2000

Giai đoạn này các nghiên cứu chọn tạo theo hướng chọn tạo giống thâm canh, giống chịu nhiệt trồng trái vụ, các phương pháp chọn giống truyền thống được kết hợp với chọn giống tiên tiến. Một số giống cà chua được tạo ra trong giai đoạn này gồm:

Giống cà chua VR2: là giống cà chua nhóm quả nhỏ của Viện Nghiên cứu Rau quả chọn lọc từ nguồn nhập nội. Giống XH2 của Viện Nghiên cứu Rau quả là giống chịu nhiệt thích hợp trồng trong vụ Xuân hè.

Giống cà chua lai Số 1 là giống cà chua lai F1 đầu tiên của Việt Nam do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tạo ra và được công nhận là giống quốc gia năm 2000.

Giống cà chua HT7 do trường Đại học Nông Nghiệp I tạo ra có khả năng chịu nhiệt tốt, năng suất và chất lượng ở mức khá, chịu được vận chuyển và bảo quản lâu. Giống đã được công nhận giống Quốc gia năm 2000 (Theo Nguyễn Hồng Minh và cs., 2000)

Giai đoạn từ 2001 đến nay

Giai đoạn này các công trình nghiên cứu có chiều sâu, nhiều giồng lai F1, giống cà chua chất lượng được công nhận, quy trình công nghệ sản xuất hạt lai, quy trình kỹ thuật sản xuất cà chua công nghệ cao và quy trình sản xuất cà chua an toàn được phổ biến và áp dụng rộng rãi.

Từ bộ giống gồm 12 giống cà chua với đặc tính chống chịu héo xanh vi khuẩn của Trung tâm Rau thế giới, Viện nghiên cứu Rau quả đã đánh giá, so sánh, chọn lọc và xác định được giống cà chua CLN1462A là giống có tiềm năng năng suất, có khả năng chống chịu một số đối tượng sâu bệnh hại đặc biệt là héo xanh vi khuẩn và được đặt tên CHX1 (Trần Văn Lài, 2005).

Giống cà chua lai HT7: là giống có nhiều tính trạng quý như có khả năng chịu nóng cao trồng được vụ Xuân hè, thuộc dạng thấp cây, ngắn ngày, hoa nở rộ, quả nhanh chín và có màu đỏ đẹp. Giống có ưu điểm về hương vị, khẩu vị, chịu được vận chuyển xa và có khả năng bảo quản lâu (Nguyễn Hồng Minh và Kiều Thị Thư, 2006).

Giống lai số 9: Do Viện nghiên cứu Rau quả chọn tạo, được tạo ra do kết quả lai đỉnh giữa 20 dòng thuần của 180 mẫu giống có nguồn gốc khác nhau với giống PT-18. Giống có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất 65- 78 tấn/ha, thích hợp cho ăn tươi và chế biến (Dương Kim Thoa và Trần Khắc Thi, 2007). Ngoài ra còn một số giống như: P375, cà chua lai TN19, cà chua chế biến C95.

Theo nguồn tin từ Thông tin Nông nghiệp Việt Nam- Agroviet (2005) một số giống cà chua quả nhỏ đã được giới thiệu vào sản xuất như:

Giống Thúy Hồng 1657 do công ty Nông Hữu nhập nội và phân phối thuộc loại hình sinh trưởng bán hữu hạn. Giống có khả năng chịu ẩm, chịu nhiệt và kháng bệnh héo rũ khá. Quả nhỏ, độ đường cao, quả cứng dễ vận chuyển, bảo quản được lâu, năng suất trung bình 32- 40 tấn/ha.

Giống Kim Châu thuộc dạng hình sinh trưởng hữu hạn, ra nhiều nhánh phụ, quả tròn bi, vỏ dày, khi chín có màu đỏ tươi thích hợp ăn tươi và chế biến.

Biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, sâu bệnh hại cà chua được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu trong giai đoạn này. Một trong những tiến bộ nổi bật giai đoạn này là ghép cà chua trên gốc cà tím. Theo Trần Văn Lài và cs., 2003 thì tỉ lệ sống của cà chua trên gốc cà tím là 92% cao hơn so với ghép trên gốc cà pháo (60%) và cà bát (55%). Cây cà chua ghép có khả năng kháng được bệnh héo xanh vi khuẩn, năng suất và phẩm chất tương đương với cà chua bình thường (Trần Văn Lài, 2000).

Viện nghiên cứu Rau quả đã nghiên cứu chọn tạo thành công giống FM29 có khả năng chống chịu tốt với bệnh xoăn vàng lá virus, năng suất trung bình 45- 50 tấn/ha vụ Xuân hè và 55- 60 tấn/ha vụ Đông xuân, thích hợp trồng trên nhiều loại đất khác nhau.

Các công ty nước ngoài cũng đã đưa ra thị trường nhiều giống phục vụ sản xuất như: TN184, TN002, TN52, TN54 của công ty Trang Nông, VL2000, VL2200 (Hoa Sen), TM 2016, Savior, Anna (công ty Syngenta). Trong đó, giống cà chua Savior chống chịu tốt với bệnh virus xoăn vàng lá, sinh trưởng bán hữu hạn, quả trứng, dạng quả trứng đẹp, thuận lợi cho vận chuyển, năng suất đạt 75 tấn/ha. Giống được trồng với diện tích lớn ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam (Đặng Văn Niên, 2014).

Đề tài nghiên cứu đánh giá nguồn vật liệu khởi đầu cho chọn tạo giống cà chua ưu thế lai phục vụ chế biến giai đoạn 2004-2010 tại Viện Nghiên cứu Rau quả đã thu thập, đánh giá 129 mẫu giống cà chua trong đó có 63 mẫu dùng chế biến bóc vỏ nguyên quả, 66 mẫu cho chế biến cô đặc, 14 mẫu giống chín sớm, 72 mẫu giống có tiềm năng năng suất cao, 20 mẫu có hàm lượng chất khô hòa tan cao và 3 mẫu chống chịu tốt với bệnh virus xoăn vàng lá (Dương Kim Thoa, 2012).

Theo Phan Hữu Tôn và cs (2013) đã nghiên cứu 200 mẫu giống cà chua về đặc điểm nông sinh học, năng suất, khả năng chín chậm, kháng virus xoăn vàng lá đặc biệt là khả năng chứa các gen kháng Ty-1, Ty-2, Ty-3 và ren chín chậm rin bằng chỉ thị phân tử. Kết quả đã phát hiện được 7 mẫu giống có gen Ty- 1, 7 mẫu giống có gen Ty-3 trong đó 2 mẫu giống chứa đồng thời gen Ty-1Ty- 3, 6 mẫu giống có gen rin.

Đoàn Xuân Cảnh và cs (2015) đã sử dụng 10 chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng di truyền của 26 mẫu giống cà chua, kết quả thu được 5 chỉ thị cho các allen đa hình chiếm 22%. Phân tích SSR đã chia 26 dòng cà chua nghiên cứu thành 5 nhóm, các nhóm được phân có khoảng cách di truyền khác nhau, trong đó có nhiều dòng thể hiện mức độ sai khác di truyền khá cao có ý nghĩa trong việc chọn tạo cà chua ưu thế lai.

Việc thúc đẩy hợp tác, quan hệ quốc tế, trao đổi với các cơ quan nghiên cứu Quốc tế đã mở ra một hướng đi mới trong công tác chọn tạo giống cho các nhà nghiên cứu trong nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát dòng, giống cà chua triển vọng có khă năng chịu nóng và kháng bệnh xoăn vàng lá thu đông và xuân hè tại gia lộc hải dương (Trang 25 - 29)