Nguyên nhân, cơ chế và triệu chứng bệnh xoăn vàng lá cà chua

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát dòng, giống cà chua triển vọng có khă năng chịu nóng và kháng bệnh xoăn vàng lá thu đông và xuân hè tại gia lộc hải dương (Trang 29 - 30)

Bệnh xoăn vàng lá cà chua lần đầu tiên được xác định tại Israel vào năm 1930 do một nhóm các loài begomovirus khác nhau thuộc họ geminivirus gây ra, được lan truyền bởi vector bọ phấn trắng. Nhóm geminivirus này bao gồm các loài riêng biệt, nhưng chúng vẫn được gọi chung là virus xoăn vàng lá cà chua (Vidavski, 2007).

Cơ chế gây bệnh của begomovirus là do tương tác với các yếu tố kí chủ liên quan đến bộ máy tái bản. Quá trình tái bản của begomovirus xảy ra trong nhân tế bào, kể cả ở các tế bào trong phân chia. Sau khi nhiễm vào tế bào,

begomovirus khởi động bộ máy tái sinh của tế bào. Một trong các protein của tế bào kí chủ thực vật điều khiển chu kỳ tế bào là pRBR (protein retinoblastoma- related protein) chịu trách nhiệm chuyển chu kì tế bào từ pha G1 sang pha S. Protein Rep của begomovirus tương tác với pRBR của tế bào kí chủ cho phép khởi động lại chu kỳ tế bào để tạo điều kiện cho virus tái sinh (Hà Viết Cường, 2008).

Bệnh xuất hiện từ khi cây còn nhỏ cho đến khi thu hoạch, phổ biến nhất lúc cây bắt đầu ra hoa. Cây bị bệnh lá biến màu vàng nhạt trong khi gân lá còn xanh tạo thành những vết xanh vàng loang lổ, lá nhỏ lại, nhăn nheo và thô cứng, các lá ngọn bị xoăn, cây sinh trưởng kém, thấp nhỏ, phân nhiều cành, cằn không phát triển được. Cây bị bệnh sớm và nặng có thể chết. Nếu bị muộn và nhẹ thì những lá non ra sau bị xoăn, cây có thể ra hoa và quả nhưng rụng nhiều; nếu có quả thì quả nhỏ, méo mó, cứng, chất lượng kém (Vũ Triệu Mân, Lê Lương Tề, 2001).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát dòng, giống cà chua triển vọng có khă năng chịu nóng và kháng bệnh xoăn vàng lá thu đông và xuân hè tại gia lộc hải dương (Trang 29 - 30)