Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá sự hài lòng của kiểm soát viên không lưu về công tác thù lao lao động tại tổng công ty quản lý bay việt nam (Trang 36 - 38)

Quản lý bay là một trong ba bộ phận quan trọng cấu thành ngành Hàng không Việt Nam (bao gồm: Vận tải hàng không, Cảng hàng không và Quản lý bay). Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị duy nhất của Việt Nam cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay gồm dịch vụ Quản lý không lưu (ATS- dịch vụ điều hành bay, dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động); dịch vụ Thông tin, Dẫn đường, Giám sát (CNS); dịch vụ Thông báo tin tức hàng không (AIS); dịch vụ Khí tượng hàng không (MET); dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn (SAR) cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự (khi được ủy quyền) hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý.

3.1.3.1. Dịch vụ không lưu

Dịch vụ không lưu là một thuật ngữ chung được dùng để chỉ nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm dịch vụ điều hành bay (gồm có dịch vụ kiểm soát đường dài, dịch vụ kiểm soát tiếp cận, dịch vụ kiểm soát tại sân bay, dịch vụ kiểm soát mặt đất), dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động.

Dịch vụ không lưu được cung cấp nhằm các mục đích: - Ngăn ngừa va chạm giữa các tàu bay;

- Ngăn ngừa va chạm giữa tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay;

- Thúc đẩy và điều hòa hoạt động bay;

- Cung cấp và tư vấn những tin tức có ích cho việc thực hiện chuyến bay an toàn và hiệu quả;

- Thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan về tàu bay cần phải tìm kiếm, cứu nạn và trợ giúp các cơ quan, đơn vị này theo yêu cầu.

Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước.

Kiểm soát viên không lưu là người trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay, thông báo bay và báo động cho các tàu bay trên mặt đất, trên không và các hỗ trợ khác cho tổ lái để duy trì hoạt động bay của tàu bay trên các đường hàng

không và tại khu vực các sân bay một cách an toàn, điều hòa và hiệu quả.

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời đường dài và trung tận; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.

3.1.3.2. Dịch vụ Thông tin, Dẫn đường, Giám sát

Dịch vụ Thông tin, dẫn đường, giám sát (Communication, Navigation, Surveillance - CNS) là một trong năm dịch vụ công ích mà Tổng công ty Quản lý bay cung cấp cho các chuyến bay đi/ đến các sân bay của Việt Nam và các chuyến bay quá cảnh qua vùng thông báo bay của Việt Nam. CNS đóng vai trò quan trọng vì đây chính là những phương tiện để thực hiện liên lạc giữa người lái và kiểm soát viên không lưu.Có thể nói rằng quản lý không lưu không thể tồn tại nếu không có công nghệ CNS.

Dịch vụ dẫn đường là hệ thống các phụ trợ dẫn đường vô tuyến phát ra các tín hiệu tạo các mốc và chỉ hướng cũng như cự ly của tàu bay so với đài dẫn đường trong quá trình bay đường dài, tiếp cận và hạ cánh.

Dịch vụ giám sát được thực hiện thông qua các hệ thống rada giám sát nhằm giúp cho KSVKL có thể nhìn thấy các vị trí của các tàu bay trên màn hình rada tại bàn kiểm soát không lưu. Toàn bộ vùng trời trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam hiện nay đã được bao phủ bởi 03 hệ thống rada sơ cấp (Primary Surveillance Radar) và 06 hệ thống rada thứ cấp (Secondary Surveillance Radar). Các tín hiệu rada được đưa vào Hệ thống xử lý dữ liệu rada/ dữ liệu bay (Radar Data Processing/Flight Data Processing RDP/FDP) để xử lý sau đó truyền tín hiệu về bàn kiểm soát không lưu.

3.1.3.3. Dịch vụ Thông báo tin tức hàng không

Dịch vụ Thông báo tin tức hàng không (Aeronautical information service - AIS) là dịch vụ được thiết lập trong phạm vi khu vực xác định, chịu trách nhiệm

cung cấp các tin tức hàng không và dữ liệu hàng không cần thiết cho sự an toàn, điều hòa, hiệu quả của hoạt động bay. Các sản phẩm của dịch vụ AIS bao gồm: Tập thông báo tin tức hàng không (Aeronautical information publication - AIP); Thông tri hàng không (Aeronautical information circular - AIC); Tập tin tức hàng không sân bay nội địa (Domestic Airports Publication - DAP); Điện văn thông báo hàng không (Notice to Airmen - NOTAM); Bản thông báo tin tức trước chuyến bay (Pre-flight information bulletin); Bản đồ, sơ đồ hàng không (Aeronautical maps and charts).

3.1.3.4. Dịch vụ Khí tượng hàng không

Để bảo đảm dịch vụ Khí tượng hàng không phục vụ hoạt động bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, các CSCCDC khí tượng hàng không thu thập, xử lý và tạo ra các sản phẩm phục vụ các đối tượng sử dụng theo tiêu chuẩn khuyến cáo của ICAO. Sản phẩm của dịch vụ Khí tượng hàng không gồm: Bản tin quan trắc sân bay; Các bản tin dự báo, cảnh báo (Gồm: Dự báo thời tiết cảng hàng không, sân bay (TAF, TAF AMD), Dự báo hạ cánh, Dự báo cất cánh,Dự báo thời tiết đường bay và khu vực bay.Thông báo SIGMET,Thông báo AIRMET,Cảnh báo thời tiết cảng hàng không, sân bay (AD WRNG),Cảnh báo hiện tượng gió đứt tầng thấp (WS WRNG); Các sản phẩm dịch vụ khác gồm Hồ sơ khí tượng và thuyết trình, tư vấn và Số liệu khí hậu hàng không.

3.1.3.5. Dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn Hàng không

Công tác TKCN Hàng không bao gồm công tác phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó khẩn nguy và TKCN khi có tình huống tàu bay lâm nguy/ lâm nạn xảy ra trong vùng trách nhiệm TKCN của Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Tổng công ty có nhiệm vụ tổ chức lực lượng thường trực 24/24h, tiếp nhận, phân tích, xử lý và báo cáo các thông tin liên quan đến tình huống tàu bay lâm nguy, lâm nạn; Phối hợp, hiệp đồng với các Trung tâm Hiệp đồng TKCN Hàng không, Hàng hải, Trung tâm khẩn nguy sân bay, các cơ quan, đơn vị, các địa phương liên quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá sự hài lòng của kiểm soát viên không lưu về công tác thù lao lao động tại tổng công ty quản lý bay việt nam (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)