nhà nước cần tạo hành lang pháp lý cho việc dồn điền đổi thửa: Dồn điền đổi thửa được coi là việc làm hết sức phức tạp nhưng có lợi ích nhiều mặt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy cần có sự chỉ đạo thống nhất về chủ trương từ Trung ương đến địa phương. Thể hiện bằng các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương tổ chức thực hiện.
- Cần thấy rõ vai trò của công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt chú ý tới quá trình phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng đất khác và việc chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ đất nông nghiệp, phải đảm bảo an ninh lương thực. Các địa phương cần tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết sau DĐĐT, quy hoạch vùng sản xuất một cách khoa học dựa trên điều kiện tự nhiên và khả năng của mỗi vùng. Trên cơ sở phương án quy hoạch đã được phê duyệt, các xã, thị trấn tập hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất của hộ nông dân trình huyện, tỉnh phê duyệt. Có như vậy, sẽ không tạo nên sự cạnh tranh giữa các cá nhân để có thể hình thành thị trường ảo về quyền sử dụng đất.
- Thực tế cho thấy sự tăng giá của những thửa đất được phê duyệt cho chuyển đổi mục đích sử dụng là mối quan tâm của nhiều hộ nông dân, ngay cả khi họ không có điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sự tăng giá này một phần là do giá trị sản xuất nông nghiệp trên các thửa ruộng này tăng lên cùng với sự
chuyển đổi phương thức canh tác. Mặt khác còn do giá trị của thời hạn sử dụng đất được kéo dài hơn (đất trồng cây hàng năm có thời hạn sử dụng 20 năm, nhưng đất trồng cây lâu năm kết hợp nuôi trồng thủy sản có thời hạn sử dụng là 50 năm). Như vậy nếu được phép chuyển đổi, những hộ không có điều kiện mở rộng sản xuất họ sẽ chuyển nhượng phần ruộng đất của mình với giá cao hơn, do đó thị trường ruộng đất đã được thúc đẩy một cách gián tiếp.
- Để thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất đúng hướng, đối với các vùng chuyên canh cao sản, sản xuất những cây, con mang tính chất hàng hóa thì các địa phương cần đầu tư cơ sở vật chất như: Mở rộng giao thông, thủy lợi, bê tông hóa kênh mương nội đồng, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến và thu mua nông sản,…cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà các địa phương cần quan tâm đầu tư thỏa đáng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
- Tăng cường chính sách về vốn, tín dụng cho hộ nông dân, nhiều về số lượng, gọn nhẹ về thủ tục, ưu đãi về lãi suất để hộ có thể đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại có hiệu quả. Sau DĐĐT, hướng sản xuất hàng hóa sẽ phát triển mạnh, vì vậy cần thiết lập và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản cho người dân. Đồng thời từng bước hình thành và hoàn chỉnh các kênh phân phối trong thị trường nông sản, để thúc đẩy nhanh kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển.