Thực trạng phát triển nông thôn huyện Ân Thi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ân thi tỉnh hưng yên (Trang 47 - 52)

4.1.3.1. Đánh giá thực trạng phát triển khu dân cư nông thôn

Do đặc điểm hình thành và lịch sử phát triển, các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện được phát triển theo những hình thái khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện và mức độ phân bố trong từng khu vực. Các tụ điểm dân cư truyền thống (như thôn, xóm,...) được hình thành tập trung bên cạnh những khu vực có nước và có

điều kiện canh tác ở những nơi có giao thông thuận tiện cho sản xuất và lưu thông hàng hoá. Nhìn chung, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các lĩnh vực y tế, giáo dục.

Hệ thống cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới, mặc dù đã được quan tâm đầu tư song còn nhiều hạn chế do nguồn kinh phí hạn hẹp. Hầu hết giao thông trong các khu dân cư đã được cứng hóa 80% nhưng khá bụi về mùa khô gây khó khăn cho việc giao lưu hàng hoá và đi lại của nhân dân. Toàn huyện mới chỉ có thị trấn Phát Diệm có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, thoát nước thải sinh hoạt... còn lại chủ yếu là chảy tràn trên bề mặt xuống các ao hồ, thấm vào đất, đã phần nào gây ô nhiễm môi trường sống và đặc biệt gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước.

Các khu dân cư cũ ngày càng mở rộng, các khu dân cư mới đã bắt đầu phát triển, nước sinh hoạt đáp ứng được một phần nhu cầu người dân. Tuy nhiên, kiến trúc không gian khu dân cư còn bất hợp lý. Việc xây dựng nhà ở hoàn toàn mang tính tự phát, đảm bảo chất lượng xây dựng, kiến trúc và mỹ quan.

Bình quân đất ở trung bình từ 80 - 95 m2/người. Trong tương lai việc phát triển thêm đất ở để đáp ứng nhu cầu là thực tế khách quan không thể tránh khỏi, nhưng cần phải có sự điều chỉnh hợp lý các khu dân cư hiện có cũng như phải hạn chế tối đa việc lấy đất nông nghiệp vào làm nhà ở nhất là những khu vực ruộng cho năng suất cao. Đây là những vấn đề cần được quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của huyện.

4.1.3.2. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn a. Giao thông

Hệ thống giao thông của huyện Ân Thi giữ vai trò hết sức quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện cũng như của các huyện và vùng lân cận.

Hưng Yên có vị trí tiếp giáp thủ đô Hà Nội, nằm giữa trục kinh tế rất phát triển Hà Nội - Hải Phòng, rất thuận tiện cho phát triển các ngành kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thương mại.

Hệ thống giao thông của huyện được chia làm 02 hệ thống chính. * Đường bộ:

- Quốc lộ 38A: Có một tuyến chạy qua với chiều dài 13,57 km, nối QL 39 đến Quốc lộ 5 là trục huyết mạch của huyện.

- Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Quốc lộ 5B): Chạy qua huyện có chiều dài 8,20 km.

- Đường Tỉnh gồm các tuyến 376, 377, 384, 382, 386, 387.

+ Đường tỉnh 377 qua địa bàn có chiều dài 1,46 km nối đường tỉnh 376 với huyện Kim Động đến QL39.

+ Đường tỉnh 376 là trục đường quan trọng chạy từ Bắc xuống Nam địa bàn huyện, đây là tuyến quan trọng góp phần thúc đẩy giao thương trên địa bàn huyện, nối trung tâm chợ Thi với thị trấn Ân Thi - chợ Cống Tráng (Tân Việt- Yên Mỹ) với chiều dài 15,5 km, bề mặt đường trung bình khoảng 8 - 10 m.

- Hệ thống đường huyện khá dày đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ giao lưu, đi lại của nhân dân địa phương trong huyện góp phần tích cực vào phát triển kinh tế toàn huyện. Một số các tuyến đường huyện đã được triển khai cải tạo sửa chữa, nâng cấp như: ĐH61, ĐH63, ĐH64, ĐH65 với tổng chiều dài 14,70 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, 25,90 km đường cấp V, cấp VI.

- Thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện xong kế hoạch tỉnh giao năm 2015 với 44,61 km. Năm 2016 đã triển khai được 42,1/47,80 km. Cơ bản các xã đã thực hiện hết các tuyến đường được hỗ trợ theo kế hoạch.

* Đường sông:

Huyện Ân Thi thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, có mạng lưới sông ngòi dày đặc và giao thông đường thuỷ khá phát triển.

Trên địa bàn có tuyến sông chính là sông Bắc Hưng Hải, sông Cửu An cho phép lượng tàu thuyền có vận tải trung bình lưu hành đã đáp ứng được phần nào về vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng của nhân dân địa phương cũng như của khu vực.

Hệ thống giao thông thuỷ chưa thực sự phát triển chủ yếu vận chuyển nhỏ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với giao thông bộ; với các mặt hàng vận chuyển chủ yếu là vật liệu xây dựng, than đá...

* Nhìn chung: Mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông nói chung khá hợp lý, đường giao thông được đầu tư nâng cấp khá tốt, đồng bộ góp phần nâng cao hiệu

quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành, hoàn thành nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ. Đã xây dựng được hơn gần 200 km đường giao thông nông thôn, giao thông đường bộ nhìn chung khá dày đặc hợp lý phủ khắp địa bàn huyện được phân theo các cấp quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường xã, thôn tạo thành mạng lưới giao thông thống nhất phục vụ lưu thông trong huyện với các huyện trong và ngoài tỉnh.

Tồn tại lớn nhất của mạng lưới giao thông là chất lượng chưa được tốt, việc phát triển mạnh giao thông của huyện, tỉnh đã phần nào gây tác động lớn với đất đai. Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, huyện đã quy hoạch mở rộng, nâng cấp các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý cũng như để dành quỹ đất hợp lý phục vụ cho nhu cầu phát triển giao thông trong những năm tới.

b. Thủy lợi

Hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh đáp ứng có hiệu quả nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bao gồm các trạm bơm, hệ thống kênh mương do xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi và địa phương quản lý. Huyện Ân Thi có hệ thống sông Bắc Hưng Hải, sông Cửu An là chính cung cấp nước qua hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho nông nghiệp toàn huyện.

Hệ thống công trình thuỷ lợi của huyện cơ bản cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng và chuyển đổi cây trồng, cải tạo đất.

Hệ thống thuỷ lợi toàn huyện là các kênh, mương dẫn nước nội đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống kênh mương một phần đã được bê tông hoá.

Tuy nhiên, còn những tồn tại cần khắc phục đó là: Việc tiêu thoát nước cho vùng trũng còn gặp nhiều khó khăn.

Mạng lưới thuỷ lợi của huyện được đầu tư xây dựng gần 50 năm qua đã đáp ứng to lớn và có hiệu quả cho phát triển nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên hệ thống thuỷ lợi xuống cấp, nhỏ bé không đáp ứng nhu cầu cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, hiện nay cần phải được nâng cấp xây dựng hiện đại hơn để đáp ứng được yêu cầu của sản xuất thời kỳ mới.

Cần đầu tư kinh phí cho việc nạo vét kênh, mương phục vụ cho tưới tiêu chủ động cho toàn bộ diện tích nông nghiệp hiện có trên địa bàn huyện trong giai đoạn đến năm 2020 và xa hơn.

4.1.3.3. Thực trạng những vấn đề xã hội nông thôn

- Giáo dục và đào tạo: Quy mô giáo dục, đào tạo được giữ vững và từng bước được chuẩn hóa. Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ, độ ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được chăm lo xây dựng, cơ sở vật chất nhà trường tiếp tục được cải thiện. Đã hoàn thành chuyển đổi 21 trường mầm non bán công sang công lập. Tích cực đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia; đến năm 2016, toàn huyện có 27/66 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 4 trường so với năm 2015. Tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng ngày một tăng, trong đó: mầm non đạt 54,60%; tiểu học đạt 87,10%; trung học cơ sở đạt 90,35%. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển với sự tham gia đoáng góp của toàn xã hội, các xã, thị trấn đều xây dựng được hội khuyến học và quỹ khuyến học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường cơ bản đáp ứng yêu cầu của trương trình giáo dục.

- Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Công tác quản lý nhà nước về y tế có nhiều tiến bộ; quản lý hành nghề y, dược tư nhân được tăng cường; chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được coi trọng; chất lượng phòng bệnh được nâng lên, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 13%; 99,9% các cháu dưới 1 tuổi được tiêm phòng đủ 08 loại vác xin theo quy định, trên 90% hộ gia đình được dùng nước bảo đảm vệ sinh. Năm 2016, 100% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo chuẩn cũ và có 8/21 trạm đạt chuẩn mới, chiếm 38%; toàn huyện có 18 bác sỹ ở tuyến xã; bình quân có 3,2 bác sỹ/1 vạn dân.

- Văn hóa - thể thao: Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, có nhiều đối tượng tham gia, 100% số xã, thị trấn trong huyện quy hoạch đất giành cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Các hoạt động thể dục thể thao được thi đấu thường xuyên đem lại tinh thần đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Đại hội thể dục thể thao của huyện, xã, thị trấn được tổ chức định kỳ, các môn thi đấu ngày càng nhiều, thu hút được đông đảo các lứa tuổi tham gia.

- Công tác an ninh, quốc phòng: Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác quốc phòng, - quân sự địa phương được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng được tăng cường, công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và tuyển quân đảm bảo chất lượng, hiệu quả; công tác huấn luyện, diễn

tập, sẵn sàng chiến đấu được thực hiện tốt... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn liền thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc. Các cấp, các ngành đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, của huyện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng ngừa, đấu tranh, truy quét các loại tội phạm, kết hợp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm hình sự, các tụ điểm ma túy, đánh bạc gây bức xúc trong nhân dân. Công tác điều tra, xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự đảm bảo theo quy định của pháp luật, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ân thi tỉnh hưng yên (Trang 47 - 52)