Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ân thi tỉnh hưng yên (Trang 33 - 35)

Đối với nước ta, Đảng và Nhà nước đã chủ trương đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn nhằm mục tiêu phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, đảm bảo phát triển cả về kinh tế và đời sống xã hội. Đi theo đường lối của Đảng, từng địa phương trong cả nước tiến hành phát triển kinh tế mà trước hết là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn. Nhằm mục tiêu đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa X của Đảng đã đề ra nhiệm vụ thực hiện mục tiêu hiện đại hóa nông thôn Việt Nam vào cuối năm 2020. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như: Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới; Thông tư số 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/2/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Thông tư số 09/2010/TT-BXD ngày 04/8/2010 của Bộ Xây dựng về Quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch về quản lý quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới;....

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. Trong 05 năm qua, Đảng, Quốc hội,

Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhân dân đã chung vai, góp sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã được triển khai tích cực, có chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng, đúng hướng, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân, từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, sang tự chủ thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong cả nước. Đội ngũ cán bộ vận hành Chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất, tạo nên nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên.

Đến nay có 1.298 xã đạt 19 tiêu chí (đạt 14,5%), dự kiến cuối năm đạt 1.500 xã (đạt 16%); số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng từ 4,7 tiêu chí/xã năm 2010 lên 12,9 tiêu chí/xã năm 2015 (tăng 8,2 tiêu chí); 183 xã có khó khăn đã nỗ lực vươn lên (từ xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên); đã có 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 8 huyện, thị xã đang đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Cụ thể có tới 22.000 mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả; thu nhập của người nông dân đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng lên 1,9 lần so với 2010, mục tiêu đề ra là tăng 1,5 lần); tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết 2015 là 8,2%, giảmbình quân 2% năm trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: Tiến độ triển khai nhìn chung còn chậm so với mục tiêu, yêu cầu (mục tiêu tới năm 2015 có 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới như Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra); nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu của Chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu sát; các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới do cấp xã đảm nhận, nhưng chưa chú trọng đúng mức thực hiện các nội

dung ở cấp thôn và hộ gia đình; một số cơ chế, chính sách, không phù hợp, chậm được bổ sung điều chỉnh sửa đổi; còn có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền (số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 34%, Đồng bằng sông Hồng là 23,5%, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%). Nguồn lực Trung ương và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp nhiều so với yêu cầu thực tế (Chương trình triển khai vào thời kỳ suy thoái kinh tế nên việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn), một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, hoặc khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuê xoa; việc triển khai và vận dụng khi xây dựng các tiêu chí ở một số địa phương còn máy móc, kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả như mong đợi (Văn phòng Chính phủ, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện ân thi tỉnh hưng yên (Trang 33 - 35)