Tình hình xây dựng quy hoạch nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện lang chánh tỉnh thanh hóa (Trang 37 - 40)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Cơ sở thực tiễn về quy hoạch xây dựng nông thôn mới

2.2.2. Tình hình xây dựng quy hoạch nông thôn mới ở Việt Nam

Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay. Sau nhiều năm thực hiện, diện mạo nhiều vùng nông thôn được đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được nâng cấp, đời sống đa số nông dân được cải thiện, hộ nghèo giảm, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, tình thôn nghĩa xóm được vun đắp, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước.

Ngay trong những năm đầu triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng trở thành phong trào của cả nước. Nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới được xác định rõ trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp từ tỉnh đến huyện và xã. Ban Bí thư Trung ương khóa X đã trực tiếp chỉ đạo Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã tại 11 xã điểm ở 11 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền. Bộ máy quản lý và điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được hình thành từ Trung ương xuống địa phương. Các bộ, ngành đã ban hành 25 loại văn bản hướng dẫn địa phương về tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, quy hoạch nông thôn mới. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Ngày 08-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Các địa phương đã quan tâm hơn và tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Nhờ đó, tốc độ đạt tiêu chí của các xã tăng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân được các địa phương quan tâm xây dựng, nâng cấp; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của cư dân nông thôn tăng nhanh hơn (Phạm Tất Thắng, 2015).

Đến tháng 9/2014 đã có 512 xã (5,8%) đạt chuẩn, tăng 327 xã so với thời điểm tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm (5/2014 có 185 xã). Trong đó có 1.285 xã (14,5%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2.836 xã (32,1%) đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 2.964 xã (33,6%) đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 945 xã (11%) đạt dưới 5 tiêu chí và không còn xã trắng tiêu chí. Dự kiến hết năm 2015 cả nước sẽ có khoảng 05 huyện và 1.800 xã đạt chuẩn (đạt 20%), 1.527 xã (17,33%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí và chỉ còn 600 xã đạt dưới 5 tiêu chí (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2015).

Về lập và phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, đã có 97,4% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch, dự kiến hoàn thành 100% số xã vào năm 2015. Về phát triển giao thông nông thôn, chương trình đã xây dựng được trên 5 nghìn công trình với khoảng 700.000 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, đã có 23,3% số xã đạt tiêu chí giao thông, đến hết năm 2015 đạt khoảng 35,3%. Trên lĩnh vực thủy lợi, hiện có 44,5% số xã đã đạt tiêu chí, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 52,7%; 75,6% xã đạt tiêu chí về điện, đến hết năm 2015 đạt khoảng 80,9%.

Cùng với đó, công tác phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương. Nhiều địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất thông qua tăng cường hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất với mô hình “cánh đồng lớn”, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ người dân mua máy cày, gặt, sấy, đưa tỷ lệ cơ giới hóa của các khâu này tăng từ 40% - 50% lên 80 - 90% như các tỉnh: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp.

Về hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò hạt nhân lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ xã đã có bước trưởng thành nhanh; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở đạt chuẩn được quan tâm. Đến hết năm 2014 có 68,2% số xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị, xã hội, dự kiến đến hết năm 2015 đạt 79,5%.

Tuy nhiên quá trình xây dựng nông thôn mới cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là:

- Thứ nhất, chưa có quy hoạch và quản lý có hiệu quả về không gian chung nông thôn - đô thị, công nghiệp - nông nghiệp, về hạ tầng nông thôn, nên đã dẫn đến không gian nông thôn truyền thống đang bị phá vỡ tại nhiều nơi, mất đi tính đặc thù với các giá trị bản sắc văn hóa, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường gia tăng;

- Thứ hai, xã hội nông thôn chưa được tổ chức thích hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân chủ cơ sở còn bị vi phạm ở nhiều nơi, mâu thuẫn xã hội gia tăng, văn hóa truyền thống bị mai một;

- Thứ ba, kinh tế nông thôn phát triển nhưng thiếu tính bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Người dân thiếu việc làm ổn định, nghèo đói giảm chậm và có xu thế tái nghèo ở một số địa phương, một bộ phận dân cư còn sống dưới mức nghèo khổ;

- Thứ tư, cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù từng địa phương. Thực tế các địa phương mới chỉ tiến hành ghép vốn đối với các công việc, mục tiêu có cùng nội dung. Tuy nhiên, điều này lại gây khó trong tổng hợp kết quả đạt được của từng dự án, chương trình từ việc ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn (Phạm Tất Thắng, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện lang chánh tỉnh thanh hóa (Trang 37 - 40)