Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.1.1. Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1. Vị trí địa lý
Lang Chánh là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có tọa độ địa lý từ 20o00’13” - 20o18’15”B, 105o17’30” – 105o45’20”Đ.
Trung tâm huyện là Thị trấn Lang Chánh, cách trung tâm Thành phố Thanh Hóa 100 km về phía Tây - Tây Bắc, cách đô thị miền Tây của tỉnh 16 km về phía Tây. Lang Chánh có ranh giới hành chính tiếp giáp với các huyện như sau:
Phía Bắc: Giáp huyện Bá Thước; Phía Nam: Giáp huyện Thường Xuân; Phía Đông: Giáp huyện Ngọc Lặc;
Phía Tây: Giáp huyện Quan Sơn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Lang Chánh có Quốc lộ 15A chạy qua, là con đường chiến lược quan trọng của cả tỉnh, nối miền núi với các huyện đồng bằng, các trung tâm phát triển của tỉnh và với nước bạn Lào; đồng thời có hơn 7 km đường biên giới với Lào. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, liên kết phát triển với các huyện khác trong tỉnh, với các tỉnh nằm ở phía Tây Bắc nước ta, xây dựng biên giới, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước bạn Lào (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
4.1.1.2. Địa hình
Địa hình huyện Lang Chánh tương đối đa dạng và phức tạp, có nhiều núi cao, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh bởi các sông, suối. Độ cao trung bình toàn huyện từ 500 - 700 m (so với mặt nước biển), cao nhất là đỉnh núi Bù Rinh (1.291 m). Địa hình Lang Chánh thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Độ dốc trung bình từ 20 – 30o, có nơi từ 40 – 50o. Điều này gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là cho giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội trong huyện và giữa huyện với các huyện khác, khó khăn cho xây dựng kết cấu hạ tầng.
Dựa theo độ cao có thể chia huyện thành hai vùng địa hình như sau:
- Vùng núi cao: Có diện tích tự nhiên là 48.355,54 ha, chiếm 82,47% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, gồm các xã: Lâm Phú, Tam Văn, Trí Nang, Yên Thắng, Yên Khương, Giao An, Giao Thiện. Độ cao trung bình từ 600 - 700 m, có địa hình phức tạp, độ dốc thường từ 8o trở lên, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp, cây lâu năm,…
- Vùng núi thấp: Có diện tích tự nhiên là 10.303,46 ha, chiếm 17,6% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, gồm các xã: Tân Phúc, Đồng Lương, Quang Hiến và Thị trấn Lang Chánh. Độ cao trung bình từ 500 - 600 m, độ dốc thấp hơn các xã vùng núi cao, có nhiều thung lũng. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp hàng năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của huyện (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
4.1.1.3. Khí hậu
Lang Chánh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với các đặc trưng sau: Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều và chịu ảnh hưởng của gió Phơn Tây Nam khô nóng (còn gọi là gió Lào); mùa đông lạnh, ít mưa.
a. Chế độ nhiệt
Nhiệt độ trung bình năm là 23,2oC. Tổng tích ôn trong năm từ 8.100 - 8.500oC.
b. Chế độ mưa
Lượng mưa bình quân hàng năm lớn, trung bình khoảng 1.600 - 1.700 mm/năm. Tuy nhiên, lượng mưa phân bố không đều trong năm. Mưa được chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 - 10), chiếm tới 62% tổng lượng mưa cả năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 8 (khoảng 298 mm/tháng); mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tháng mưa ít nhất là tháng 12 (khoảng 16 mm/tháng).
- Độ ẩm: Trung bình năm là 86%. Tháng có độ ẩm cao nhất là từ tháng 2 - 4, khoảng 89%. Mùa đông vào những ngày khô hanh độ ẩm xuống thấp tới 50%.
- Gió: Tốc độ gió yếu, trung bình 1-1,5m/s. Hướng gió thịnh hành là Đông Bắc vào mùa đông, Đông Nam vào mùa hè. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của gió Phơn Tây Nam khô nóng vào mùa hè (khoảng 15 - 20 ngày trong năm).
- Sương mù: Lang Chánh lắm sương mù, thường xuất hiện vào những ngày đầu mùa đông, bình quân mỗi năm có 70 - 80 ngày có sương mù.
- Thiên tai: Ảnh hưởng của bão ít, tốc độ không quá 30m/s. Vào mùa mưa, thường xảy ra sạt lở, lũ quét.
Khí hậu Lang Chánh còn có sự phân hóa Đông - Tây. So với phía Tây, phía Đông có nền nhiệt thấp hơn, lượng mưa nhiều hơn, khí hậu dễ chịu hơn.
Nhìn chung, khí hậu - thời tiết Lang Chánh tương đối thuận lợi. Thời tiết không nóng lắm, mưa nhiều, lượng ánh sáng, gió vừa phải, ít thiên tai là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất của con người và cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là cây lâu năm. Tuy nhiên, thời gian sương mù kéo dài làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời giảm tầm nhìn xa của người điều khiển phương tiện giao thông, gây nguy hiểm cho hoạt động giao thông. Các hiện tượng sạt lở, lũ quét, lũ ống thường xảy ra vào mùa mưa gây cản trở cho giao thông và cho hoạt động dân sinh (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
4.1.1.4. Thủy văn, nguồn nước
Lang Chánh (thuộc lưu vực sông Âm) nằm trong tiểu vùng thuỷ văn thượng lưu sông Chu (II1) có các đặc trưng chủ yếu sau:
- Sông Âm bắt nguồn từ núi Bù Kang (biên giới Việt - Lào), chảy qua huyện Lang Chánh đổ vào sông Chu, chiều dài khoảng 85 km, diện tích lưu vực 750 km2.
- Chế độ nước: Chia làm 2 mùa: Mùa lũ (từ tháng 6 - 11) và mùa cạn (kéo dài từ tháng 12 - tháng 5 năm sau), tháng có dòng chảy lớn nhất là tháng 9, tháng 10.
- Trên địa bàn huyện có 2 con sông là sông Sạo, sông Cảy (là 2 nhánh của sông Âm) và nhiều suối nhỏ khác. Các sông suối trên địa bàn huyện thường ngắn, dốc, lòng sông hẹp và quanh co uốn khúc, mùa mưa mực nước dâng nhanh cùng lúc đổ về sông Âm nên thường tạo lũ ống, lũ quét.
- Hệ thống hồ, đập phong phú, gồm các hồ: Hồ Bắc Nậm (xã Giao An), hồ Chu Mon (xã Đồng Lương), hồ Chiềng Khạt (xã Đồng Lương) và hồ Cú Tá (xã Tam Văn). Ngoài ra còn có hàng chục đập tràn, đập dâng như: Đập Cùi (xã Đồng Lương), đập Hón Phách (xã Tân Phúc), đập Ngàm (xã Yên Thắng), đập Hón Lưỡi (Thị trấn),... (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên
a. Tài nguyên đất
Theo Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 07/03/2013, huyện Lang Chánh có tổng diện tích là 58.659,18 ha, bao gồm các loại đất đang sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp (Diện tích này không bao gồm diện tích sông suối, ao hồ và đất chưa sử dụng không qua điều tra là 2.184,75 ha).
Theo phân loại thổ nhưỡng FAO - UNESCO, trên địa bàn huyện có các loại đất sau:
Nhóm đất phù sa: Diện tích là 756,94 ha, chiếm 1,29% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở trung tâm huyện nhờ sự bồi đắp của hệ thống sông suối Lang Chánh, thường phân bố dưới dạng các dải phù sa sông suối hay dọc các thung lũng hẹp.
Nhóm đất đen đá vôi: Diện tích là 62,75 ha, chiếm 0,11% diện tích đất tự nhiên của huyện, tập trung tại xã Yên Khương.
Nhóm đất đỏ: Diện tích là 8.217,63 ha, chiếm 14,01% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu tại khu vực xã yên Khương, Yên Thắng, Trí Nang, Tân Phúc và Tam Văn.
Nhóm đất xám: Diện tích là 45.627,95 ha, chiếm 77,78% diện tích tự nhiên. Đây là loại đất có diện tích lớn nhất của huyện, phân bố trên toàn huyện. Căn cứ vào đặc tính hình thái và các tính chất của đất, nhóm đất xám lại được chia thành các loại khác nhau: Đất xám Feralit, đất xám mùn, đất xám Glay điển hình.
Nhóm đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá: Diện tích là 1.809,16 ha, chiếm 3,08% diện tích tự nhiên, tập trung tại 2 xã Đồng Lương và Tân Phúc (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
b. Tài nguyên nước
* Nguồn nước mặt
Lang Chánh có nguồn nước mặt khá phong phú, gồm nước từ các sông (sông Âm, sông Sạo, sông Cảy), suối, hồ, đập, kênh mương. Chất lượng nguồn nước tương đối tốt, hiện đang được khai thác phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nếu được điều tiết có thể đủ thỏa mãn cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, việc khai thác nguồn nước mặt đang gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, công tác thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ. Hàng năm vào mùa khô (từ tháng 1 - 3), ở hầu hết tất cả các xã trong huyện đều xảy ra tình trạng hạn hán, nhiều diện tích lúa chỉ gieo cấy được 1 vụ trong năm.Về mùa mưa, thường xảy ra lũ ống, lũ quét làm cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn dọc các triền sông, suối ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.
Do vậy, việc đầu tư và nâng cấp đồng bộ các công trình thủy lợi để khai thác có hiệu quả nguồn nước trong sản xuất, làm tăng thu nhập, giúp xóa đói giảm nghèo là việc làm hết sức cần thiết.
* Nguồn nước ngầm
Nguồn nước ngầm rất hạn chế, chỉ ở mức 0,02 - 2,01 l/s. Qua tình hình thực tế một số giếng nước của các hộ dân cho thấy: Về mùa mưa, mực nước nơi cao nhất từ 2 - 3m; về mùa khô, mực nước ngầm hạ thấp xuống còn 1- 1,5m, nơi thấp nhất < 1m so với mặt đất. Vì vậy, vào mùa khô, thường thiếu nước tưới tiêu, đất đai khô hạn.
Chất lượng nước ngầm tốt, tuy nhiên ít được khai thác, sử dụng. Những năm gần đây, để đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất, tốc độ khai thác, sử dụng nước ngầm được đẩy nhanh hơn. Đến nay, nhiều hộ đã có giếng nước sạch (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
c. Tài nguyên rừng
Từ trước đến nay, rừng và nghề rừng vốn là một thế mạnh của huyện Lang Chánh. Theo kết quả rà soát 3 loại rừng, hiện nay toàn huyện có 50.755,83 ha đất có rừng, chiếm tới 86,53% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó: Đất rừng phòng hộ là 16.144,43 ha, đất rừng sản xuất là 34.611,40 ha.
Rừng có ở hầu hết các xã trong huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở Yên Thắng, Yên Khương, Lâm Phú, Giao Thiện. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 72%. Lang Chánh là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ che phủ rừng.
Theo kết quả kiểm kê rừng, rừng của Lang Chánh thuộc loại trung bình, trữ lượng ước tính có khoảng 1.616 m3 gỗ; 15 triệu cây tre, luồng; 55 triệu cây nứa và hàng chục ngàn cây hỗn giao tre, nứa, gỗ các loại. Hơn 90% rừng gỗ hiện nay thuộc loại rừng non và rừng nghèo; rừng giàu và rừng trung bình chỉ còn phân bố rải rác ở dãy núi Bù Rinh (độ cao 1.200 m), ở nơi xa đường giao thông, xa khu dân cư và chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn nên ít có giá trị khai thác (UBND huyện Lang Chánh, 2014).
d. Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản của Lang Chánh đa dạng về chủng loại, có thể kể đến một số loại như: Quặng sắt, đồng, vật liệu xây dựng,…