Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.3. Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại xã
4.3.4. Đánh giá về công tác thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên
trên địa bàn xã Giao An và xã Đồng Lương
4.3.4.1. Xã Giao An
Xã Giao An là xã dẫn đầu huyện Lang Chánh về tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2015, xã đã thực hiện được 14/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong 3 loại hình quy hoạch, tiến độ thực hiện của xã là tương đối nhanh, cụ thể như sau:
- Quy hoạch cơ sở hạ tầng: Các công trình phục vụ XDNTM đã được thực hiện khá tốt và tương đối phù hợp với tiến độ theo quy hoạch đã đề ra. Chỉ còn
một số công trình thủy lợi, hệ thống cấp nước và chợ nông thôn là còn chậm so với tiến độ;
- Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp: Xã tập trung vào đầu tư trang trại quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường. Tiến độ thực hiện xây dựng các trang trại này là phù hợp so với quy hoạch ban đầu;
- Quy hoạch sử dụng đất: Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất xã Giao An tương đối tốt. Đa số các loại đất đều thực hiện đúng với tiến độ đề ra, chỉ có một số loại đất không thực hiện đúng theo tiến độ như: Đất thủy lợi, đất chợ, đất ở nông thôn,... Nguyên nhân là do thiếu nguồn kinh phí để thực hiện, dự án có sử dụng đất trồng lúa, công tác quản lý đất đai ở địa phương chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện quy hoạch.
Mặc dù vậy, trong công tác thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt được một số thành công nhất định bởi một số lý do sau:
- Công tác tuyên truyền được thực hiện tương đối tốt trên địa bàn xã trong công tác xây dựng nông thôn mới. Cán bộ xã phối kết hợp với các trưởng thôn, các cán bộ thôn chủ động tới từng hộ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Các ban ngành, đoàn thể ở xã cũng triển khai lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới vào nội dung công việc chuyên ngành của mình để triển khai cho bà con;
- Đội ngũ cán bộ xã nhiệt tình, năng nổ, đặc biệt là cán bộ được phân công thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới, luôn có những cách làm hay trong quá trình triển khai. Những cán bộ là Đảng viên nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Đảng bộ xã đề ra trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, là tấm gương sáng cho bà con học tập và noi theo. Nội dung xây dựng nông thôn mới luôn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đưa ra các cuộc họp thôn, bà con tham gia bàn bạc, trao đổi, góp ý kiến, qua đó xã tổng hợp và thống nhất xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với từng năm, từng giai đoạn. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, xã Giao An luôn đặt nhân dân làm chủ thể trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, để nhân dân chủ động hiến kế, hiến công, tạo không khí sôi nổi hào hứng trong nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới;
- Nhân dân trong xã đã có nhận thức tương đối cao. Nhân dân trong xã tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất, tài sản trên đất, đóng
góp ngày công lao động, tiền của để cùng tham gia xây dựng nông thôn mới với chính quyền. Điều này cho thấy bà con đã nhận thấy được lợi ích từ chương trình xây dựng nông thôn mới; thấy được cái hay, cái tốt, thấy được mục đích sau cuối của chương trình cũng là để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã còn một vài điểm tồn tại sau:
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Giao An còn chưa thực sự bám cơ sở, công tác quản lý, chỉ đạo còn lỏng lẻo tại nhiều thời điểm;
Chưa thực sự quyết tâm trong thực hiện một số tiêu chí, điển hình như tiêu chí thủy lợi;
Trong quá trình thực hiện quy hoạch thủy lợi, Ban chỉ đạo XDNTM ở xã còn chưa linh hoạt, khéo léo tận dụng các nguồn lực tại chỗ;
Cán bộ thôn, xã còn chưa thực sự làm gương cho bà con nhân dân trong quá trình thực hiện nếp sống văn minh, ăn ở sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường; còn mang nặng tư tưởng cục bộ địa phương và một số phong tục lạc hậu.
4.3.4.2. Xã Đồng Lương
Xã Đồng Lương là một trong những xã có tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới chậm nhất huyện Lang Chánh. Tính đến tháng 12 năm 2015, xã mới chỉ hoàn thành 6/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Trong 3 phương án quy hoạch: Quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất, thì chỉ có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp là xã thực hiện tương đối tốt, còn 2 quy hoạch còn lại, tiến độ thực hiện của xã là rất chậm.
- Quy hoạch cơ sở hạ tầng: Tiến độ thực hiện quy hoạch này của xã rất chậm, hầu hết các công trình đều chưa được thực hiện, một số ít các công trình đang thực hiện dang dở;
- Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp: Là vùng ven thị trấn, nên xã Đồng Lương tập trung vào sản xuất rau đậu thực phẩm nhằm cung cấp cho thị trường này. Do vậy, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu đầu tư vào các vùng chuyên canh cây rau đậu, một phần đầu tư vào nuôi trồng thủy sản và trồng lúa chất lượng cao. Các hạng mục phần lớn đã được thực hiện, chỉ còn vùng chăn nuôi quy mô lớn do Công ty TNHH Lam Sơn làm chủ đầu tư vẫn đang xây dựng
các công trình phụ trợ, chưa triển khai thực hiện nên ảnh hưởng đến tiến độ của quy hoạch;
- Quy hoạch sử dụng đất: Tình hình thực hiện quy hoạch sử dụng đất của xã cũng không mấy khả quan. Trong các nội dung đề ra theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, chỉ có chỉ tiêu về đất văn hóa là đạt theo đúng tiến độ, các loại đất khác hầu như không mấy thay đổi so với đầu kỳ quy hoạch.
Dẫn tới tình trạng đó là do một số nguyên nhân:
- Đồng Lương là một xã nghèo nằm dọc đường quốc lộ 15A, địa hình rất phức tạp, phân bố dân cư xống rải rác, diện tích đất canh tác ít và manh mún, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao nên việc huy động vốn từ nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn vốn xã nhận được từ sự hỗ trợ của cấp trên cũng không cao do xã không thuộc diện vùng sâu vùng xa;
- Công tác tuyên truyền, vận động nhân nhân thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn chưa hiệu quả;
- Chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới kém, công tác khảo sát trước khi lập quy hoạch sơ sài;
- Nhận thức của một số bà con nhân dân về XDNTM còn hạn chế, còn coi việc xây dựng nông thôn mới là việc của nhà nước, của chính quyền;
- Cán bộ được phân công làm công tác xây dựng NTM đều kiêm nhiệm, năng lực còn hạn chế, chưa dành nhiều thời gian xuống thôn để tuyên truyền, vận động cũng như hướng dẫn cho bà con các hình thức tham gia XDNTM;
- Công tác chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi còn nhiều lúng túng, phân công nhiệm vụ chưa rõ người, rõ việc. Một số thôn chưa quyết tâm cao, nên chưa huy động được sức dân, quá trình hoạt động còn lúng túng, chưa sát sao;
- Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã chưa linh hoạt trong công tác huy động vốn, chưa phát huy được vai trò quan trọng trong việc tự huy động kinh phí từ tài sản, công sức của người dân trên địa bàn xã hoặc con em đi làm ăn xa quê, thành đạt muốn đóng góp xây dựng quê hương...;
- Việc sử dụng các nguồn lực còn nhiều vấn đề cần xem xét; tính trông chờ, ỷ lại vào cấp trên còn cao.
4.4. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LANG CHÁNH
4.4.1. Giải pháp nhằm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lang Chánh
* Đối với xã Giao An
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo xã cần tăng cường thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, trực tiếp xuống cơ sở nắm bắt tình hình cụ thể. Tập trung huy động nguồn lực tại chỗ, vật liệu, dụng cụ tại chỗ, thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp các tuyến mương, hồ đập có nguy cơ bị hỏng, nhanh chóng khắc phục tình trạng cắm cọc, đan mành đắp đất kè bờ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường cho bà con. Cán bộ xã, thôn bản phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, ăn sạch, ở sạch, uống sạch, dần xóa bỏ những phong tục lạc hậu, tiêu cực.
* Đối với nhóm xã đạt được từ 8 - 9 tiêu chí, gồm: Giao Thiện, Quang Hiến và Trí Nang. So với mặt bằng chung của huyện, nhóm xã này thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở mức trung bình. Những tiêu chí chưa đạt được chủ yếu thuộc nhóm hạ tầng – kinh tế - xã hội và tiêu chí môi trường, vì thế, giải pháp đặt ra cho nhóm xã này là:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là về vệ sinh môi trường nhằm nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường công cộng cũng như môi trường sống tại cộng đồng;
- Ưu tiên thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo;
- Chính quyền xã cần tập trung giải quyết nhu cầu về vốn, tăng cường và linh hoạt trong việc kêu gọi vốn đầu tư, đẩy mạnh kêu gọi vốn từ nhiều nguồn như: Nhà nước, các trang trại, cơ sở sản xuất - kinh doanh đóng trên địa bàn xã, con em xa quê đã thành đạt muốn cống hiến xây dựng quê hương, các nhà hảo tâm,...
* Đối với nhóm xã đạt được từ 5 - 7 tiêu chí, gồm: Đồng Lương, Tân Phúc, Lâm Phú, Yên Thắng, Yên Khương và Tam Văn
- Nhóm xã này có nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, do đó, đối với những xã này, cần ưu tiên thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn; tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ tư vấn tìm việc làm và xuất khẩu lao động;
- Đội ngũ cán bộ cấp xã chưa thực sự năng động, nhiệt tình, tích cực trong quá trình thực hiện, chưa vững về trình độ chuyên môn. Vậy nên, trong thời gian tới, huyện nên mở các lớp tập huấn đội ngũ cán bộ những xã này. Ngoài ra, nên cử những cán bộ có năng lực, có trách nhiệm cao trong công việc trực tiếp xuống xã hỗ trợ trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Người đứng đầu chính quyền nên tăng cường giám sát, có những biện pháp xử lý thích hợp đối với những cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm của mình trong công tác XDNTM trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động tới từng hộ gia đình, từng người dân trên địa bàn xã về phong trào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, xây dựng các cơ chế pháp lý nhằm xử lý, răn đe những thành phần mang tư tưởng gây rối, chống đối đến cùng việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.