Đặc điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nhật bản trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 27 - 29)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài

2.1. Cở sở lý luận

2.1.3. Đặc điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia có mối quan hệ gần gũi, tốt đẹp, là đối tác toàn diện với Việt Nam. Qua 25 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nhật Bản đã và luôn được xác định là đối tác chiến lược của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng

Nhật Bản phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và xác định đối tác chiến lược chung của quốc gia: Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã không ngừng phát triển, được đẩy mạnh và nâng cao trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2012 đã đạt 25 tỷ USD và dự kiến năm 2013 đạt 29tỷ USD. Hai bên đã ký kết nhiều văn bản quan trọng để thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác song phương như: Sáng kiến chung Việt - Nhật (năm 2003), Hiệp định về tự do xúc tiến và bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản (năm 2004), Hiệp định đối tác Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) (năm 2009). Năm 2013 cũng được xác định là năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973-21/9/2013).

Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và Hà Nội cả về vốn đầu tư trực tiếp và vốn hỗ trợ ODA. Về đầu tư trực tiếp: trên toàn Việt Nam, tính đến hết tháng 12/2012, Nhật Bản có 1.849 dự án (chiếm 12,7% trên tổng số 14.522 dự án) với tổng vốn đăng ký là 28,7 tỷ USD (chiếm 13,6%

trên tổng số 210,5 triệu USD). Tại Hà Nội, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ nhất về vốn đầu tư và thứ hai về số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 480

dự án và tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Về vốn hỗ trợ ODA: tính đến

hết năm 2012, Nhật Bản tài trợ cho thành phố Hà Nội 20 dự án với trị giá khoảng 1,62tỷ USD, chiếm 56,3% giá trị tài trợ từ tất cả các quốc gia, chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng đô thị. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là quốc gia tích cực hỗ trợ Việt Nam giải quyết những khó khăn trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án phát triển xã hội khác.

Các thế mạnh của Nhật Bản phù hợp với định hướng thu hút đầu tư để chuyển dịch kinh tế Thành phố theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá: Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, với tiềm năng tài chính và trình độ phát triển khoa học – công nghệ ở mức cao so với các nước phát triển, đạt được nhiều thành tựu và có thế mạnh trong các lĩnh vực: phát triển hạ tầng đô thị; sản xuất công nghiệp và các dịch vụ công nghiệp hỗ trợ đồng thời với việc chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ mới để đảm bảo yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Với kinh nghiệm phát triển của mình, thông qua các hoạt động đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các dự án lớn, Nhật Bản có thể hỗ trợ hiệu quả Thành phố trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ở cấp quốc gia, năm 2012, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam xây dựng các chiến lược phát triển, nhất là Chiến lược phát triển Công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Thu hút đầu tư từ Nhật Bản là cánh cửa giúp các doanh nghiệp tại Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào cuỗi cung toàn cầu:

Hầu hết các công ty đa quốc gia của Nhật đều có mạng lưới tiếp thị và cung ứng rộng khắp thế giới. Các sản phẩm với công nghệ Nhật Bản chiếm được cảm tình và sự tin cậy của đa số người tiêu dùng. Do đó, việc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào Hà Nội sẽ góp phần nâng cao vị thế của Thành phố khi tham gia vào chuỗi cung cứng toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản cũng góp phần vào quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời, là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chú trọng đến chất lượng của sản phẩm và dịch vụ cung cấp nhằm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong bối cảnh phải cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.

Doanh nghiệp Nhật Bản là các đối tác tin cậy, hoạt động nghiêm túc tại Việt Nam: Nhìn chung, các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam trong quá trình hoạt động doanh nghiệp và dự án, góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố, tạo thêm nhiều việc làm, đãi ngộ tốt cho người lao động và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Trong bối cảnh hiện nay, một số nước trong khu vực đang chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư tại nước họ. Do đó, có xu hướng tìm kiếm công nghệ sạch đầu tư trong nước và đẩy công nghệ thấp hơn, thậm chí là ô nhiễm môi trường sang các nước có năng lực quản lý kém; xu hướng tìm nguồn nguyên liệu để đối phó với khủng hoảng năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, việc lựa chọn Nhật Bản, với mức độ hoạt động tin cậy và hiệu quả trong thời gian qua, là đối tác đầu tư chiến lược được xem là phù hợp.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có xu thế các nhà đầu tư Nhật Bản rút hoạt động đầu tư FDI tại Trung Quốc để chuyển sang một số quốc gia khác trong khu vực, dẫn đến khả năng có làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới. Việc Thủ tướng Nhật Bản, ông Shino Aibe lựa chọn Việt Nam là quốc gia nước ngoài công du đầu tiên cùng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Nhật thể hiện sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Như vậy, việc xây dựng Đề án nhằm thúc đẩy hợp tác, thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào thành phố Hà Nội là một yêu cầu khách quan và cần thiết, xuất phát từ thực tiễn nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất và có những cơ chế, chính sách hấp dẫn, được xây dựng phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản để phục vụ mục tiêu hiện đại hoá và phát triển bền vững của Thủ đô; đồng thời, đây cũng là một trong các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống, tốt đẹp giữa hai nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nhật bản trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 27 - 29)