Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Trang trại nông nghiệp trên thế giới
2.3.1. Tình hình phát triển trang trại và kinh tế trang trại trên thế giới
2.3.1.1. Tình hình phát triển trang trại và kinh tế trang trại ở một số nước Châu Á
Ở Châu Á, chế độ phong kiến kéo dài cho nên kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa ra đời chậm hơn. Tuy vậy, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sự xâm nhập của tư bản phương Tây vào các nước Châu Á, cùng với việc xâm nhập của phương thức sản xuất kinh doanh tư bản chủ nghĩa, đã làm nảy sinh hình thức kinh tế trang trại trong nông nghiệp. Trong quá trình phát triển kinh tế trang trại ở các nước trên thế giới đã có sự biến động lớn về quy mô, số lượng và cơ cấu trang trại.
Ở khu vực Châu Á, do đất canh tác trên đầu người vào loại thấp nhất thế giới, bình quân có 0,15 ha/người như Đài Loan: 0,047 ha/người, Malaixia: 0,25 ha/người, Hàn Quốc: 0,053 ha/người, Nhật Bản 0,035 ha/người… Ở các nước có nền kinh tế phát triển: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản sự phát triển kinh tế trang trại cũng theo quy luật, số lượng trang trại giảm và quy mô diện tích tăng. Ở Nhật Bản, năm 1950 số trang trại là 6.176.000, năm 1993 là 3.691.000 trang trại. Số lượng trang trại giảm bình quân hàng năm 1,2%. Diện tích trang trại bình quân năm 1950 là 0,8 ha, năm 1993 là 1,38 ha, tốc độ tăng diện tích bình quân hàng năm là 1,3%. Ở Đài Loan, năm 1955 số trang trại là 1,12 ha 744.000, năm 1988 là 739.000 trang trại. Tốc độ trang trại giảm bình quân 0,02%. Diện tích trang trại bình quân năm 1955 là 1,12 ha năm 1988 là 1,21 ha. Tốc độ tăng diện tích trang trại bình quân hàng năm là 0,2%. Ở Hàn Quốc, năm 1953 có 2.249.000 trang trại, năm 1979 giảm xuống 1.172.000 trang trại. Số lượng trang trại giảm bình quân hàng năm 0,7%, diện tích bình quân của trang trại tăng bình quân hàng năm là 0,9% (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, 2000).
Nhật Bản là nước có mô hình trang trại phát triển khá mạnh, hiện nay Nhật Bản có các loại hình trang trại sau:
- Các trang trại chuyên làm nông nghiệp: không làm việc khác và nguồn thu nhập duy nhất là sản xuất nông nghiệp. Năm 1988, có 62.000 cơ sở quy mô diện tích từ 2 - 3 ha trở lên, bình quân 4 ha, sản xuất 45% sản lượng thóc gạo của cả nước. Ngoài ra, còn có các loại trang trại chăn nuôi: lợn, gà, bò sữa, bò thịt có quy mô lớn và chuyên môn hóa.
- Các trang trại làm nông nghiệp chính: Thu nhập từ nông nghiệp là chủ yếu, ngoài ra còn làm các công việc ngoài nông nghiệp nhưng thu nhập không đáng kể. Năm 1988, có 404.000 cơ sở có quy mô từ 1 - 2 ha. Sử dụng lao động gia đình sản xuất nông nghiệp trong lúc thời vụ khẩn trương, lúc nông nhàn đi làm công nhân ở xí nghiệp hoặc làm ngành nghề thủ công ngay ở trang trại như lắp ráp linh kiện điện tử, nghề thủ công mỹ nghệ.
Ở Châu Á nói chung, hiện tượng tích tụ ruộng đất diễn ra chậm nên xảy ra tình trạng phân tán, manh mún ruộng đất, đây là một trong những trở ngại trong vấn đề phát triển kinh tế trang trại.
2.3.1.2. Tình hình phát triển trang trại và kinh tế trang trại ở một số nước Châu Âu
Châu Âu cái nôi của của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đã xuất hiện hình thức tổ chức sản xuất kinh tế trang trại, thay thế cho hình thức kinh tế tiểu nông và hình thức điền trang của chế độ phong kiến. Nước Anh đầu thế kỷ XVII có sự tập trung ruộng đất đã hình thành nên những trang trại tập trung trên quy mô rộng lớn, cùng với việc sử dụng lao động làm thuê. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở đây giống như mô hình hoạt động ở các công xưởng. Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp tập trung lớn về quy mô và sử dụng nhiều lao động làm thuê đã không mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng các trang trại vừa và nhỏ.
Các nước Pháp, Hà Lan, Đan Mạch… kinh tế trang trại cũng được phát triển mạnh tạo ra nhiều nông sản hàng hóa. Nước Anh năm 1950 có 543.000 trang trại đến năm 1957 còn có 25.400 trang trại. Nước Pháp năm 1955 có 2.285.000 trang trại đến năm 1993 chỉ còn 801.000 trang trại. Diện tích bình quân của các trang trại qua các năm có xu hướng tăng lên như: ở Anh năm 1950 diện tích bình quân một trang trại là 36 ha, Cộng hòa liên bang Đức năm 1949 là 11 ha năm 1985 là 15 ha, Hà Lan năm 1960 là 7 ha đến năm 1987 là 1 ha (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, 2000).
2.3.1.3. Tình hình phát triển trang trại và kinh tế trang trại ở một số nước Châu Mỹ
Nước Mỹ là nước có kinh tế trang trại rất phát triển. Năm 1950, ở Mỹ có 5.648.000 trang trại và giảm dần số lượng đến năm 1960 còn 3.962.000. Trong khi đó, diện tích bình quân một trang trại tăng lên, năm 1950 là 56 ha năm 1960 là 120 ha, năm 1992 là 198,7 ha.
Các trang trại nông nghiệp Mỹ đi vào sản xuất chuyên môn hoá với 20 chuyên ngành phân bố trên 10 vùng sản xuất khác nhau như vành đai ngô, vành đai sữa... nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh về chất lượng nông sản và giá thành. Các trang trại nông nghiệp không hoạt động đơn độc mà nằm trong hệ thống kinh tế liên ngành mang tên AGRIBUSINESS.
Công nghệ sản xuất nông nghiệp của các trang trại Mỹ đến nay đã được công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở mức độ cao, từ cơ giới hoá, điện khí hoá, đến thuỷ lợi hoá, hoá học hoá. Các khâu sản xuất và chế biến các loại nông sản chính đã được cơ giới hoá toàn bộ và công nghệ tin học và tự động hoá bắt đầu xâm nhập vào sản xuất nông nghiệp của các trang trại.
Công nghiệp hoá nông nghiệp trong các trang trại từ bề rộng chuyển sang bề sâu đi vào thâm canh cao, trên cơ sở giảm chi phí năng lượng, vật tư kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, như áp dụng rộng rãi công nghệ sản xuất trồng trọt bằng làm đất tối thiểu, trên diện tích 45 - 50 triệu hecta, giảm chi phí nhiên liệu, bảo vệ đất, chống xói mòn, ứng dụng kỹ thuật tưới tiêu cho cây trồng, tiết kiệm nước...
Công nghiệp hoá nông nghiệp Mỹ đã đem lại hiệu quả to lớn đối với kinh tế trang trại. Thành tựu nổi bật của nền nông nghiệp công nghiệp hoá của Mỹ là tạo ra năng suất cây trồng gia súc cao đi đôi với năng suất lao động nông nghiệp cao trên cơ sở kỹ thuật thâm canh công nghiệp hoá theo hướng giảm đầu tư lao động sống, tăng đầu tư lao động kỹ thuật (vật tư kỹ thuật, máy móc thiết bị). Đến nay năng suất các cây trồng và vật nuôi chủ yếu của Mỹ đều đạt mức cao vào loại hàng đầu thế giới trên diện tích lớn và cao gấp 2 - 3 lần năng suất bình quân thế giới. Năng suất bình quân hạt cốc của Mỹ trên 64 triệu hecta đạt 6,674 tấn/hecta, cao gấp 2 lần năng suất bình quân thế giới (2,83 tấn/hecta). Năng suất ngô là cây hạt cốc có diện tích gieo trồng lớn nhất nước Mỹ - trên 29 triệu hecta, đạt 8,685 tấn/hecta, cao gấp 2 lần năng suất bình quân thế giới 4,3 tấn/hecta. Năng suất lúa
nước của Mỹ trên 1,3 triệu hecta đạt 6,674 tấn/hecta cao hơn gấp 1,9 lần năng suất bình quân thế giới. Năng suất lúa mì của Mỹ trên 25 triệu hecta đạt 2,53 tấn/hecta cao hơn năng suất bình quân thế giới không nhiều 2,5 tấn/hecta vì lúa mỳ ở Mỹ tập trung ở các vùng đất xấu, khô cạn, còn đất tốt nhất dành cho ngô. Năng suất đỗ tương ở Mỹ đạt 2,83 tấn/hecta trên diện tích 25 triệu hecta, cao hơn bình quân thế giới 30%. Năng suất khoai tây của Mỹ đạt bình quân 34,2 tấn/hecta cao gấp 2,2 lần năng suất bình quân thế giới (15,12 tấn/hecta). Năng suất cà chua của Mỹ đạt bình quân 60,5 tấn/hecta cao gấp 2,2 lần năng suất bình quân thế giới. Năng suất sữa bò của Mỹ bình quân đạt 7.295 kg/con trên 9,5 triệu con bò sữa, cao hơn bình quân thế giới 3,5 lần. Năng suất lao động nông nghiệp. Mỹ đứng ở vị trí dẫn đầu thế giới do chi phí lao động nông nghiệp thấp và năng suất sản lượng nông nghiệp cao, kết quả của thâm canh và cơ giới hoá liên hoàn, đồng bộ trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Năng suất lao động nông nghiệp cao dẫn đến chi phí lao động trên đơn vị sản phẩm thấp. Đến nay chi phí lao động của các trang trại Mỹ để sản xuất 1 tạ ngô là 0,12 giờ công, 1 tạ lúa nước là 0,30 giờ công, 1 tạ thịt là 0,88 giờ công, 1 tạ sữa là 0,66 giờ công. Sản lượng nông sản của các trang trại Mỹ trong 30 năm gần đây tăng nhanh. Sản lượng hạt cốc tăng từ 176,5 triệu tấn lên 354 triệu tấn (thời gian 1961 - 1995) riêng ngô tăng từ 103 triệu tấn lên 254 triệu tấn. Sản lượng trái cây tăng từ 8,7 triệu tấn lên 23,35 triệu tấn. Sản lượng thịt tăng từ 19,6 triệu tấn lên 32,4 triệu tấn. Sữa từ 56,9 triệu tấn lên 69,85 triệu tấn. Sản lượng ngô và đỗ tương của các trang trại Mỹ chiếm trên 50% tổng sản lượng ngô của toàn thế giới. Sản lượng thịt sữa của Mỹ chiếm 16- 17% tổng sản lượng thế giới (Status of the family farm, Washington, 1999, dẫn theo KS. Vũ Văn Tân).
2.3.2. Loại hình sản xuất trang trại phổ biến trên thế giới
- Trang trại gia đình:
Là loại hình trang trại mà mỗi gia đình có tư cách pháp nhân riêng do người chủ hộ hay một người có năng lực và uy tín trong gia đình đứng ra quản lý. Ở nhiều nước phát triển, những chủ trang trại muốn được Nhà nước công nhận thì về trình độ quản lý và tư cách pháp nhân phải tốt nghiệp các trường kỹ thuật và quản lý nông nghiệp, đồng thời có kinh nghiệm qua thực tập lao động sản xuất kinh doanh một năm ở các trang trại khác. Họ không chỉ có bằng tốt nghiệp đại học về nông học, mà còn có sự am hiểu về kỹ thuật, về kinh tế, về thị trường. Ở
Mỹ, chủ trang trại thực sự là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, có trình độ học vấn cao. Các chủ trang trại như vậy được thường xuyên liên hệ với các cơ quan nghiên cứu khoa học để thu thập thông tin kinh tế kỹ thuật, tham gia các hội thảo khoa học. Loại hình trang trại gia đình được coi là phổ biến nhất trên tất cả các nước, ở các nước Châu Á, do quy mô nhỏ nên hình thức phổ biến là do một hộ gia đình quản lý sản xuất. Chẳng hạn, ở Malaixia, người chủ gia đình cũng là chủ trang trại và thường là chồng hoặc con trai, mỗi trang trại là một đơn vị kinh tế độc lập. Trong các trang trại trồng cây hàng năm, việc thuê nhân công thường theo mùa vụ. Trong các trang trại trồng cây lâu năm, lao động làm thuê thường xuyên khá phổ biến (Nguyễn Đình Hương, 2000).
- Trang trại liên doanh:
Là kiểu trang trại do hai hay ba trang trại hợp nhất thành một trang trại lớn hơn để tăng thêm khả năng về vốn và tư liệu sản xuất nhằm tạo ra sức cạnh tranh với các trang trại khác có quy mô lớn và tận dụng định hướng ưu đãi của Nhà nước dành cho các trang trại lớn.
Hiện nay, loại hình trang trại liên doanh ở Mỹ và các nước Châu Âu còn chiếm tỷ lệ thấp, ở Mỹ loại hình này chỉ chiếm 10% tổng số trang trại với 16% đất đai.
Đối với các nước Châu Á, quy mô trang trại còn nhỏ nên loại hình này hầu như rất ít (Nguyễn Điền, 1997).
- Trang trại hợp doanh theo cổ phần:
Là loại trang trại được tổ chức theo nguyên tắc một công ty cổ phần, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cổ phần của trang trại gia đình liên doanh không bán trên thị trường chứng khoán, còn cổ phần của các trang trại hợp doanh theo cổ phần có bán trên thị trường chứng khoán. Đó là sự khác biệt giữa trang trại hợp doanh gia đình và phi gia đình (Ban vật giá chính phủ, 2000).
- Trang trại uỷ thác cho người nhà, bạn bè quản lý sản xuất từng việc theo từng vụ hay liên tục nhiều vụ.
Hình thức này phổ biến ở Đài Loan. Những chủ trang trại này thường ít ruộng nên đã đi làm thuê cho các xí nghiệp, dịch vụ. Về phương diện tâm lý họ không muốn từ bỏ ruộng đất vì cho rằng ruộng đất cho thuê hay cho mướn sau này khó đòi lại được, nên họ uỷ thác lại ruộng đất cho bà con thân thuộc, bạn bè
từng khâu hay nhiều khâu trong sản xuất. Đến nay 75% số chủ trang trại ở Đài Loan đã áp dụng hình thức này. Đây là biện pháp tích cực góp phần tập trung ruộng đất tạo thành các trang trại lớn để mở rộng quy mô sản xuất (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, 2000).