Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và định hướng sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại huyện tứ kỳ, tỉnh hải dương (Trang 89 - 92)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.4. Thực trạng, định hướng và giải pháp sử dụng đất nông nghiệp theo

4.4.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Từ thực trạng sản xuất trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có thể thấy sản xuất hàng hóa vẫn mang tính tự phát ở quy mô nhỏ. Xu hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Chính vì vậy, Nhà nước đề ra chương trình liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp nhằm tạo ra mối liên kết mật thiết nhằm giúp nông dân tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo cả chất và lượng, để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, chương trình này còn thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế, cam kết tiêu thụ hàng hóa nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp.

4.4.3.1. Giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Khó khăn lớn nhất đặt ra với người dân chính là nông sản hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ ở đâu? Khi mà sản xuất nông nghiệp đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa. Xét trong điều kiện của Tứ Kỳ là vùng có nhiều thuận lợi. Các sản phẩm hàng hóa dễ dàng vận chuyển đến các thị trường lớn như: TP. Hải Phòng, TP. Hạ Long, TP. Hà Nội. Để xây dựng được hệ thống thị trường tiêu thụ ổn định, theo chúng tôi cần phải quy hoạch; hình thành các tổ chức tiêu thụ trong nông thôn theo nguyên tắc tự nguyện; phát triển các hộ nông dân làm dịch vụ tiêu thụ hàng hóa nông sản; hình thành các trung tâm thương mại ở khu trung tâm xã, thị trấn, thị tứ tạo ra môi trường giao lưu hàng hóa thuận lợi tập trung. Khuyến khích phát triển sản xuất theo diện ký kết hợp đồng qua hợp tác xã. Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng là giải pháp cơ bản để đưa sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nước ta đi đúng theo quỹ đạo của nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo được lợi ích của nông dân, vừa hạn chế được rủi ro.

Cần liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và nhà quản lý trong một mô hình sản xuất. Để liên kết này đạt hiệu quả cao thì cần:

- Xây dựng mô hình sản xuất với mô hình sản xuất phổ biến hiện nay là hợp tác xã và trang trại. Có hai mô hình này thì doanh nghiệp mới có thể ký kết các hợp đồng với chủ nhiệm hợp tác xã hoặc chủ trang trại, doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với tất cả nông dân. Sau đó, hợp tác xã sẽ phổ biến sản xuất trực tiếp người dân.

- Xác định sản phẩm trước khi ký kết hợp đồng, chứ không phải bất kỳ sản phẩm nào cũng ký (Đặng Kim Sơn và Trần Công Thắng, 2001).

Việc xây dựng mối liên kết sẽ định ra được xu hướng phát triển sản xuất, sản xuất theo yêu cầu của thị trường, theo các đơn đặt hàng. Mối liên kết này sẽ tạo ra một thị trường nông sản hàng hóa ổn định và tránh những rủi ro cho người sản xuất.

4.4.3.2. Giải pháp về nguồn lực và khoa học - công nghệ

Sản xuất hàng hóa đòi hỏi không ngừng nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thông tin kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh với việc đầu tư thêm các yếu tố đầu vào một cách hợp lý, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng và kỹ thuật sử dụng đầu vào là vấn đề cần thiết. Để nâng cao trình độ sản xuất của người dân thì việc mở các lớp khuyến nông, buổi tập huấn khoa học kỹ thuật là rất quan trọng mà huyện Duy Tiên đang tiến hành ở hầu hết các xã.

Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người dân với các nhà khoa học. Thông qua mối quan hệ này, người dân được tiếp cận nhanh nhất với các tiến bộ kỹ thuật mới như: giống mới, công thức luân canh, cách chăm sóc, bón phân,…để nâng cao hiệu quả sản xuất. Vấn đề hiện nay mà các nhà khoa học cần quan tâm là nghiên cứu ra các giống chống chịu sâu bệnh, thời tiết khí hậu để có cơ cấu thời vụ hợp lý nhằm năng cao hiệu quả của các cây trồng.

4.4.3.3. Hoàn thiện hệ thống chính sách tác động đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, vấn đề quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa là nhu cầu bức xúc hiện nay mà huyện cần quan tâm. Vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thể xây dưới dạng: vùng chuyên canh, vùng đa canh hoặc kết hợp chuyên canh một loại cây trồng chủ lực với đa canh nhiều loại cây trồng khác. Các xã trên cơ sở đặc điểm kinh tế, đất đai mà xây dựng vùng sản xuất hàng hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để sản xuất hàng hoá phát triển bền vững cần có giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường, cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật. Từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm.

Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách đất đai, tổ chức lại việc sử dụng đất của nhân dân. Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp: hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông dân…

4.4.3.4. Một số giải pháp khác

Phát triển hệ thống luân canh tiến bộ chính là việc xác định tốt các hệ thống phụ gồm hệ thống giống cây trồng, phân bón, hệ thống các biện pháp khác như thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… điều đó có quan hệ chặt chẽ với đầu tư thâm canh và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Các nội dung cụ thể là: tăng cường sử dụng giống cây mới, tăng cường bón phân hợp lý, cân đối và phòng trừ sâu bệnh đúng cách, đúng quy trình…

Xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, giao thông… Thủy lợi là biện pháp hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả các loại hình sử dụng đất. Hướng chủ yếu của huyện Duy Tiên là kiên cố hóa hệ thống mương tưới tiêu đảm bảo việc cung cấp nhu cầu nước cho sản xuất. Bên cạnh đó, nhanh chóng mở rộng, tu bổ hệ thống giao thông (đặc biệt giao thông nội đồng) đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản hàng hóa và vật tư nông nghiệp.

Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hàng hoá với việc: đa dạng hoá các hình thức vay vốn, cải tiến thủ tục cho vay, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng và định hướng sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại huyện tứ kỳ, tỉnh hải dương (Trang 89 - 92)