Kinh nghiệm một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 27 - 32)

Lý luận về phát triển nông thôn được các nhà kinh tế chính trị thế giới khởi xướng và được áp dụng thành công ở hàng loạt các nước thuộc châu Á và Mỹ La Tinh. Mỗi nước có cách tiếp cận để nghiên cứu đề ra bước đi cho riêng mình về phát triển nông thôn. Điển hình cho những nước có những thành công trong xây dựng nông thôn mới như Đài Loan, Trung Quốc; Hàn Quốc, Nhật Bản…đây cũng là cơ sở để nghiên cứu đánh giá những thành công và rút ra

những kinh nghiệm và lý luận cho các nước khác khi tiến hành xây dựng phát triển nông thôn mới (Nguyễn Quán, 1997).

* Đài Loan

Tiếp cận lý luận PTNT từ trên xuống (Chiến lược - giải pháp cụ thể ở các cấp các ngành, các lĩnh vực), Điển hình như: Chương trình Tái thiết nông thôn của họ lấy Nông nghiệp sinh thời làm trụ cột chính của nội dung phát triển nông thôn. Mục tiêu của chương trình là để chăm sóc nông dân, ngư dân ở các làng nông nghiệp và nuôi cá trên khắp Đài Loan tạo ra các ngôi làng Hy vọng với ba tiêu chí. Sức sống nhằm thu hút thanh niên từ thành phố về nông thôn, bằng môi trường sống tốt; Sức khỏe nhằm tạo một nền nông nghiệp sinh thái, an toàn, phát thải thấp tốt cho sức khỏe của mọi người và Hạnh phúc nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa (Nguyễn Huy Quý, 1995).

Về phương thức thực hiện, họ tập trung vào điều quan trọng nhất trong việc tái thiết nông thôn là con người, cho rằng chỉ có thông qua sự gia tăng tự nhận thức của người dân, sau đó mới có thể thay đổi.

Chương trình Trao quyền cho cộng đồng là bước đầu tiên của việc đào tạo con người của Tái thiết nông thôn, thông qua bốn khóa học thích hợp và để cho các cư dân phụ trách việc xây dựng của mình và rút ra một tầm nhìn cho các cộng đồng nông thôn. Việc phát triển các kế hoạch hành động và các khóa học thực tế để cho người dân có thể tự mình làm được, thực hiện các kế hoạch chi tiết và cùng nhau xây dựng các phương hướng hoặc phát triển nông thôn và kế hoạch chi tiết trong tương lai. Sau Chương trình Trao quyền là xây dựng dự án Tái thiết nông thôn.

Dự án Tái thiết nông thôn được các tổ chức và các nhóm địa phương lập kế hoạch dựa trên nhu cầu của cư dân trong cộng đồng nông thôn, sử dụng các cộng đồng nông thôn như phạm vi dự án và đạt được sự đồng thuận thông qua thảo luận chung, sau đó đề xuất các chiến lược phát triển cộng đồng và kế hoạch hành động. Các nội dung được thực hiện bao gồm cải thiện môi trường tổng thể của các cộng đồng nông thôn, xây dựng công trình công cộng, cải tạo nhà cá nhân, phát triển sản xuất kinh doanh, bảo tồn và khai thác văn hóa bản địa, và bảo tồn môi trường sinh thái.

Khái niệm cộng đồng ở Đài Loan cũng được nhấn mạnh, thực sự là một hiệp hội địa phương đóng vai trò tổ chức thực hiện các chương trình tái thiết

nông thôn. Các dự án nông nghiệp sinh thái thường được thiết kế với sự tham gia của cả cộng đồng, trong cả thung lũng thi mới đảm bảo nguyên tắc nông nghiệp sinh thái.

Về mặt chính sách, Chính phủ Đài Loan xét duyệt các dự án và cấp tiền trợ cấp. Nhà nước còn hỗ trợ thông qua các chính sách thu hút khách du lịch, khuyến khích cán bộ nhà nước về tham gia chia sẻ mua bán sản phẩm nông nghiệp sinh thái với cộng đồng với hình thức là học tập về môi trường.

Như vậy nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tạo môi trường thuận lợi để nông dân tiếp cận thị trường. Thu nhập của nông dân trong các dự án này giai đoạn đầu rất thấp, tuy nhiên họ vẫn kiên trì làm và đến nay thì thu nhập khá cao, sản phẩm nông nghiệp sinh thái không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sở dĩ nông dân vẫn kiên định với định hướng và họ đó nhận thức đúng thông qua các khóa đào tạo và tin tưởng ở chính sách nhất quán của nhà nước.

* Trung Quốc

Xuất phát từ một nước nông nghiệp, đại bộ phận người lao động sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên cải cách kinh tế ở nông thôn là một khâu đột phá quan trọng trong cuộc cải cách kinh tế ở Trung Quốc. Vì vậy từ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã chọn hướng phát triển nông thôn bằng cách phát huy những công xưởng nông thôn thừa kế được của các công xã nhân dân trước đây, thay đổi sở hữu và phương thức quản lý để phát triển mô hình "công nghiệp hưng trấn". Các lĩnh vực như chế biến nông lâm sản, hàng công nghiệp nhẹ, máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp… đang ngày càng được đẩy mạnh (Nguyễn Quán, 1997).

Nguyên tắc của Trung Quốc là quy hoạch đi trước, định ra các biện pháp thích hợp cho từng nơi, đột phá trọng điểm, làm mẫu đường. Chính phủ hỗ trợ, nông dân xây dựng. Với mục tiêu "ly nông bất ly hương", Trung Quốc đã thực hiện đồng thời 3 chương trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Chương trình đốm lửa: Điểm khác biệt của chương trình này là trang bị cho hàng triệu nông dân các tư tưởng tiến bộ khoa học, bồi dưỡng nhân tài đốm lửa, nâng cao tố chất nông dân. Sau 15 năm thực hiện, chương trình đã bồi dưỡng được 60 triệu thanh niên nông thôn thành một đội ngũ cán bộ khoa học cốt cán, tạo ra một động lực tiềm năng thúc đẩy nông thôn phát triển, theo kịp với thành thị.

- Chương trình được mùa: Chương trình này giúp đại bộ phận nông dân áp dụng khoa học tiên tiến, phương thức quản lý hiện đại để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 15 năm sản lượng lương thực của Trung Quốc đã tăng lên 3 lần so với những năm đầu 70. Mục tiêu phát triển nông nghiệp là sản xuất các nông sản chuyên dụng, phát triển chất lượng và tăng cường chế biến nông sản phẩm (Nguyễn Quán, 1997).

- Chương trình giúp đỡ vùng nghèo: Mục tiêu là nâng cao mức sống của các vùng nghèo, vùng miền núi, dân tộc ít người, mở rộng ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến, phổ cập tri thức khoa học công nghệ và bồi dưỡng cán bộ khoa học cốt cán cho nông thôn xa xôi, tăng sản lượng lương thực và thu nhập của nông dân. Sau khi thực hiện chương trình, ở những vùng này, số dân nghèo đã giảm từ 1,6 triệu người xuống còn 5 vạn người, diện nghèo khó giảm từ 47% xuống còn 1,5% (Nguyễn Quán, 1997).

Tại hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 5 khoá XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2005, lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra quy hoạch "Xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa". Đây là kế hoạch xây dựng mới được Trung Quốc đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm năm lần thứ XI (2006- 2010). Mục tiêu của quy hoạch là: "Sản xuất phát triển, cuộc sống dư dật, làng quê văn minh, thôn xã sạch sẽ, quản lý dân chủ". Xây dựng nông thôn mới ở Trung Quốc tạo nên một hình ảnh mới đầy ấn tượng về một "nông thôn Trung Quốc" đầy vẻ đẹp tráng lệ (Nguyễn Quán, 1997).

* Hàn Quốc

Hàn Quốc tiếp cận lý luận PTNT từ dưới lên (lấy làng là đơn vị để triển khai các dự án phát triển nông thôn mới).

Vào những năm đầu 60 Hàn Quốc vẫn là nước chậm phát triển, nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính với khoảng 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, nông dân quen sống trong cảnh nghèo nàn, an phận, thiếu tinh thần trách nhiệm. Do vậy nhiều chính sách mới về phát triển nông thôn ra đời nhằm khắc phục tình trạng trên.

Bài học của Hàn Quốc về phát triển nông thôn đáng để nhiều nước quan tâm và suy ngẫm. Cùng với nhiều biện pháp quan trọng khác, Hàn Quốc đã đặt mục tiêu là làm thay đổi suy nghĩ thụ động và tư tưởng ỷ lại của phần lớn người dân nông thôn. Từ đó sẽ làm cho nông dân có niềm tin và tích cực với sự nghiệp

phát triển nông thôn, làm việc chăm chỉ, độc lập và có tính cộng đồng cao. Trọng tâm của cuộc vận động phát triển nông thôn này là phong trào xây dựng "làng mới" (Saemoul Undong). để phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy sự hình thành các hợp tác xã kiểu mới ở nông thôn nhờ đó bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh hiện đại (Nguyễn Huy Quý, 1995).

Tổ chức phát triển nông thôn được thành lập chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở. Mỗi làng bầu ra "Uỷ ban Phát triển Làng mới" gồm từ 5 đến 10 người để vạch kế hoạch và tiến hành dự án phát triển nông thôn (Nguyễn Huy Quý, 1995). Nguyên tắc cơ bản của phong trào làng mới: Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân đóng góp công của. Nhân dân quyết định loại công trình nào ưu tiên xây dựng và chịu trách nhiệm quyết định toàn bộ thiết kế, chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình. Sự giúp đỡ của Nhà nước trong những năm đầu chiếm tỷ lệ cao, dần dần các năm sau, tỷ lệ hỗ trợ của Nhà nước giảm trong khi quy mô địa phương và nhân dân tham gia tăng dần. Theo Nguyễn Huy Quý, (1995) nội dung thực hiện của chương trình:

Thứ nhất là, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng

nông thôn. Bao gồm: Cải thiện cơ sở hạ tầng cho từng hộ dân như ngói hoá nhà ở, lắp điện thoại, nâng cấp hàng rào quanh nhà... và kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của nông dân.

Thứ hai là, thực hiện các dự án nhằm tăng thu nhập cho nông dân như tăng năng suất cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh, thúc đẩy hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, đa canh.

Kết quả đạt được, 12 loại dự án mở rộng đường nông thôn, thay mái lá cho nhà ở, lắp đặt cống và máy bơm, xây dựng các trạm giặt công cộng cho làng và sân chơi cho trẻ em đã bắt đầu được tiến hành. Sau 8 năm, đến năm 1978, toàn bộ nhà nông thôn đã được ngói hoá (năm 1970 có gần 80% nhà ở nông thôn lợp lá), hệ thống giao thông nông thôn đã được xây dựng hoàn chỉnh. Sau 20 năm, đã có đến 84% rừng được trồng trong thời gian phát động phong trào làng mới. Sau 6 năm thực hiện, thu nhập trung bình của nông hộ tăng lên và thu nhập bình quân của các hộ nông thôn trở nên cao tương đương thu nhập bình quân của các hộ thành phố. Đây là một điều khó có thể thực hiện được ở bất cứ một nước nào trên thế giới (Nguyễn Huy Quý, 1995).

Thông qua phong trào nông thôn mới, Hàn Quốc đã phổ cập được hạ tầng cơ sở ở nông thôn, thu nhỏ khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao trình độ tổ chức của nông dân, chấn hưng tinh thần quốc dân, cuộc sống của người nông dân cũng đạt đến mức khá giả, nông thôn đã bắt kịp tiến trình hiện đại hóa của cả Hàn Quốc, đồng thời đưa thu nhập quốc dân Hàn Quốc đạt đến tiêu chí của một quốc gia phát triển (Nguyễn Huy Quý, 1995).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện thạch thất, thành phố hà nội (Trang 27 - 32)