Chương trình phát triển nông thôn của Việt Nam gắn với bảo vệ MT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vũ thư, tỉnh thái bình (Trang 35 - 39)

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Thân Văn Khoa cho biết: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41 ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; từng bước phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn duy trì hệ sinh thái và đa dạng sinh học vốn có của tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2020 thu gom được 60% chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn; 50% các thôn, bản có điểm chôn lấp rác thải và có tổ, đội vệ sinh môi trường; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% các cơ sở mới áp dụng công nghệ sạch và trang thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải đối với 33 làng nghề đã được công nhận của tỉnh; hoàn thành xử lý triệt để 4 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ là làng nghề Vân Hà, làng nghề Phúc Lâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường nguồn lực tài chính, xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân. Tỉnh Bắc Giang cũng chú trọng bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường (Việt Hùng, 2012).

2.2.2.2. Vĩnh Phúc tăng cường công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, các tổ chức xã hội đã không ngừng tìm kiếm những biện pháp tích cực để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và làm cho môi trường trong sạch hơn. UBND huyện Lập Thạch, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lập Thạch đã xây đã dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Đến nay trên địa bàn huyện đã thành lập được 43 tổ vệ sinh môi trường, 19/20 xã, thị trấn xây dựng được bãi tập kết, xử lý rác thải, toàn huyện có trên 2.000 hầm Biogas...

UBND huyện, phòng TN và MT huyện cũng đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban ngành có liên quan như Hội Phụ nữ, Ban Tuyên giáo, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Đài truyền thanh huyện tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, UBND huyện Lập Thạch cũng đã phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư các công trình bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí như các công trình đường bê tông hóa, chương trình nước sạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân, bãi xử lý rác thải, xe đựng rác thải, nhà vệ sinh, di chuyển chuồng nuôi gia súc ra xa khu nhà ở, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế việc phá rừng, cháy rừng, tổ vệ sinh môi trường, các xã, thị trấn cũng được trang bị các phương tiện thu gom như: xe đẩy tay, dụng cụ thu gom, bảo hộ lao động. nhăm giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn.

Nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Lập Thạch, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện cũng đã tuyên truyền giáo dục cho người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất sạch thân thiện với môi trường, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng hầm Biogas, dùng đệm lót sinh học, xử lý rác thải tại gia đình, nguồn nước cần phải lọc trước khi sử dụng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác tuyên truyền và bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập. Huyện Lập Thạch cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc trong xử lý. Hầu hết rác thải chưa được phân loại trước khi đưa đi xử lý. Phương pháp xử lý cũng chỉ được đốt hoặc chôn lấp. Số rác thải trực tiếp đổ ra các khu vực sườn đồi, mương rãnh thoát nước, hoặc những khu đông xa dân cư vẫn còn tồn tại… Huyện cũng đã đầu tư xây dựng mương cứng thoát nước thải nhưng cũng chưa được xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, phần lớn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề hiện vẫn đổ trực tiếp ra môi trường (Nguyễn Văn Mạnh, 2015).

2.2.2.3. Phú Xuyên(Hà Nội) ưu tiên thực hiện tiêu chí môi trường

Xác định rõ điều này, huyện Phú Xuyên đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bắt tay vào thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Phú Xuyên gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là bởi trong tiêu chí này có rất nhiều chỉ tiêu phải hoàn thành. Đặc biệt là việc phải thực hiện xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch, xây rãnh thoát nước thải, bãi xử lý rác đạt chuẩn. Bên cạnh đó, ý thức, nhận thức của một bộ phận người dân về công tác bảo vệ môi trường chưa cao, nên việc vứt rác thải, phế thải bừa bãi còn xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi công cộng. Do chưa có nguồn vốn để xây dựng, quy hoạch bãi rác đạt tiêu chuẩn, lò đốt rác công nghệ cao nên việc xử lý rác thải tại các bãi rác của các xã chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt, chỉ là biện pháp tạm thời và không đem lại hiệu quả lâu dài.

Để khắc phục những khó khăn đó, những năm qua, chính quyền các cấp trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi

trường của người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo đó, huyện đã tổ chức treo panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền và ra quân hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới hàng năm, các chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn". Đối với các hội, đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền thực hiện tiêu chí môi trường gắn với thực hiện các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Xung kích vì cộng đồng”... Phú Xuyên cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa môi trường. Đồng thời huy động Nhân dân tích cực chỉnh trang nhà cửa, tường rào, ngõ xóm, mua máy lọc nước, sử dụng nước hợp vệ sinh, cùng chung tay bảo vệ môi trường tại địa phương.

Kết quả bước đầu

Sau hơn 5 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn huyện dần được nâng cao. Tính đến nay, toàn huyện đã có 16 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường. Các địa phương còn lại đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện. Tỷ lệ số người sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt 97,88%, trong đó 22,5% người dân được sử dụng nước sạch. Toàn bộ các xã, thị trấn đều có tổ VSMT. Hàng tuần, các tổ này tiến hành thu gom và xử lý rác thải định kỳ 2 - 3 lần, đảm bảo đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ. Rác thải sinh hoạt được Công ty Môi trường Đô thị Nam Thăng Long phân loại, vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải với khối lượng 80 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện đạt 85%. Hàng ngày, có xe chuyên dụng, rửa đường, hút bụi vệ sinh theo lịch trình trên các tuyến đường chính của huyện như QL1A, đường 428, 429… Trong 6 tháng đầu năm, Phú Xuyên đã kịp thời cấp bổ sung 440 xe chở rác, 550 thùng đựng rác cho các cơ quan, các khu dân cư để thu gom rác thải trên địa bàn.

Trên địa bàn, huyện đã tiến hành khảo sát chất thải, nước thải ở các xã làng nghề Châu Can, Phú Yên, Vân Từ, Sơn Hà, Đại Thắng, Quang Lãng và Tri Thủy. Trên cơ sở kết quả khảo sát, huyện đang hoàn thiện hồ sơ xin ý kiến các sở, ngành liên quan về phương án giúp các làng nghề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được về tiêu chí môi trường, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng xả rác thải bừa bãi ra môi trường vẫn còn ở một số địa phương. Nguồn vốn để hoàn thành các chỉ tiêu trong tiêu chí lớn, trong khi đời sống Nhân dân còn khó khăn nên việc huy động đóng góp trong Nhân dân còn hạn chế. Để hoàn thành tiêu chí này,

tới đây, Phú Xuyên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi nhỏ lẻ cam kết đảm bảo VSMT trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là việc duy trì các hoạt động thu gom rác của các tổ VSMT góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện ngày một tốt hơn (Nguyễn Thị Vân, 2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vũ thư, tỉnh thái bình (Trang 35 - 39)