4.4.2.1. Định hướng phát triển của huyện đến năm 2020
Theo báo cáo tổng kết năm 2016 và định hướng nhiệm vụ đến năm 2020
của ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn, đến năm 2020 tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện có 114.376,04 ha, chiếm 80,17% diện tích đất tự nhiên của huyện. Dự kiến cơ cấu như sau:
- Đất sản xuất nông nghiệp: Đến năm 2020, toàn huyện có 45.927,42 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 40,15% đất nông nghiệp, cụ thể:
+ Đất trồng cây hàng năm: Đến năm 2020, toàn huyện có 35.066,85 ha đất trồng lúa, màu, hoa cây cảnh, phân bố ven các khu đô thị, các khu dân cư nông thôn, các trục đường giao thông chính và đất nương rẫy có độ dốc lớn.
+ Đất trồng cây lâu năm: Đến năm 2020, toàn huyện có 10.860,57 ha đất trồng cây lâu năm, chiếm 23,65% đất sản xuất nông nghiệp, sử dụng chủ yếu trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả.
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng phát triển các sản phẩm như: Lúa nước, ngô, rau, hoa, cây dược liệu, các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su và cây ăn quả. Trong đó coi trọng việc phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại vườn rừng kết hợp chăn nuôi dưới các hình thức như tổ hợp tác, hợp tác xã.
Tiếp tục thâm canh tăng năng suất cây lúa nước, đồng thời khai hoang, mở rộng diện tích lúa ở những nơi có điều kiện, rà soát tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, kiên có hóa kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới cho diện tích lúa ruộng, từng bước cơ giới hóa trong sản xuất để tăng năng suất, sản lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Ổn định diện tích nương rẫy, diện tích sắn và chuyển đổi một số diện tích sang trồng các loại cây công nghiệp giá trị cao như cà phê, cao su, chè…
Nhanh chóng đưa những giống cây trồng có năng suất và chất lượng tốt phù hợp với điều kiện của địa bàn vào sản xuất như đậu tương, giống mía, cây bông vải, cải tạo giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cây trồng nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác.
Phát triển vùng cây ăn quả tập trung theo quy mô trang trại hoặc hợp tác xã, thuận lợi cho việc chăm sóc và thu mua. Chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác bảo quản, chế biến quả sau thu hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ xuất khẩu hàng hóa nông sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Chú trọng cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả hiện có, các cây ăn quả phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa bàn như: Na, nhãn, xoài phải kiểm soát tốt nguồn giống đầu vào. Đẩy mạnh việc nhân giống cây sạch bệnh cung cấp cho sản xuất kể cả trồng mới và trồng cải tạo, thay thế giống cũ.
4.4.2.2. Định hướng phát triển các kiểu sử dụng đất hàng hóa
Dựa vào kết quả đánh giá và định hướng của của huyện chúng tôi đưa ra định hướng cho một số loại cây trồng có tính hàng hóa cao của huyện như sau:
- Cây lúa : Đây là cây trồng không mang hiệu quả cao nhưng lại là cây trồng đảm bảo an ninh lương thực cho vùng, do đó cần tập trung thâm canh tăng vụ dự kiến diện tích trồng lúa của huyện vào năm 2020 đạt khoảng 2,645 ha, trong đó diện tích lúa mùa 1.580 ha, diện tích lúa chiêm xuân 1.090 ha. Tập trung phát triển cây lúa nước giảm dần diện tích cây Lúa nương cho năng suất thấp. Cải tạo tăng cường bộ giống lúa đưa các giống lúa lai chất lượng cao, năng suất ổn định thay thế dần các giống N87, N98 trên địa bàn toàn huyện.
- Rau, củ quả: Tập trung phát triển vùng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo cung cấp rau xanh tại chỗ và làm sản phẩm hàng hóa cho các thị trường lân cận với diện tích phát triển tập trung ở các xã Mường Bon, thị trấn Hát Lót, xã Hát Lót, xã Mường Bằng thuộc tiểu vùng I với địa hình tương đối bằng phẳng và chủ động được nguồn nước tưới tiêu.
- Cây ngô: Tiếp tục ổn định diện tích gieo trồng ngô vì phù hợp với tập quán cũng như trình độ canh tác tại địa phương, tập trung ở các xã Hát Lót, xã Cò Nòi thuộc tiểu vùng I, xã Phiêng Cằm, xã Chiềng Chung, xã Chiềng Mung thuộc tiểu vùng II. Sử dụng các giống như: NK66, NK54, NK4300, NK6654, CP888, CP333, CP999, C919, PAC339, PAC999 super, LVN10, VN8960, đây
là các giống đã được khảo nghiệm thực tế trên địa bàn huyện cho năng suất từ 54 – 65 tạ/ha.
- Cây mía: Đây là cây trồng phục vụ cho nhà máy mía đường đường Sơn La vùng nguyên liệu với đầu ra ổn định nhưng năng suất mía tại vùng có năng suất không cao trung bình chỉ đạt 57 tấn/ ha. Diện tích mía tập trung tại các xã vùng I của huyện.
- Cây cà phê Arabica: đây là loại cây trồng cao hiệu quả kinh tế cao đầu ra ổn định, nên tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích, tập trung tại các xã thuộc tiểu vùng II như xã Chiềng Mai, Chiềng Đông, Chiềng Kheo, Chiềng Ban, Chiềng Chung…
- Cây chè: Tiếp tục thâm canh diện tích chè hiện có, phát triển diện tích chè tập trung chủ yếu tại xã Phiềng Cằm, nên tăng cường thu hút đầu tư cho chương trình chè đặc sản chất lượng cao, từng bước hình thành thương hiệu chè Phiêng Cằm.
- Cây cao su: tập trung thâm canh, chăm sóc bảo vệ nâng cao chất lượng vườn cao su hiện có 339 ha tại các xã: Mường Bon, Mường Bằng, thị trấn Hát Lót, xã Hát Lot, Chiềng Mung, Chiềng Chăn thuộc tiểu vùng I.
- Cây sắn: Xây dựng vùng trồng tập trung, thâm canh tăng năng suất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.Cần đưa giống sắn mới có năng suất, chất lượng cao trồng ở khu vực dọc trục quốc lộ 4G thuộc tiểu vùng II của huyện như Nà Ớt, Chiềng Ve, Chiềng Mai, Chiềng Kheo…để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện.
- Cây đậu tương: mở rộng cây đậu tương xuống những chân đất đất ruộng kém hiệu quả, không chủ động được nguồn nước. Áp dụng khoa học kỹ thuật đưa các giống mới có năng suất cao, chống chịu bệnh tốt vào sản xuất, cụ thể như: DT84, NAS-S1, DT90.
- Cây ăn quả : Tập trung cải tạo vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế thấp, đưa một số loại cây có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: Nhãn, xoài, na.. chú trọng khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể đối với cây nhãn tập trung ở các xã Chiềng Mung, Cò nòi, Hát Lót, Mường Bon; Cây xoài tập trung tại các xã Hát Lót, Mường Bon, Tà Hộc, Chiềng Chăn, Mường Bằng; Cây na tập trung ở các xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót.