Đánh giá tổng hợp về điều kiện tự nhiên thị xã Phúc Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thị xã phúc yên, tỉnh vĩnh phúc (Trang 51 - 54)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1.3.Đánh giá tổng hợp về điều kiện tự nhiên thị xã Phúc Yên

4.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội trên địa bàn thị xã

4.1.3.Đánh giá tổng hợp về điều kiện tự nhiên thị xã Phúc Yên

4.1.3.1. Thuận lợi

Thứ nhất: Vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của thị xã theo hướng hiện đại

- Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là liền kề thủ đô Hà Nội, thị xã có điều kiện thuận lợi trong cạnh tranh, thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng như thuận lợi trong phát triển kết cấu hạ tầng.

Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng, sẽ phát triển mạnh về phía Bắc (hình thành khu đô thị mới Bắc Thăng Long, khu công nghiệp Thăng Long, Sóc Sơn….). Đây là cơ hội cho thị xã Phúc Yên và tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận sự lan tỏa về vốn, khoa học - công nghệ và phát triển các ngành sản xuất bổ trợ, các loại hình dịch vụ cho Thủ đô.

- Thị xã Phúc Yên là một trong những trung tâm văn hoá, khoa học-kỹ thuật, kinh tế của tỉnh; được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển và có điều kiện thuận lợi phát triển các dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, bưu chính-viễn thông, y tế, đào tạo, ... Trên địa bàn thị xã đã và sẽ có một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm đội ngũ trí thức, cán bộ quản lý của

tỉnh, thị xã, cán bộ làm việc trong các trường cao đẳng, bệnh viện tỉnh, một số doanh nghiệp Trung ương và địa phương, góp phần vào việc đón nhận tích cực và có hiệu quả sự đầu tư phát triển mở rộng của vùng KTTĐ và vùng Thủ đô.

- Là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của vùng, thị xã nằm sát sân bay quốc tế Nội Bài (thủ đô Hà Nội), nằm trên hành lang kinh tế Việt- Trung, thị xã có điều kiện thuận tiện giao thương với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Duyên hải cả bằng đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đồng thời từ các nguồn lực bên ngoài đã tạo ra cho Thị xã sự phát triển hệ thống giao thông đối ngoại như: tuyến hành lang xuyên á: Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; đường vành đai IV vành đai V, cảng hàng không quốc tế của Thủ đô Hà Nội…, đã, đang và sẽ được xây dựng. Điều đó mang lại nhiều cơ hội cho thị xã, cũng như tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng mối quan hệ kinh tế với trong nước và quốc tế. - Thị xã nằm gần kề với nhiều khu di tích lịch sử, văn hoá; có khu du lịch Đại Lải, cùng với các khu du lịch khác của tỉnh (Tam Đảo, Tây Thiên) đã được đầu tư như các công trình trọng điểm quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch khác.

Thứ hai: Quĩ đất đai, nguồn tài nguyên quý, hiện chưa được khai thác một cách hiệu quả còn khá nhiều. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển KT-XH thị xã trong giai đoạn tới.

Đất là nguồn tài nguyên quý, khó tái sinh. Là vùng tiếp giáp giữa trung du miền núi và đồng bằng, tới nay quỹ đất có khả năng khai thác vào sản xuất kinh doanh còn khá dồi dào. Đất thị xã có nền công trình tốt, chi phí xây dung thấp, thuận lợi cho phát triển hạ tầng và xây dựng các công trình công nghiệp.

Đất rừng còn nhiều, đây là tài nguyên quý cho phát triển nông nghiệp, đặc trưng là sản xuất lâm nghiệp, kết hợp với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững cho không chỉ thị xã mà còn trên quy mô cả vùng. Đây là tiềm năng lớn cho sự phát triển KT-XH thị xã trong giai đoạn tới.

Thứ ba: Con người của thị xã và những chủ trương phát triển thông qua các cơ chế chính sách sẽ phát huy hiệu quả cao nhất những thế mạnh của thị xã vào phát triển KT-XH.

Nhân dân thị xã có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, năng động trong lao động sản xuất, có tinh thần khắc phục khó khăn. Các giá trị văn hoá, kinh tế của thị xã có thể được người dân khai thác và trở thành lực lượng vật chất

quan trọng cho quá trình phát triển. Thêm vào đó những cơ chế, chính sách mới của tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã, cùng với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia năng động, sáng tạo, nhạy bén, đang tạo uy tín và sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thị xã.

Thị xã là địa bàn tập trung nhiều trường cao đẳng, trường dạy nghề từ rất sớm. Tại đây đã hiện hữu nhiều chuyên gia về giáo dục cũng như các nhà khoa học làm việc. Tại đây đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà khoa học, giảng viên về sống và làm việc tại thị xã khi có một cơ chế thỏa đáng. Đây là nguồn lợi lớn cho phát triển KT-XH của thị xã.

4.1.3.2. Khó khăn

* Một số hạn chế và thách thức:

Thứ nhất: Điều kiện tự nhiên tuy có thuận lợi nhưng đồng thời cũng là tác nhân có ảnh hưởng không tốt đến phát triển KT-XH thị xã.

Đó là vị trí địa lí, địa hình cũng như các điều kiện khác gây không ít khó khăn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng tới việc tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm đến thị xã. Điều đó cũng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, làm cho trình độ sản xuất hàng hoá của thị xã bị thấp, chất lượng cũng như sức cạnh tranh hàng hoá không cao.

Với điều kiện như vậy trong thời gian tới cần quan tâm nghiên cứu hiệu quả sử dụng nguồn lực, nhất là tài nguyên đất. Cần có biện pháp ngay từ bây giờ dành đất cho những dự án lớn, có suất đầu tư cao, đạt hiệu quả cao. Trước mắt cần cân đối đất giữa phát triển công nghiệp với các ngành khác.

Thứ hai: Kết cấu hạ tầng yếu. Xuất phát điểm nền kinh tế thị xã còn thấp.

Kết cấu hạ tầng vẫn còn rất yếu và chưa đồng bộ. Với những tiềm năng, lợi thế cho phép phát triển các ngành kinh tế có quy mô lớn trên cùng một không gian phát triển tạo ra các “lựa chọn” trong phát triển giữa các ngành như: lựa chọn trong phát triển giữa các ngành mũi nhọn, công nghiệp, du lịch và các ngành dịch vụ. “Lựa chọn” trong việc sử dụng quỹ đất cho phát triển các dự án.

Sức chứa về không gian, kinh tế, xã hội có giới hạn, trong khi yêu cầu phát triển lại rất lớn dễ dẫn đến sự quá tải nếu không có các biện pháp phù hợp. Cộng vào đó nền kinh tế còn thấp, sức mua hạn chế, điều đó khó có thể tạo khả năng thu hút thương mại cũng như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho thị xã.

Thứ ba: Trình độ nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động nông thôn còn rất thấp, tổ chức sản xuất cũng như quản lí trong tình hình mới còn hạn chế. Đồng thời các vấn đề xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế thị xã

Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, số lao động dôi dư, chưa có việc làm trở thành vấn đề bức xúc của thị xã. Một bộ phận lớn dân cư mới chuyển từ nông thôn, nông nghiệp, trở thành dân cư đô thị nên tác phong sinh hoạt, phong cách sinh hoạt cũng như làm việc... chưa theo kịp yêu cầu phát triển đô thị. Lao động nông nghiệp chưa đủ trình độ, điều kiện để tổ chức sản xuất công nghiệp.

Là đơn vị mới được tái thành lập, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Đội ngũ cán bộ, công chức còn bất cập so với yêu cầu. Thiếu công nhân kỹ thuật, lao động lành nghề để phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, các mặt trái của kinh tế thị trường đã nảy sinh và phát triển mạnh như: chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, chênh lệch giữa người giàu và người nghèo... ngày càng gia tăng. Nguy cơ và hiểm họa của ô nhiễm môi trường tác động rất lớn đến phát triển KT-XH bền vững không chỉ cho thị xã mà còn ảnh hưởng tới các vùng khác; không chỉ ảnh hưởng hiện tại mà còn trong thời kỳ lâu dài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thị xã phúc yên, tỉnh vĩnh phúc (Trang 51 - 54)