2.3.1.1. Nội dung lý thuyết đại diện
Trong suốt những thập niên 60 và đầu thập niên 70 thế kỷ 20 các nhà kinh tế học nghiên cứu cách tiếp cận rủi ro giữa các cá nhân và tập thể. Việc chia sẻ và ngăn ngừa rủi ro phát sinh nhiều vấn đề khi các bên hợp tác có những quan điểm khác nhau. Trên cơ sở nghiên cứu về rủi ro, tổng quan lý thuyết ghi nhận sự nảy sinh của các vấn đề về đại diện (agency problems) khi các bên hợp tác có những mục tiêu và vai trò khác nhau (Jensen và Meckling, 1976; Ross, 1973).
Về cơ bản, lý thuyết đại diện mô tả mối quan hệ giữa chủ sở hữu (the principal) và nhà quản lý (the agent). Nghiên cứu sâu hơn, lý thuyết đại diện còn giải quyết các vấn đề xung quanh mối quan hệ này bao gồm xung đột về lợi ích, thông tin bất đối xứng và rủi ro. Lý thuyết đại diện được các học giả sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như kế toán, kinh tế học, tài chính, marketing và theo Jensen (1983)
thì đây là nền tảng lý thuyết vững chắc để giải quyết rất nhiều vấn đề nảy sinh trong một tổ chức hoặc thực thể kinh tế.
Lịch sử nghiên cứu thuyết đại diện được chia làm hai trường phái chính: Lý thuyết đại diện tích cực (Positive Agency Theory) và Lý thuyết chủ sở hữu – người quản lý (Principal – Agent Theory) (Jensen, 1983). Theo Jensen (1983) và Eisenhardt (1989), Lý thuyết đại diện tích cực tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người quản lý tại các công ty đại chúng. Trường phái lý thuyết này nghiên cứu các phương pháp giúp hạn chế hành vi tư lợi của nhà quản lý và tiêu biểu có ba công trình của các học giả sau: Jensen và cộng sự (1976) nghiên cứu về cấu trúc sở hữu của tổ chức, Fama (1980) nghiên cứu về vai trò của thị trường vốn hiệu quả trong việc kiểm soát hành vi của nhà quản lý và Jensen (1983) nghiên cứu về vai trò của ban giám đốc như một công cụ giám sát.
Trường phái lý thuyết chủ sở hữu – người quản lý tập trung vào việc mô hình hóa mối quan hệ giữa chủ sở hữu và nhà quản lý và được mở rộng ra cho các mối quan hệ giữa người chủ - người lao động, người mua – người bán và các mối quan hệ đại diện khác. Do đó so với lý thuyết đại diện tích cực, lý thuyết này thường được sử dụng trong các nghiên cứu định lượng và dùng để giải quyết mối quan hệ giữa các biến trong mô hình toán (Eisenhardt, 1989). Thêm vào đó, Eisenhardt (1989) mô tả nội dung cốt lõi của lý thuyết chính là sự cân bằng giữa chi phí để đo lường hành vi nhà quản lý với chi phí để đo lường kết quả và chuyển giao rủi ro cũng như trách nhiệm cho nhà quản lý.
Mối quan hệ đại diện được mô tả dưới hình thức là cam kết về mặt pháp lý khi chủ sở hữu thuê người quản lý làm đại diện cho họ (Jensen và cộng sự, 1976). Như đã đề cập ở trên, lịch sử kế toán tài chính tập trung chủ yếu vào lý thuyết đại diện tích cực, cụ thể là mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người quản lý. Tuy nhiên Wallace (1980) lại cho rằng mối quan hệ đại diện này còn biểu hiện dưới các hình thức khác như giữa người chủ và người lao động, chủ nợ và cổđông, nhà nước và người nộp thuế.
Mối quan hệ đại diện về cơ bản liên quan đến việc chủ sở hữu thuê người đại diện (người quản lý) thay mình quản lý tài sản. Theo Jensen và cộng sự (1976) thì mối quan hệ này còn bao gồm cả việc ủy quyền người quản lý ra quyết định thay cho chủ sở hữu. Nếu như cả hai bên trong mối quan hệ này cố gắng tối đa hóa lợi ích mà họ nhận được thì có khả năng nhà quản lý sẽ lợi dụng cơ hội để thực hiện hành vi tư lợi, điều này dẫn đến các mâu thuẫn về lợi ích. Để hạn chế các mâu thuẫn về lợi ích, chủ sở hữu có thể đưa ra các ưu đãi cho người quản lý hoặc thiết lập các phương pháp kiểm soát thích hợp (Jensen và cộng sự, 1976).
Theo Eisenhardt (1989), lý thuyết đại diện giải quyết hai vấn đề chính phát sinh trong mối quan hệđại diện đó là: mâu thuẫn về lợi ích và chia sẻ rủi ro. Mâu thuẫn về lợi ích xảy ra khi chủ sở hữu và nhà quản lý hành động dựa trên lợi ích của bản thân mình và chi phí để giám sát hoạt động của nhà quản lý quá cao. Vấn đề về chia sẻ rủi ro phát sinh khi hai đối tượng trên có quan điểm khác nhau đối với rủi ro. Để giải quyết cả hai vấn đề trên chi phí đại diện bao gồm chi phí cho việc cấu trúc, giám sát và liên kết các đối tượng có xung đột về lợi ích được hình thành. Adams (1994) khẳng định rằng cả chủ sở hữu và nhà quản lý đều phải chịu chi phí đại diện, trong đó, chủ sở hữu chịu chi phí đại diện từ việc thuê kiểm toán viên độc lập giám sát thông tin trên BCTC, còn nhà quản lý chịu chi phí đại diện để thiết lập kiểm soát nội bộ.
2.3.1.2. Áp dụng lý thuyết đại diện để giải thích việc sử dụng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của DNNVV
Dựa trên cơ sở tổng quan nghiên cứu về lý thuyết đại diện, khi nghiên cứu lĩnh vực kiểm toán BCTC và trong phạm vi của luận án, tác giả sử dụng Lý thuyết chủ sở hữu – người quản lý (Principal – Agency Theory) là cơ sở lý thuyết chính để giải thích nhu cầu phát sinh tất yếu của hoạt động kiểm toán đối với một tổ chức hoặc thực thế kinh tế. Trong một đơn vị kinh doanh hay sự nghiệp, tài sản đều biểu hiện dưới nhiều hình thái vật chất khác nhau với yêu cầu về quy cách, phẩm chất, bảo quản và bảo dưỡng khác nhau, lại được lưu trữ trên nhiều kho bãi khác nhau với những người quản lý khác nhau. Mối liên hệ giữa những người quản lý khác nhau cũng như giữa người quản lý với người sở hữu tài sản được thực hiện theo những xu hướng và phương thức khác nhau song có xu hướng ngày càng tăng dần sự cách biệt giữa người sở hữu với người sử dụng và bảo quản tài sản. Thêm vào đó là sự xuất hiện phong phú đa dạng của các hình thức tài sản, các mối quan hệ vay – mua, thuê – mua, sự thâm nhập của các quan hệ thị trường, giá cả, tỷ giá mở ra trong phạm vi quốc tế ... dẫn đến khả năng cách biệt giữa tài sản với sự phản ánh của nó trong thông tin kế toán. Mặt khác khi sản xuất phát triển, quy mô tài sản tăng lên, quy mô kinh doanh mở rộng, các mối liên hệ kinh tế ngày càng đa dạng phức tạp như vậy người sở hữu tài sản dần trở nên không đủ khả năng và năng lực điều hành đơn vị kinh doanh của mình hoặc nguồn vốn cần phải huy động từ các nguồn lực bên ngoài làm cho ảnh hưởng của các bên liên quan đến một doanh nghiệp ngày càng lớn hơn..
Nền kinh tế ngày càng phát triển ở mức độ cao, sự hợp tác trong các tổ chức hoặc thực thế kinh tế thể hiện ở việc điều hành những doanh nghiệp có quy mô ngày càng lớn, không còn là các doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc hộ kinh doanh gia đình cá thể. Khi đó việc điều hành những doanh nghiệp có quy mô ngày càng mở rộng và phức tạp
hơn đòi hỏi những kỹ năng và phẩm chất mà không phải chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư nào cũng có được. Thực tếđó dẫn đến sự tách biệt giữa quyền quản lý và quyền kiểm soát (ownership – control). Những người có vốn nhưng không đủ khả năng trở quản lý được doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư (investor) hoặc ông chủ (owner). Lúc này vấn đề đại diện chính là vấn đề liên quan đến sự tách biệt giữa quyền quản lý và quyền kiểm soát. Cụ thể Jensen and Meckling (1976) xác định mối quan hệ đại diện (hay quan hệ ủy thác) như là quan hệ hợp đồng mà theo đó các cổ đông (những người chủ -principals), bổ nhiệm, chỉ định người khác, người quản lý công ty (người đại diện –agents), để thực hiện việc quản lý công ty cho họ mà trong đó bao gồm cả việc trao thẩm quyền để ra quyết định định đoạt tài sản của công ty. Lý thuyết về đại diện cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này (cổ đông và người quản lý công ty) đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng người quản lý công ty sẽ không hành động vì lợi ích tốt nhất cho người chủ, tức các cổ đông. Mối quan hệ đại diện còn thể hiện trong mối quan hệ giữa nhà quản lý cấp cao với nhà quản lý các cấp thấp hơn trong hệ thống phân quyền, giữa nhà quản lý với người trực tiếp sử dụng các nguồn lực của tổ chức.
Lý thuyết đại diện cho rằng xung đột sẽ phát sinh khi có thông tin không đầy đủ và bất cân xứng giữa chủ thể và đại diện trong công ty. Cả hai bên có lợi ích khác nhau và vấn đề này được giảm thiểu bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa cổđông và người quản lý công ty, thông qua thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản trị, và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quảđể hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý công ty.
Như vậy, lý thuyết đại diện đã giải thích cơ chế giám sát là yêu cầu tất yếu đối với mọi tổ chức nơi mà mâu thuẫn về lợi ích giữa chủ sở hữu và nhà quản lý luôn luôn tồn tại. Cơ chế giám sát nội bộ không thể giải quyết triệt để những mâu thuẫn nẩy sinh do thông tin bất đối xứng (Information asymmetry), xung đột về lợi ích (conflict of interests) hoặc rủi ro (Risks) mà chỉ có cơ chế giám sát độc lập do các chuyên gia độc lập mới có thể thực hiện được. Chủ sở hữu sử dụng dịch vụ kiểm toán BCTC do các chuyên gia độc lập thực hiện để đảm bảo nhận được các lợi ích về mặt Giám sát, Thông tin và Bảo hiểm (Wallace 1980, 1987 và 1994).
Trong những đơn vị sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, chủ sở hữu trực tiếp quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ chế giám sát sẽ nảy sinh khi đơn vị mở rộng quy mô, quy mô vốn tăng lên và có sự can thiệp của nhiều đối tượng quan tâm đến thực trạng hoạt động tài chính. Khi đó nhu cầu kiểm toán BCTC xuất hiện tự nhiên nhằm giảm thiểu chi phí đại diện (agency cost) giữa chủ doanh nghiệp (nhà
quản lý) và các đối tượng liên quan như ngân hàng, các tổ chức tín dụng, chủ nợ, khách hàng.
Thậm chí trong rất nhiều trường hợp, bản thân chủ sở hữu (cũng là nhà quản lý) của các DNNVV nhận thức được rõ ràng lợi ích mà dịch vụ kiểm toán BCTC mang lại hoặc họđược sự tư vấn của các chuyên gia, đối tác, hiệp hội thì việc sử dụng dịch vụ kiểm toán BCTC là kết quả tất yếu của quá trình nhận thức bản thân.