MỘT SỐ QUAN NIỆM NHÂN SINH TIÊU BIỂU

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 26)

7. Tổng quan tài liệu

2.1. MỘT SỐ QUAN NIỆM NHÂN SINH TIÊU BIỂU

2.1.1. Nguồn gốc và thân phận con người

Đối tượng phản ánh của truyện cổ tích là những hiện tượng, những xung đột trong đời sống thường nhật của con người nhằm phản ánh, lý giải những mâu thuẫn, những quan hệ riêng tư nhưng có tính phổ biến của xã hội. Vì vậy, truyện cổ tích không lấy việc lý giải nguồn gốc của con người làm đối tượng phản ánh. Việc lý giải nguồn gốc con người thường chỉ có ở thể loại truyền thuyết.

Về thân phận con người, truyện cổ tích Việt Nam đề cập đến nhiều loại thân phận con người. Nhưng đối tượng mà truyện cổ tích Việt Nam tập trung phản ánh và bảo vệ là những người lương thiện, hiền lành, đức độ, những người bị thua thiệt trong xã hội. Xét một cách toàn diện, tư tưởng nhân sinh quan của người Việt cổ mang đậm dấu ấn nhân sinh quan Phật giáo và Nho giáo. Người Việt cổ tin rằng ngoài thế giới trần gian còn có thiên đình, địa ngục, thủy cung... Trong vũ trụ có nhiều thế lực cùng tồn tại, và con người là lực lượng ít quyền năng nhất.

Theo quan niệm của người Việt cổ, con người có số phận, nó được định sẵn, được ghi vào sổ Nam Tào khi họ được sinh ra. Chẳng hạn như truyện Chưa

đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, người học trò nghèo đang dùi mài kinh sử để đi

thi nhưng trong sổ Nam Tào thì đã ghi là anh sẽ đậu Tiến sĩ, làm quan Thượng thư. Biết vậy nên ông thần làng gặp anh học trò nghèo thì rất kính trọng và báo mộng cho ông từ giữ đền biết để đối đãi cho tử tế. Hay truyện Vua Heo, mới

sinh ra Heo đã có số làm vua, cho nên anh có thể sai khiến cây cối, tượng Phật và cuối cùng anh được làm vua thật.

Tuy nhiên, nét đặc sắc của truyện cổ tích Việt Nam là ở chỗ, mặc dù số phận con người đã định sẵn nhưng không có nghĩa là không thể thay đổi được. Trong truyện Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, mặc dù anh học trò nghèo có số đậu Tiến sĩ, nhưng từ khi biết mình sẽ đậu Tiến sĩ, anh ngày càng lười học, làm nhiều việc thất đức, bắt nạt người khác… những việc làm xấu của anh ta được báo cho Ngọc Hoàng biết. Ngọc Hoàng phật ý nên không cho anh ta đỗ đạt nữa. Vì vậy anh ta đi thi năm lần, bảy lượt mà cũng không đậu.

Trong truyện Sự tích sông Nhà Bè hay là chuyện Thủ Huồn, tác giả lại khai thác ở một chiều hướng khác. Ngày xưa ở Gia Định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha, các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng; hắn đã vơ vét được bao nhiêu là tiền của. Một hôm, hắn được xuống âm phủ chơi với vợ. Tình cờ đi đến phòng giam tội nhân, hắn thấy có một chiếc gông rất to để ở trong phòng giam. Hỏi ra mới biết cái gông đó là để giành cho hắn. Do hắn làm nhiều điều ác nên tội rất nặng, sẽ bị hành hạ, giam giữ sau khi chết. Được biết nếu làm điều thiện, bố thí tài sản cho người nghèo thì sẽ được giảm tội, hắn trở lại trần gian làm rất nhiều điều thiện, giúp đỡ rất nhiều người nghèo khổ. Cuối cùng tội của hắn cũng được xóa bỏ.

Thậm chí, có người còn vùng lên, dám chiến đấu và chiến thắng cả thiên đình, âm phủ và thủy phủ. Trong truyện Cường Bạo đại vương, Cường Bạo chỉ là anh chàng mò cua, bắt ốc nhưng tính tình ngang tàn, từ người đến thần anh không sợ ai cả. Ngọc Hoàng đã sai Thiên Lôi, vua Thủy, Diêm Vương đi trừng trị, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Táo Quân, Cường Bạo đã chiến thắng tất cả. Mặc dù cuối cùng Cường Bạo cũng bị chết do sự chủ quan của mình, nhưng

việc Cường Bạo ngang nhiên đấu lại cả thiên đình mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó thể hiện sự bất khuất, không cam chịu sự áp bức của người Việt.

Người Việt tin rằng con người có linh hồn và thể xác. Họ coi linh hồn cao hơn thể xác. Trong truyện Hồn Trường Ba, da hàng thịt, vợ Trương Ba đã nhận anh hàng thịt là chồng, vì xác anh hàng thịt mang linh hồn Trương Ba. Linh hồn có thể trải qua nhiều kiếp khác nhau, tất cả những việc chúng ta đã làm ở trần gian sẽ được phân xử ở thế giới bên kia. Quan điểm này có ý nghĩa giáo dục to lớn, nó hướng con người đến những giá trị tốt đẹp.

Trong một số trường hợp, nhân vật chính bị chết nhưng được tái sinh thành nhiều hình dạng khác nhau (như cô Tấm). Tuy nhiên, điều này không nhằm miêu tả nguồn gốc của con người, không khẳng định sự tồn tại bất tử của họ, không nhằm ca ngợi khả năng siêu nhiên có thể tự tái sinh của họ và cũng không nâng họ lên thành những vị thần thánh để nhân dân thờ phụng. Ở đây, truyện mang một ý nghĩa nhân sinh to lớn, bênh vực cho những con người hiền lành nhân hậu phải gánh chịu những thiệt thòi đau khổ.

Như vậy, triết lý về nguồn gốc và thân phận con người trong truyện cổ tích Việt Nam là hiện hữu, nó có giá trị nhân văn cao thể hiện ở niềm tin và tình thương yêu mãnh liệt của con người. Tư tưởng triết lý ấy đã chi phối sự ứng xử của con người Việt Nam trong mọi mối quan hệ, mọi lĩnh vực của đời sống. Nó nói lên một điều đáng quý rằng, từ xa xưa dân tộc Việt Nam đã là một dân tộc theo chủ nghĩa nhân cách. Chủ nghĩa nhân cách ấy không giáo điều, không cuồng tín; trái lại, nó rất thực tế, rất người và chính điều đó đã làm nên sức mạnh giúp dân tộc vượt lên mọi khó khăn, thử thách trong trường kỳ lịch sử để tồn tại và phát triển.

2.1.2. Hướng tới giá trị Chân, Thiện, Mỹ

Chân, Thiện, Mỹ là các giá trị quan trọng luôn có mặt trong các hệ giá trị của cá nhân cũng như quốc gia, dân tộc, là những giá trị phổ quát của toàn

nhân loại. Suốt hàng chục thế kỷ, độc lập và phồn vinh từ Văn Lang đến Âu Lạc, dân tộc ta đã phát triển lành mạnh, nhịp nhàng, tạo ra những giá trị cao cả của Chân, Thiện, Mỹ trên mọi lĩnh vực của đời sống. Ba thuật ngữ này vừa bình dị, gần gũi với mọi người, vừa là lý tưởng mà mọi người mong muốn vươn tới, là nội dung và là mục tiêu của giáo dục. Tuy nhiên, ba thuật ngữ này có nội dung cực kỳ phức tạp. “Khái quát nhất, đó là ba phạm trù của triết học. Cụ thể hơn, có thể chia ra, phạm trù “Chân” thuộc về nhận thức luận, phạm trù “Thiện” – đạo đức học, phạm trù “Mỹ” – thẩm mỹ học” [29, tr. 12].

Chân

“Chân” có nghĩa là “chân thật”, “xác thực”, thông thường nói đến “chân” là nói đến phạm trù “thật” đối nghĩa với phạm trù “giả” – “không thật”. Với nghĩa hẹp, có thể hiểu là “chân lý”. Chân lý là sự “phản ánh đúng đắn, chính xác hiện thực trong tư tưởng, mà tiêu chuẩn của sự phản ánh đó xét đến cùng là thực tiễn” [61, tr. 78]. Giá trị “chân” thể hiện trong truyện cổ tích Việt Nam là những hiểu biết phong phú mà cha ông ta đã đạt được trong cuộc đấu tranh dạn dày để dựng nước và giữ nước, là sự ca ngợi những con người có đầu óc mưu trí, thông minh, sáng tạo…

Các truyện cổ tích thường coi trọng học trò và các thầy đồ. Điều này chứng tỏ nhân dân ta có truyền thống hiếu học, ham học hỏi, ham hiểu biết. Học trò học sách thánh hiền, sẽ hiểu được điều hay, lẽ phải, không những được đỗ đạt làm quan giúp dân, giúp nước, người người kính trọng, mà đến ma quỷ cũng phải sợ, giống như trong truyện Người học trò và ba con quỷ.

Ngày xưa có ông phú hộ nọ sinh được một người con gái rất xinh đẹp. Có ba con quỷ muốn chiếm đoạt cô gái, chúng biến hóa rất nhiều lần và cuối cùng cũng hớp được hồn của cô gái, làm cho cô nằm liệt giường, nửa tỉnh nửa mê. Các thầy phù thủy trong vùng đều không có cách nào làm cho cô gái tỉnh lại được. Một hôm có thầy cử tên Long đi thi hội ghé vào xin ở trọ qua đêm.

Với sự tài trí và gan dạ, anh đã đánh đuổi được ba con quỷ, cứu được cô gái. Ba con quỷ vì sợ anh quá nên đã tặng cho anh ba vật thần kỳ để anh tha mạng cho. Nhờ ba báu vật này, anh đã thi đỗ, được làm quan và giúp đỡ nhân dân khắp vùng.

Đôi khi người học trò gặp điều không may thì thần tiên lại hiện ra để giúp đỡ như trong truyện Người học trò và con hổ. Có anh học trò vì quá thật thà, nhẹ dạ nên bị một con hổ lừa và chuẩn bị ăn thịt. Thấy vậy thần núi liền hiện ra giúp đỡ anh học trò và trừng phạt con hổ.

Mặt khác, truyện cổ tích cũng ca ngợi những người thông minh, tài giỏi hơn người. Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có khá nhiều truyện nói về đề tài này. Trong đó có một chi tiết đáng lưu ý là những nhân vật tài giỏi của nước ta khi đấu trí hoặc đánh nhau với người nước ngoài (có khi truyện nêu đích danh nước đó là Trung Quốc, có khi chỉ nói là nước láng giềng) thì đều chiến thắng. Điều này nói lên ý thức tự hào dân tộc mãnh liệt của người Việt Nam, tiêu biểu là truyện Bốn anh tài.

Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo sinh được một người con trai. Đứa bé lớn nhanh như thổi. Càng lớn đứa bé ăn càng khỏe. Đến khi trong nhà không còn gì để ăn nữa, hai vợ chồng nghĩ chỉ có cách cho con đi tha hương cầu thực thì mới sống được. Ông liền nói dối là ngày trước hoàng đế Trung Quốc có mượn nhà ta 70 vạn lạng vàng, bạc. Con tìm cách sang bên đó đòi lấy mà ăn. Tưởng thật, anh chàng liền lên đường sang Trung Quốc để đòi nợ.

Một hôm anh gặp một người khổng lồ đang tìm cách tát cạn biển để tìm ngọc. Anh liền rủ người khổng lồ đi Trung Quốc đòi nợ với mình. Người khổng lồ đồng ý. Trên đường đi, chàng còn rủ thêm một người trẻ tuổi có khả năng thổi một hơi làm gãy đổ cây rừng; một người cao lớn rất khỏe mạnh, có thể gánh một đôi voi mà đi như bay.

Đến Trung Quốc, bốn anh chàng đòi vào gặp hoàng đế. Hoàng đế bố trí cho các anh ở phòng riêng đợi vài ngày và sai người dọn yến tiệc. Nhưng bốn anh chàng ăn khỏe quá nên mới có ba ngày mà thức ăn của hoàng đế vơi đi hơn một nửa. Thấy vậy, hoàng đế mới sai người tìm cách giết bốn chàng.

Họ bố trí cho bốn chàng đi chơi thuyền ở hồ. Ra đến giữa hồ thì đánh đắm thuyền cho chết đuối. Trong lúc nguy khốn, anh chàng khổng lồ lấy thuyền làm gàu tát lấy tát để. Chỉ trong chốc lát hồ đã cạn nước còn trơ đáy, anh chàng khổng lồ cứu được ba bạn khỏi chết đuối. Thấy kế hoạch thất bại, hoàng đế sai người bày yến tiệc, chờ lúc bốn chàng no say rồi thì sai quân lính xông vào vây chém. Anh chàng thổi khỏe liền thổi một hơi, bọn lính văng đi khắp nơi như lá khô gặp gió. Thế là bốn chàng lại thoát nạn. Hoàng đế Trung Quốc sợ quá bèn gọi các quan lại bàn bạc. Cuối cùng, để tránh phiền phức, hoàng đế chấp nhận trả nợ nhưng với điều kiện là không được thuê người, thuê xe chở tiền. Chỉ cho một người gánh thôi (vì họ cho rằng một người khỏe lắm cũng chỉ gánh được dăm bảy trăm cân là cùng). Đến ngày giao tiền, anh chàng gánh voi gánh một gánh đã hết mất một nửa kho vàng bạc của hoàng đế. Mặc dù rất đau lòng nhưng vì đã có giao ước nên hoàng đế đành chấp nhận nhìn bốn chàng ra về. Bốn chàng về nước chia nhau tiền sống sung sướng trọn đời.

Tương tự, trong truyện Sự tích thành Lồi, tác giả đã ca ngợi sự thông minh, tài trí của vị tướng người Việt. Ngày xưa, có một ông vua nước Chăm nghe nói công chúa Huyền Trân nhan sắc tuyệt trần nên muốn lấy làm vợ. Vua bèn sai một sứ bộ ra cầu hôn với sính lễ hai châu Ô, Rí. Trước món sính lễ đặc biệt, triều đình Đại Việt ai nấy đều tỏ vẻ hài lòng. Vua Trần và công chúa Huyền Trân gật đầu ưng thuận. Vua Chăm vô cùng mừng rỡ.

Công chúa cùng vua Chăm sống với nhau chưa được một năm thì nhà vua bỗng nhiên mắc bệnh rồi mất. Theo phong tục của nước Chăm, công chúa sẽ bị hỏa thiêu để về với vua Chăm ở thế giới bên kia. Vua Trần nghe tin vội

sai sứ bộ tìm cách cứu công chúa. Nhân lúc mọi người bối rối, sứ bộ Việt giả cách xin phép đưa công chúa ra bờ biển làm lễ cầu hồn rồi lén đưa xuống thuyền nhỏ, một mạch dong buồm ra Bắc.

Việc hoàng hậu bỏ trốn làm cho triều đình nước Chăm nổi giận. Họ đòi lại món đồ sính lễ là hai châu Ô, Rí. Vua mới nước Chăm sai năm vạn quân mã ra giữ chắc lấy hai châu đó, mặc dầu việc bàn giao đã sắp xong, bên nước ta không ngờ có chuyện xảy ra như thế nên chỉ phái tướng quân Đoàn Nhữ Hài mang mấy ngàn quân đi nhận bàn giao. Thấy quân địch quá đông, tướng quân Đoàn Nhữ Hài rất lo lắng. Cuối cùng, tướng quân cho quân mang thư mời tướng Chăm tên là Lồi ra trước trận để cùng thương lượng. Kết quả, các tướng lĩnh hai bên đi đến một định ước: Trong một đêm hai bên đều khởi công, mỗi bên đắp một bức thành cho suốt tới sáng, bên nào hơn thì thắng. Bên thua lập tức lui binh nhượng đất, để khỏi giết hại sinh linh.

Quân Chăm vội vã kẻ đào người chuyển đất, đắp một bức thành suốt dọc bờ sông vắt qua mấy ngọn đồi. Tướng Lồi đốc thúc ráo riết. Trời mờ sáng thì quân Chăm đã đắp mặt thành đã cao hơn trượng. Chợt nghe một hồi trống đồng từ bên kia vọng đến, quân Chăm bên này trông sang, thì kia, thăm thẳm mấy dặm dài, thành của bên quân Đại Việt đã xây xong từ bao giờ: Tường cao dễ đến mấy trượng, cổng thành với cái vọng lầu của nó trông thật là đồ sộ. Chẳng những thế, trong thành lại còn nhà cửa mới xây rất nguy nga: mái lợp ngói đỏ tường quét vôi trắng, trên mặt thành voi ngựa, quân lính dàn ra không biết bao nhiêu mà kể. Tướng Lồi ở trên chòi cao đưa mắt nhìn với một vẻ ngơ ngẩn hãi hùng. Chấp nhận thua, tướng Lồi nổi hiệu cho toàn quân rút lui. Tuy không phải đánh nhau, nhưng Đoàn tướng quân cũng báo tin đại thắng về cho vua Trần, không quên nói hết mưu kỳ của mình trong cuộc đọ trí nguy hiểm này. Bởi vì quân Chăm có biết đâu thành của quân địch toàn bằng phên tre dựng lên,

nhà cửa đều bằng nan ghép lại, quân sĩ voi ngựa đều bằng cỏ bện hoặc bằng đất, những mái đỏ tường trắng, cỏ xanh đều là màu thuốc tô điểm.

Việc xây dựng nên những nhân vật tài giỏi hơn người, đặc biệt là hơn về trí tuệ thể hiện khát khao nâng tầm tri thức của cha ông ta. Đồng thời, nó chứng minh rằng cha ông ta nhận thức rất rõ về vai trò của tri thức và khuyến khích con cháu học tập, mở mang kiến thức để xây dựng quê hương đất nước.

Một số truyện cổ tích như Tra tấn hòn đá, Sợi bấc tìm ra thủ phạm, Phân

xử tài tình, Tinh con chuột… đã ca ngợi tài năng phân xử của các vị vua, quan.

Nhờ có trí thông minh mà các vị vua, quan đã tìm ra thủ phạm, trả lại công lý cho người bị oan.

Truyện cổ tích Việt Nam đã cổ vũ, khuyến khích mọi người học tập, nâng cao hiểu biết để tìm ra chân lý trong cuộc sống, hướng con người đến giá trị

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 26)