Sống hài hòa với thiên nhiên

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 51 - 55)

7. Tổng quan tài liệu

2.1.4.Sống hài hòa với thiên nhiên

Việt Nam có môi trường thiên nhiên khá khắc nghiệt với nhiều yếu tố bất thường. Vì vậy, con người cũng phải tìm cách ứng xử hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo cuộc sống. Dần dần nó hình thành nên những quy tắc ứng xử trong cộng đồng mà mọi người phải tuân theo và trở thành phong tục, tập quán, truyền thống của người Việt Nam. Toàn bộ truyền thống này được thể hiện qua cách ứng xử của họ với thiên nhiên.

“Triết lý chung nhất của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, là sống hài hòa với thiên nhiên” [15, tr. 144]. Triết lý đó được xây dựng trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết học nhân sinh phương Đông với tư duy thực tế và lối sống thực dụng của người lao động luôn gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Hài hòa là một triết lý sống mang tính truyền thống của người Việt.

Thực chất của tính hài hòa chính là mong muốn đạt tới sự cân bằng giữa con người với con người, giữa con người với môi trường thiên nhiên và giữa con người với môi trường xã hội. Trong truyện cổ tích Việt Nam, triết lý này thể hiện ở ba quan niệm cơ bản phản ánh ba mức độ khác nhau của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên:

Một là, quan niệm “Thiên – Địa – Nhân hòa đồng” hay “Thiên – Nhân

hợp nhất”. Đây là quan niệm sơ khai nhất của con người về mối quan hệ giữa

họ với thiên nhiên. Con người và thiên nhiên là một khối liên thông bền chặt, không thể tách rời. Chính vì vậy, con người Việt Nam trải qua bao đời, với bao nhiêu sóng gió, gian truân vẫn sống hòa đồng với thiên nhiên, gắn bó máu thịt với thiên nhiên, nương nhờ và thuận theo thiên nhiên.

Theo quan niệm của người Việt cổ, trên trời có Ngọc Hoàng và các vị thần tiên cai quản các hiện tượng trong vũ trụ. Trong một thiên nhiên như thế, người Việt đã lựa chọn một lối sống hài hòa với tự nhiên, tuân theo quy luật tự

nhiên. Các nghi lễ thờ cúng thần linh, các đình, đền, miếu thờ là rất phổ biến ở các làng xã người Việt đã chứng minh điều đó. Con người luôn giành cho thiên nhiên một sự tôn kính đặc biệt.

Trong xã hội, con người phải được bình đẳng vì đều là sản phẩm của tự nhiên. Vì đều là sản phẩm của tự nhiên, con người phải hành động hợp với tự nhiên, loại bỏ những gì là trái tự nhiên. Chử Đồng Tử và Tiên Dung (Truyện

Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên) yêu nhau là hợp với tự nhiên. Vua cha

ngăn cản tình yêu ấy là trái tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà bãi cát nơi Tiên Dung và Chủ Đồng Tử gặp nhau có tên là bãi Tự Nhiên.

Trong truyện Sự tích bánh chưng và bánh dày, vua Hùng đã yêu cầu các con của mình tìm kiếm một món ăn lạ để cúng tổ tiên, người nào đưa ra được món vừa ý nhất sẽ được vua Hùng truyền ngôi. Trong một lần nằm mơ, Lang Liêu được một vị nữ thần hướng dẫn làm bánh chưng và bánh dày. Nữ thần nói:

Bánh này tượng trưng đất. Đất có cây, có đồng ruộng núi rừng thì màu cũng phải xanh xanh, hình phải vuông vắn. Trong bánh phải bỏ thịt, bỏ đỗ để lấy ý nghĩa đất chở cầm thú cỏ cây... Rồi đem nếp thơm đồ lên cho dẻo, giã ra làm thứ bánh tượng trưng trời: màu phải trắng, hình phải tròn và khum khum như vòm trời [10, tr. 112].

Và từ hàng ngàn năm nay, người Việt vẫn dùng bánh chưng và bánh dày để thờ cúng ông bà, tổ tiên vào những ngày lễ tết với ý nghĩa sâu sắc đó. Thông qua việc giải thích nguồn gốc sự vật, truyện đề cao trí thông minh, lòng hiếu thảo của người lao động, đề cao nghề nông, ca ngợi triết lý sống hài hòa, gần gũi với tự nhiên của dân tộc Việt Nam.

Hai là, quan niệm “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Người Việt Nam xưa tin rằng trời chi phối mọi hoạt động của con người, trời trao quyền cho vua cai quản thiên hạ, trời không chỉ quyết định sự thịnh suy của một triều đại mà còn quyết định sự thắng lợi của một cuộc khởi nghĩa, giàu sang, nghèo

hèn, vinh nhục, sống chết của một con người, biết được những suy nghĩ và hành động của con người để ban thưởng hay trách phạt, giáng tai họa. Nhiều khi, trời phái con cái của mình hoặc các vị thần xuống trần gian để giúp đỡ con người. Trong truyện Thánh Gióng, trời đã phái tướng nhà trời xuống trần gian để giúp nước ta đánh ta giặc ngoại xâm. Trong truyện Thạch Sanh, Ngọc Hoàng đã sai thái tử xuống đầu thai trong gia đình hai vợ chồng già. Khi Thạch Sanh lớn lên, Ngọc Hoàng lại sai thiên thần xuống dạy võ nghệ, phép thần thông cho Thạch Sanh. Nhờ đó mà Thạch Sanh đã vượt qua được nhiều kiếp nạn, đánh đuổi được kẻ thù xâm lược, cưới được công chúa xinh đẹp và được nhà vua truyền ngôi. Đôi khi gặp những sự việc mà con người không giải quyết được, trời lại ra tay giúp đỡ con người, giống như trong truyện Tinh con chuột.

Ngày xưa có con chuột sống lâu năm nên đã thành tinh. Nó biến thành người chồng của một thiếu phụ. Người vợ đáng thương này không phân biệt được đâu là chồng giả, đâu là chồng thật của mình. Nhờ quan huyện, quan tỉnh nhưng cũng không phân biệt được, vụ án được tâu trình lên nhà vua. Vua cũng không có cách nào phân biệt được nên đành ra đền Phù Đổng đốt hương cầu thần. Thần ứng đồng lên nói: “Nó là một con chuột già sống lâu năm thành tinh, bây giờ lửa nước đồng sắt không làm hại được, bùa chú đối với nó cũng mất linh nghiệm. Chỉ có cách là lên thiên đình mượn Ngọc Hoàng thượng đế viên ngọc mắt mèo, đưa ra, nó sẽ hiện nguyên hình”. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của Ngọc Hoàng con chuột thành tinh phải hiện nguyên hình và bị sét đánh chết.

Theo quan niệm của người Việt cổ, mọi hoạt động của con người đều chịu sự chi phối của các lực lượng siêu tự nhiên. Những lực lượng siêu tự nhiên đó có thể là thiên đình, địa ngục, các vị thần, tiên, bụt, hà bá… Thông thường, người Việt cổ lựa chọn lối sống hòa hợp với tự nhiên, tuân theo sự sắp đặt của tạo hóa.

Ba là, quan niệm “Nhân định thắng thiên”. Khác với quan niệm trên, cũng có những lúc người Việt tin rằng nếu những việc làm “hợp với lẽ trời, với lòng người” thì chắc chắn sẽ thành công. Như vậy, con người không hoàn toàn bị trời chi phối, bị số mệnh khuất phục mà con người vẫn có thể cải biến mệnh dựa vào nỗ lực của mình.

Không những không thụ động trước thiên mệnh, nhiều trường hợp, những nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam còn bày tỏ rõ ràng nguyện vọng muốn cải tạo thiên mệnh. Cải tạo bằng tu dưỡng đạo đức là cách nghĩ thông thường nhất. Đối với người bình thường thì tu dưỡng đạo đức không phải là một mục tiêu gò bó, lúc nào cũng phải thận trọng lời ăn tiếng nói, giữ gìn từng cử động, làm mất cả nếp sống tự nhiên. Điều cốt nhất là giữ được căn tính hồn hậu nguyên sơ của mình. Cô gái xinh đẹp trong Cô gái lấy chồng hoàng tử vốn chẳng có lá số tử vi nào báo cho biết mình sẽ được lấy chồng hoàng tử, nhưng ý nguyện chân thành và tấm lòng trong trắng vô tư của cô cuối cùng đã giúp cô toại nguyện, trong khi kẻ mưu toan chiếm đoạt cô bằng sự lừa dối lại chuốc lấy số phận bị hổ vồ.

Riêng đối với những ai từng nhúng tay quá sâu vào tội lỗi, nghiệp chướng tích lại quá dày, thì sự cải tạo số phận có khó khăn hơn, song cũng không hẳn đã tuyệt vọng. Một sự cố gắng vượt bậc và chân thành cải tà quy chính, thì thế nào cũng xoay chuyển được tình thế, giảm thiểu đến mức tối đa trạng huống bi đát, lẽ ra phải chịu. Quan niệm này được thể hiện rõ trong các truyện Sự tích

sông Nhà Bè hay chuyện Thủ Huồn, Miếng trầu thần kỳ, Cường Bạo đại

vương... mà chúng tôi đã trình bày ở các phần trên.

Ngoài ra, để thể hiện tình yêu thiên nhiên của mình, người Việt đã thần thánh hóa các danh lam, thắng cảnh của đất nước. Trong kho tàng truyện cổ tích, có khá nhiều chuyện kể về sự hình thành các di tích, danh lam, thắng cảnh của Việt Nam như: Sự tích Hồ Gươm, Sự tích hồ Ba Bể,Sự tích đầm Nhất Dạ,

Sự tích đá Vọng Phu, Sự tích núi Ngũ Hành,... Theo các truyện cổ tích này, các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam hầu hết đều được hình thành từ những yếu mang tính thần bí. Việc thần thánh hóa sự hình thành các di tích, các danh lam, thắng cảnh một mặt thể hiện sự tôn trọng, ngưỡng mộ của người xưa đối với các địa danh đó. Mặt khác, nó giáo dục cho con người ý thức bảo vệ các di tích, các danh lam, thắng cảnh của đất nước, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Triết lý sống hài hòa với thiên nhiên của người Việt Nam trong truyện cổ tích thường mang yếu tố tín ngưỡng. Đây là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng Việt Nam giống như các bộ phận khác của văn hóa Việt Nam đều mang những đặc trưng của văn hóa nông nghiệp, đó là: Tôn trọng và gắn bó mật thiết với thiên nhiên.

Nếu loại bỏ các yếu tố duy tâm trong việc tôn sùng các vị thánh thần cai quản các hiên tượng tự nhiên xung quanh con người, thì việc tôn sùng này cũng có giá trị giáo dục. Nó răn đe con người không làm việc xấu, bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh chúng ta và đó cũng là một biện pháp giáo dục môi trường hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 51 - 55)