THỰC TRẠNG LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 73 - 76)

7. Tổng quan tài liệu

3.1.THỰC TRẠNG LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dân tộc ta ngay từ buổi đầu đã chứng minh sức sống vĩ đại của mình trong một môi trường đầy gian nan thử thách của thiên tai và địch họa. Vững vàng và lành mạnh, dân tộc ta đã lớn lên trong bão táp, cải tạo tự nhiên, xã hội và phát triển tài năng, trí tuệ của mình. Đồng thời, người Việt Nam đã hình thành cho mình một lối sống phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể đó. Lối sống của người Việt Nam có những ưu điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, tinh thần yêu nước là một trong những giá trị cao đẹp nhất của người Việt Nam, nó đã thấm sâu vào máu thịt của dân tộc ta. Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc đã trở thành yếu tố quan trọng đặc biệt, được biểu hiện rất sinh động và cụ thể trong lối sống của dân tộc. Đó là tình yêu quê hương, yêu xóm làng, yêu thương con người Việt Nam và nó được kết tinh ở tình cảm đạo đức trung với nước, hiếu với dân, tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thà hy sinh chứ không chịu làm nô lệ. Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc sâu sắc đã trở thành sức mạnh giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thế lực xâm lược. Chính qua các cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy gian khổ hy sinh đó mà chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta được bộc lộ rõ nét và được nâng lên ở tầm cao mới.

Thứ hai, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện ý chí tự lực, tự cường dân tộc. Nó góp phần làm nên một Việt Nam hùng mạnh, vững bước

trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ ba, lòng nhân ái, bao dung. Trong suốt trường kỳ lịch sử, dân tộc ta luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược và đồng hóa. Vì giàu lòng nhân ái nên khi bị chà đạp, nhân dân ta luôn sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành lấy quyền sống cho mình và hiểu rất rõ quyền sống của mình gắn với vận mệnh của Tổ quốc và dân tộc. Đạo làm người của nhân dân ta trước hết là yêu nước và dám xả thân vì nước. Yêu nước và cứu nước là để đem lại quyền sống trong độc lập tự do của con người. Nước không có độc lập thì nhân dân không thể có tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân tiêu biểu cho lòng nhân ái - yêu thương con người, Người đã giành cả cuộc đời mình cho độc lập của dân tộc, cho sự tự do, hạnh phúc của nhân dân. Lòng nhân ái, yêu thương con người của dân tộc ta là cơ sở của lòng yêu chuộng hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Lòng thương yêu con người của dân tộc ta thể hiện ở tinh thần lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh con người và sự thắng lợi của chính nghĩa với phi nghĩa, cái tốt với cái xấu...

Thứ tư, cần cù, sáng tạo là một giá trị đạo đức truyền thống có từ bao đời của nhân dân ta, đó là nguồn gốc, cơ sở để có được thành công của người Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong lao động, cần cù gắn liền với tiết kiệm. Cần mà không kiệm thì cuộc sống bấp bênh do “làm đồng nào xào đồng nấy”. Còn kiệm mà không cần là vô nghĩa vì lấy gì mà kiệm. Vì vậy, trong cuộc sống phải biết tiết kiệm, biết quý trọng sức lao động, tiết kiệm còn có nghĩa là khéo léo sắp xếp cuộc sống, tránh những lãng phí không cần thiết.

Bên cạnh những mặt tích cực, lối sống của một bộ phận người Việt Nam hiện nay vẫn còn có những hạn chế. Đảng ta nhận định:

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy

thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... lối sống thực dụng, coi trọng vật chất [21, tr. 11].

Một bộ phận lớp trẻ có lối sống trái với thuần phong, mỹ tục, lai căng, rơi vào các tệ nạn xã hội. Nhiều quan hệ xã hội bị lệch chuẩn gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một số thanh niên không hiểu biết về lịch sử dân tộc, không có niềm tự hào dân tộc, xa rời các giá trị truyền thống, mất phương hướng về chính trị, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo…

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nổi bật là do tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường như việc chạy theo lợi ích, lợi nhuận; sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng bất công xã hội, gian lận thương mại, chủ nghĩa cá nhân; tàn dư của xã hội cũ để lại còn khá nặng nề; do công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức; những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội… Nếu không có những biện pháp khắc phục kịp thời thì sự xuống cấp sẽ ngày càng trầm trọng, gây bất ổn cho xã hội. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải xây dựng lối sống mới cho con người Việt Nam hiện nay. Xây dựng lối sống mới chính là quá trình tác động đến con người nhằm hình thành và hoàn thiện ở mỗi cá nhân những nguyên tắc, chuẩn mực đúng đắn trong lối sống phù hợp với yêu cầu quá trình xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, mà cá nhân có thể tự điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi lối sống của mình hướng tới các quá trình hiện thực xã hội và con người mang tính dân tộc, hiện đại, nhân văn.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 73 - 76)