Truyện cổ tích Việt Nam mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 70 - 73)

7. Tổng quan tài liệu

2.2.4. Truyện cổ tích Việt Nam mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc

Văn hào Nga M.Gorki đã khẳng định “Trên đời này không có cái gì là không có tác dụng giáo dục, cũng không làm gì có những truyện cổ tích không chứa đựng những yếu tố “răn dạy”, những yếu tố giáo dục” [45, tr. 313-315]. Truyện cổ tích Việt Nam cũng thế, thông qua việc phản ánh hiện thực xã hội, truyện cổ tích Việt Nam ra đời nhằm mục đích giáo dục các thế hệ người Việt Nam triết lý sống, đạo làm người của dân tộc.

Truyện cổ tích ra đời khi xã hội đã phát triển, đã hình thành quan hệ giai cấp. Con người phải đối mặt với chính mình, nhất là đối với những thói hư tật xấu của con người trong xã hội có giai cấp. Cuộc đấu tranh chống lại cái xấu ngày càng trở nên gay gắt hơn. Truyện cổ tích đã ra đời với chức năng chống lại cái xấu, bênh vực cái tốt, giáo dục con người hướng đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ, hình thành những triết lý sống tốt đẹp. Nhân dân ta đã sử dụng truyện cổ tích như một công cụ đấu tranh.

Bên cạnh đó, truyện cổ tích còn giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam lòng yêu nước, niềm tự hòa dân tộc thông qua việc đề cao và ủng hộ là những anh hùng lập nên các kỳ tích trong đời sống, làm rạng danh quê hương, đất nước. Đó là những nhân vật tài nghề, mưu trí, dũng cảm, sức khỏe, bất kể họ già hay trẻ, nam hay nữ và thuộc đẳng cấp xã hội nào.

Truyện cổ tích nhắc đến từ một chú bé vô danh biết dùng trí thông minh để buộc chủ nợ phải xóa nợ cho bố mẹ chú (Truyện Em bé thông minh), cho đến một “Trạng Hiền” tuổi còn rất nhỏ đã đỗ đầu khoa thi của Nhà nước quân chủ và giải đáp nổi câu hỏi hóc hiểm của sứ giả Trung Quốc, gỡ thế bí cho cả một triều đình (Truyện Trạng Hiền). Truyện cổ tích cũng không quên tài đục chạm thần dị của ông thợ Chuẩn, một người thợ mộc bình thường nhưng chỉ vài đường chạm đã làm cho hình các con giống hiện lên như sống thật trên chiếc kẻ gỗ, đến nỗi Thủy phủ cũng nghe danh (Truyện Người thợ mộc Nam Hoa). Ngay chỉ một chàng chăn trâu Bùi Cầm Hổ (Truyện Bùi Cầm Hổ), tứ cố vô thân mà dám tìm đường tiến kinh, và với đầu óc phán đoán sắc sảo của mình làm nhà vua đương thời phải kính nể, bổ luôn chức quan ngự sử. Rồi còn sức khỏe của Đại vương Hai (Truyện Đại vương Hai hay truyện giết thuồng luồng), tài ăn của Lê Như Hổ (Truyện Lê Như Hổ), sức vác của Khổng Lồ (Truyện

Khổng Lồ đúc chuông hay là sự tích trâu vàng Hồ Tây), thân hình của Lý Ông

Trọng (Truyện Lý Ông Trọng), tài lặn của Yết Kiêu (Truyện Yết Kiêu)... Tất cả đều được truyện cổ tích đánh giá một cách vô tư, không phân sang hèn, cao thấp. Chuẩn mực của mọi giá trị ở đây được đo bằng những thước đo giản dị nhưng rất thiết thực. Cách đánh giá của truyện cổ tích thực đã vượt lên trên mọi ràng buộc, thiên kiến, và đạt được sự công bằng. Họ là những mẫu mực của tài năng nhưng là mẫu mực dựa trên tiêu chí dân gian chứ không phải dựa trên cách sắp xếp thứ bậc của xã hội chính thống.

Truyện cổ tích Việt Nam mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với người dân Việt Nam, nhất là đối với trẻ thơ. Khi nói về vai trò của truyện cổ tích, Ph.Ăngghen đã khẳng định: Truyện cổ tích có khả năng làm trong sáng tình cảm đạo đức của nhân dân, đưa đến cho họ sức mạnh..., thức tỉnh ở họ lòng dũng cảm và tình yêu Tổ quốc.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam, chúng ta rút ra được những triết lý nhân sinh sâu sắc, phản ánh tư tưởng, quan điểm tiến bộ của nhân dân lao động về những vấn đề của đời sống xã hội. Tính triết lý đó được biểu hiện khá đầy đủ trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người và các vấn đề xã hội.

Những triết lý nhân sinh này trở thành cẩm nang, kim chỉ nam cho việc xây dựng lối sống mới trong giai đoạn hiện nay. Quá trình nghiên cứu triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

CHƯƠNG 3

PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH TRONG VIỆC XÂY DỰNG LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI

VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) triết lý nhân sinh trong truyện cổ tích việt nam (Trang 70 - 73)