a. Phương pháp đo trực tiếp
Phương pháp đo trực tiếp là phương pháp được tiến hành đo ngay trên cơ thể người bằng dụng cụ đo theo quốc tế quy định (bộ thước đo Martin).
* Dụng cụ đo
Thước đo chiều cao có khắc số đến milimét.
Thước dây, compa đo độ rộng, compa trượt chia số đến milimét (dùng để đo các kích thước vòng, đo chiều rộng và đo bề dày).
Dây phụ trợ bằng dây vải mảnh không co giãn để đánh dấu một số ranh giới trên cơ thể giúp việc đo các kích thước khác.
Hình 3.1 Dụng cụ đo nhân trắc Martin
Hình 3.2 Thước dây và thước kẹp
Đối với hàng may sẵn (dùng cho sản xuất công nghiệp) thì phải đo nhiều kích thước trên cơ thể người và đo cho nhiều người, sai số cho phép là 0,1 – 0,2cm.
b. Phương pháp đo gián tiếp
Phương pháp đo gián tiếp là phương pháp đo thông qua máy chụp ảnh tự động 3D bằng thiết bị điện tử sử dụng tia hồng ngoại, thực hiện tính toán xử lý số liệu các kích thước bằng máy tính trong một chu trình khép kín. Thiết bị này giúp người nghiên cứu có thể có được tất cả các kích thước một cách chính xác trên cơ thể đối tượng được đo, phục vụ cho công tác thiết kế trang phục công nghiệp mà không tốn thời gian, nhân công và kinh phí khi thực hiện thu thập số liệu bằng phương pháp đo trực tiếp bằng các dụng cụ đo đạc chuyên dùng trước đây. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này là giá thành của thiết bị đo rất cao. Một số nước đã và đang ứng dụng phương pháp này gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Ở nước ta, phương pháp đo gián tiếp trên cơ thể người bằng thiết bị chụp ảnh 3D chưa được ứng dụng vào các công trình nghiên cứu nhân trắc liên quan đến việc thu thập các kích thước cơ thể con người do kinh phí đầu tư cho thiết bị này quá cao vượt quá khả năng của các cơ quan thực hiện công trình nghiên cứu. Chính vì vậy mà các công trình nghiên cứu ứng dụng phương pháp nhân trắc học cho ngành may hiện nay ở nước ta vẫn sử dụng phương pháp đo trực tiếp trên cơ thể người.
Hình 3.3 Thiết bị 3D đo cơ thể người