Như đã trình bày trong nội dung chương hai, hình thái cơ thể người thay đổi theo từng giai đoạn, thời kỳ phát triển khác nhau từ lúc sinh ra tới khi chết đi. Chính vì vậy các hệ thống cỡ số xây dựng phải thể hiện rõ đặc điểm hình thái cơ thể người ở mỗi thời kỳ tương ứng và phù hợp với tốc độ thay đổi các thông số kích thước của nam và nữ. Thông thường một hệ thống cỡ số được xây dựng và sử dụng trong khoảng từ 8 đến 10 năm đối với người lớn vì cơ thể người lớn không có sự thay đổi hình dáng kích thước nhiều, nhưng với sự thay đổi nhanh chóng ở trẻ em thì hệ thống cỡ số thường được xây dựng và sử dụng trong vòng 5 đến 6 năm.
Bên cạnh sự thay đổi hình thái ở một người qua từng giai đoạn phát triển, thì hình thái cơ thể người cùng độ tuổi ở những khoảng thời gian khác nhau thì cũng sẽ khác nhau. Ví dụ các kích thước chủ đạo đối với nam và nữ từ năm 1967 - 1975 của Liên Xô cũng thay đổi, vòng ngực tăng lên 2,5cm, chiều cao tăng 1cm, vòng bụng tăng 3cm đối với nam, giảm 1,5cm đối với nữ. Ở Việt Nam, theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy sự thay đổi chiều cao với nhóm trẻ
dưới 1 tuổi đã tăng thêm 1,4cm (trẻ trai) và 1,8cm (trẻ gái), ở tuổi lên 3 chiều cao trung bình cũng tăng thêm hơn 2cm so với 10 năm trước, chiều cao người trưởng thành ở nam và nữ hiện đã đạt bình quân 164,4cm và 153,4cm, cao thêm 4cm sau 35 năm. Ngoài ra, chiều cao đạt được hiện nay đã đến sớm hơn so với trước đây - ở độ tuổi 20-24 cho cả nam và nữ thanh niên (năm 2000 chiều cao đạt được cao nhất trong độ tuổi từ 26- 29). Người thành thị cao hơn người nông thôn, người có mức sống khá cũng đạt chiều cao tốt hơn. Ở nhóm 50-60 tuổi ở Việt Nam thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng lên.
Sự thay đổi tầm vóc, kích thước cơ thể người qua thời gian phụ thuộc vào chu kỳ phát triển của xã hội. Sự thay đổi này hoàn toàn ảnh hưởng tương quan đến các kích thước chủ đạo và các kích thước khác, nên việc xây dựng lại các hệ thống cỡ số qua từng chu kỳ phát triển của kinh tế, xã hội là cần thiết.