8. Tổng quan tài liệu
1.2.3. Trải nghiệm du lịch của khách đi du lịch chủ động
Sự kỳ vọng về một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ là những gì thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm và dịch vụ (Tsaur và ctg, 2006). Hiện nay, du lịch chủ động được nhiều du khách lựa chọn và xem là cách tốt nhất để họ có thể có được chuyến du lịch theo nhu cầu nên du lịch chủ động được xem là một hình thức giúp mang lại những trải nghiệm đáng giá cho du khách.
Theo Anderson, 2007 đã phát biểu rằng: người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho trải nghiệm chất lượng và đáng nhớ. Khách du lịch có thể tự quyết định đưa ra kế hoạch về hành trình du lịch để tạo nên những trải nghiệm độc đáo theo ý định của mình, còn ngành du lịch thì có nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho những trải nghiệm đó. Qua đây khẳng định rằng, ngành du lịch cần chú trọng vào đáp ứng những yêu cầu cho những du khách đi theo hình thức chủ động trải nghiệm.
Trải nghiệm của du khách du lịch chủ động cũng giống trải nghiệm du lịch cơ bản, nó xuất hiện gắn liền thời gian và không gian xác định mà du khách tham gia. Vì thế, điều quan trọng phải biết du khách đi theo hình thức này đến những đâu và khi nào để hiểu về những trải nghiệm của họ. Khi khách
du lịch di chuyển đến và giữa các địa điểm khác nhau sẽ tạo ra mạng lưới kết nối những điểm trải nghiệm khác nhau mà họ có được tại các địa điểm đó.
Theo Olsen (2002), khách du lịch đi theo hình thức du lịch chủ động thì sự trải nghiệm của họ khác nhau. Có 3 loại khách được chỉ ra: (1) những du khách đi theo hành trình không xác định trước và dừng lại bất kỳ điểm nào mà họ cảm thấy thích thú, hài lòng, (2) những du khách có xác định điểm đầu và điểm cuối trước và giữa hành trình có thể dừng lại nhưng trong thời gian ngắn, (3) những du khách đã xác định điểm đầu, điểm cuối và đi thẳng từ điểm này đến điểm kia. Mỗi một loại khách du lịch trên sẽ có cách tự mình trải nghiệm khác nhau.
Nghiên cứu của Bansal và Eiselt (2004) cung cấp hai giai đoạn để giải thích chuỗi các quyết định của khách du lịch đi chủ động. Giai đoạn 1 là giai đoạn lập kế hoạch, trong đó du khách quyết định các thông số cơ bản liên quan đến chuyến đi của họ. Các quyết định trong giai đoạn này được thực hiện tại nhà, thường là mất một khoảng thời gian đáng kể trước chuyến đi. Giai đoạn 2 là giai đoạn các chi tiết về quyết định được thực hiện nhưng chúng có thể thay đổi. Giai đoạn này đề cập đến việc sửa đổi được thực hiện trong chuyến đi. Chẳng hạn, một du khách có thể thay đổi nơi họ đến để thăm quan, nhà hàng họ đến để ăn uống, một trung tâm thương mại để mua sắm… sau khi họ đọc được thông tin từ những phương tiện quảng cáo mà họ có được tại điểm đến hoặc tư vấn của nhân viên tại khách sạn mà họ đang lưu trú hoặc thông tin có được từ trung tâm du lịch tại điểm đến….Do đó thông tin cho khách du lịch để tham khảo trong giai đoạn 2 là quan trọng trong thị trường du lịch này. Shih (2005) cho rằng nghiên cứu trải nghiệm du lịch của khách du lịch chủ động có ý nghĩa bởi vì khách du lịch chủ động sẽ tự mình phát triển hành trình du lịch riêng, tự chủ về mặt thời gian, không gian, tài chính… tất cả đều mang những đặc điểm riêng của họ. Từ đó, những con đường mà
khách du lịch chủ động đi qua có thể là một gợi ý cho địa phương phát triển thành tuyến đường du lịch. Trong hoạch định du lịch, mỗi điểm du lịch mà khách du lịch chủ động đi qua chính là một cơ sở để chính quyền địa phương đầu tư phát triển. Với cách đó, điểm đến sẽ thiết lập các tour du lịch với các sản phẩm thích hợp nhất nhằm thỏa mãn nhu cầu cao hơn của du khách.
Vậy nghiên cứu đặc điểm cấu trúc mạng lưới gắn liền với những điểm khách du lịch tự chọn để trải nghiệm thì cách tiếp cận phân tích mạng lưới có thể coi như là một phương pháp thích hợp để đo lường những đặc điểm đó.