Lý thuyết về mạng lưới

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu mạng lưới các điểm du lịch du khách nội địa lựa chọn trải nghiệm tại điểm đến thành phố đà nẵng (Trang 30 - 39)

8. Tổng quan tài liệu

1.3.1. Lý thuyết về mạng lưới

a. Khái niệm về mạng lưới

Theo lý thuyết đồ thị, mạng là một: tập hữu hạn các điểm liên kết hoặc một vài liên kết diễn tả bởi một tập các đường (gọi là vòng cung)... được gọi là một mạng lưới. Trong mạng lưới, không hạn chế về số lượng các đường liên kết giữa bất kỳ cặp điểm nhưng trong đó chỉ có thể có một đường nối liền một điểm đến các điểm khác trong cùng một hướng, tức là không có song song. (Mitchell, 1969: 2-3)

Theo Rodolfo Baggio (2008), mạng lưới gồm các yếu tố (như con người, máy tính, các công ty) thường được biểu diễn như một sơ đồ gồm các điểm (nút hoặc đỉnh) và các đường (biểu thị bằng vòng cung hoặc cạnh) kết nối một cặp điểm xác định với nhau. Có thể hiểu theo cách đơn giản hơn, đó là một mạng lưới thường được đại diện bởi một biểu đồ trong đó các phần tử khác nhau được thể hiện bằng các nút và chúng kết nối với nhau bằng những đường thể hiện sự liên kết giữa cặp nút xác định. Một mạng lưới lớn có thể là sự kết nối của các mạng con trong đó.

Hình 1.1. Hình ảnh minh họa cho mạng lưới

b. Đặc tính của mạng lưới

Các thuộc tính mạng lưới được sử dụng để mô tả đặc trưng cho mối quan hệ giữa tập hợp các tổ chức được hình thành xung quanh những vấn đề quan trọng đối với chính sách chung của cộng đồng (Coleman & Skogstad, 1990; Wilkes & Wright, 1987). Có một số đặc tính khác nhau của mạng lưới mà các nhà nghiên cứu có thể đề cập trong các nghiên cứu của họ.

- Các tác nhân của mạng lưới: Đó là những người tham gia và quyết định kích thước của mạng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của mạng lưới. Trong nghiên cứu này, tác nhân mạng lưới chính là các điểm du lịch mà du khách lựa chọn trải nghiệm trong một điểm đến.

- Cấu trúc của mạng lưới: là một khía cạnh quan trọng khác của mạng lưới. Nó đề cập đến mô hình quan hệ giữa các nút trong mạng lưới. Các biến quan trọng của cấu trúc mạng lưới mà nghiên cứu này quan tâm bao gồm:

+ Kích thước: số lượng các tác nhân; các nút có trong mạng lưới

+ Cường độ/sức mạnh của mối quan hệ: Số lượng và sự liên tục của các tương tác theo thời gian;

+ Mật độ: mức độ mà các tác nhân được kết nối bởi các mối quan hệ; và + Tính trung tâm: là tác nhân khởi xướng chính sách hay là tác nhân có khả năng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính sách.

Các đặc tính này thường được sử dụng để mô tả cấu trúc mạng lưới mà trong đó bao gồm các kích thước đo lường được áp dụng từ phân tích mạng xã hội (Scott 2000).

c. Phân tích mạng lưới

Theo Haythornthwaite (1996) phương pháp phân tích mạng lưới (hoặc phân tích mạng xã hội) là một tiếp cận và thiết lập các kỹ thuật được sử dụng để nghiên cứu sự trao đổi các nguồn lực giữa các tác nhân trong mạng lưới như các cá nhân con người, nhóm, tổ chức, thông tin. Như trên đã đề cập, gần đây phân tích mạng lưới cũng được mở rộng ứng dụng trong nghiên cứu về trải nghiệm của du khách. Các kỹ thuật được sử dụng để phân tích các mạng là khác nhau đáng kể về các phương pháp thống kê chính. Nội dung chính của phân tích mạng lưới thường là nghiên cứu về các mối quan hệ hay hình thức liên kết giữa các tác nhân, điểm, nút.

Phân tích mạng lưới là một cách tiếp cận mới để mô tả cấu trúc của liên kết giữa các thực thể nhất định (cụ thể là các nút) và áp dụng các tiến trình định lượng để tính toán các chỉ số khác nhau nhằm đánh giá các tính năng của toàn bộ mạng lưới và vị trí của các cá nhân trong cấu trúc mạng. Do đó phân tích mạng sử dụng một tập hợp các kỹ thuật tích hợp để rút ra những mô hình quan hệ giữa các đơn vị hoạt động và phân tích cấu trúc của chúng. Các phân tích được tiến hành bằng cách thu thập dữ liệu quan hệ và tổ chức nó thành một ma trận để tính toán các thông số khác nhau như mật độ, tính trung tâm và sự phân cụm.

d. Đo lường mạng lưới

Như đã nêu, trọng tâm của phân tích mạng là nghiên cứu mô hình của các mối quan hệ. Thông tin về tầm quan trọng tương đối của các nút và các cạnh trong một biểu đồ có thể thu được thông qua các biện pháp phân tích trung tâm, được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghiên cứu. Đo lường tính trung tâm là rất cần thiết khi phân tích mạng lưới để trả lời câu hỏi như: Những nút nào trong mạng là quan trọng để đảm bảo rằng một thông điệp hoặc thông tin có thể lan truyền đến tất cả hoặc hầu hết các nút trong mạng lưới? Một điểm du lịch nào là trung tâm trong một cụm điểm du lịch? Những điểm du lịch nào là trung tâm trong một điểm đến du lịch? Những điểm nào được coi là điểm lân cận hay vùng ven hay ngoại vi?

Phân tích tính trung tâm sẽ tính toán một số thông số chính bao gồm: kích thước (size), mật độ (density), tính trung tâm (centrality), và sự phân cụm (clustering) cho thấy mức độ liên kết giữa các bên trong mạng lưới (Rowley, 1997; Burt, 1980; Galaskiewicz, 1979; Scott, 2000; Krackhardt, 1990).

- Kích thước mạng (Network Size)

Lý thuyết mạng lưới xác định kích thước của một mạng lưới là bao gồm nhiều tác nhân khác nhau (Burt 1980). Kích thước của một mạng có thể xem xét về số lượng các số nút hay tác nhân trong một mạng lưới. Nó cũng có thể được xác định (nhưng ít phổ biến hơn) bởi số cạnh của mạng lưới, thường là dao động từ một đến số lượng tối đa các cạnh có thể có trong một đồ thị hoàn chỉnh (từ 1 đến n).

- Mật độ (Density - Cc)

Là một đặc tính của tổng thể mạng lưới. Đo lường mức độ mà tất cả các tác nhân trong mạng được kết nối. Nó mô tả mức độ gắn kết toàn thể các tác nhân trong mạng

Mật độ được tính bằng tỷ lệ của số lượng các mối quan hệ thực tế của một tác nhân trên tổng số các mối quan hệ có thể có nếu mỗi tác nhân này được gắn với toàn bộ các thành viên khác (số liên kết tối đa). Một hệ thống hoàn chỉnh là một hệ thống trong đó tất cả các mối quan hệ có thể tồn tại (Rowley 1997). Nếu một mạng lưới hoàn chỉnh thì mật độ của mạng lưới là bằng 1 (De Benedictis và Tajoli, 2008). Ngoài ra mật độ có thể phân biệt giữa mật độ bên trong (in-closeness) và mật độ bên ngoài (out-closeness) tương ứng với các kết nối bên trong và bên ngoài. Khái niệm về mật độ phản ánh ý tưởng rằng một nút là trung tâm, nếu nó có thể nhanh chóng tương tác với tất cả các các nút khác.

Lý thuyết mạng cho rằng mật độ của một mạng lưới cho thấy một mức độ gần gũi của các mối quan hệ và tầm quan trọng của nó đối với những thành phần tham gia mạng lưới. Hệ quả của cấu trúc mạng lưới dày đặc sẽ đem lại sự phổ biến hơn về các giá trị, chuẩn mực và chia sẻ thông tin. Khi các mạng trở nên dày đặc hơn (tiến đến gần 1), các thông tin liên lạc (trao đổi thông tin) qua mạng trở nên thông suốt và hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi mật độ mạng tăng lên, tiềm năng cho liên minh/hợp tác hình thành tăng, đảm bảo đạt được những kỳ vọng chung về trao đổi các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động của các tổ chức.

- Tính trung tâm (Centrality):

Tính trung tâm của mạng lưới đề cập đến vị trí tương đối của một tác nhân trong mạng lưới so với những người khác. Tính trung tâm tạo điều kiện cho một tác nhân có lợi thế thu hút các nguồn lực trong mối liên kết với các tác nhân khác (Freeman 1979). Nó đo lường mức độ giao tiếp của một tác nhân trong mạng lưới (John & Cole 1998). Tính trung tâm đề cập đến nguồn lực thu được thông qua cấu trúc của mạng lưới (Rowley 1997; Barley et al 1992).

Tính trung tâm được thể hiện qua các thông số chính sau:

+ Mức độ trung tâm (degree centrality - Cd): Mức độ trung tâm của một đỉnh là tổng số lượng các liên kết thực tế của đỉnh đó với các đỉnh khác trong mạng lưới.

Trong một đồ thị có hướng ta thường định nghĩa để phân loại số lượng liên kết của một đỉnh về bậc trung tâm, cụ thể là in-degree và out-degree. Theo đó, in-degree là tổng số lượng các liên kết xuất phát từ các đỉnh khác tới đỉnh đang xem xét (tổng các liên kết đi vào một đỉnh) và out-degree là số lượng các liên kết trực tiếp mà hướng từ đỉnh đó đến những đỉnh khác trong mạng lưới (tổng các liên kết đi ra từ một đỉnh). Nếu tại một đỉnh có số liên kết từ đỉnh khác tới đỉnh đang xét (liên kết đi vào) lớn hơn số liên kết hướng từ đỉnh đó tới đỉnh khác (liên kết đi ra) thì điểm đó có thể được kết luận là điểm cuối cùng của mạng lưới. Ngược lại khi tại một đỉnh có số liên kết đi vào nhỏ hơn số liên kết đi ra thì điểm đó có thể được kết luận là bắt đầu của mạng lưới. Ngoài ra khi số lượng 2 liên kết đi vào và đi ra tại một đỉnh tương đương thì điểm này là điểm trung chuyển (hoặc trung gian) của mạng lưới.

Hình 1.2. Các liên kết đi vào và đi ra của một đỉnh

+ Khoảng cách trung tâm (Closeness centrality-Cb): thể hiện khoảng cách giữa một điểm nút với các nút khác trong mạng lưới. Các biện pháp đo lường tập trung vào khoảng cách giữa một nút với tất cả các nút khác trong tập hợp các nút (Wasserman và Faust, 1994). Nó là nghịch đảo của tổng các

độ dài đường đi ngắn nhất từ một đỉnh i đang xem xét tới các đỉnh còn lại (n- 1) trong mạng lưới.

Đây là một phép đo trên tổng thể toàn bộ mạng lưới để tính toán khoảng cách gần gũi với tất cả các nút còn lại trong mạng lưới, nó không chỉ thể hiện việc kết nối ngay lập với các nút bên cạnh như như độ trung tâm degree centrality (Degenne &Force 1999).

Chỉ số Closeness centrality có ý nghĩa đo lường tốc độ lan truyền thông tin từ một đỉnh đến những nút khác bằng việc sử dụng các đường đi ngắn nhất trong mạng lưới (Noh và Rieger, 2004). Một đỉnh là trung tâm trên tổng thể mạng lưới nếu khoảng cách của nó đến các đỉnh khác là nhỏ. Nói cách khác, khoảng cách giữa nút i và các nút khác là ngắn hơn. Các nút có vai trò trung tâm cao có tầm quan trọng về phạm vi và mức độ ảnh hưởng trong việc khuếch tán thông tin trong mạng lưới.

Hình 1.3. Khoảng cách trung tâm

+ Vị trí trung tâm (Between centrality -Cb): đo lường mức độ trung tâm mà một nút nằm giữa các nút khác trong tập hợp các nút của mạng lưới (Scott, 2000). Nó định lượng số lần một nút (i) hoạt động như một cầu nối dọc theo đường đi ngắn nhất kết nối giữa hai nút khác trong mạng lưới. Hay nói cách khác là xác định tầm quan trọng tương đối của một nút bằng cách đo lưu lượng các liên kết chảy qua nút đó đến các nút khác trong mạng.

Vị trí trung tâm của một đỉnh (Between centrality) là cao khi có một xác suất xảy ra lớn về sự lựa chọn ngẫu nhiên con đường ngắn nhất giữa hai đỉnh bất kỳ, do đó nó tạo ra sự kiểm soát nguồn thông tin liên lạc giữa các nhân tố khác trong mạng lưới (Linton Freeman).Trong thực tế, các tác nhân bên ngoài mạng lưới có thể giao tiếp hoặc trao đổi nguồn lực với các bộ phận khác của hệ thống chỉ bằng cách đi qua các tổ chức đầu mối hay các đỉnh trung tâm, trong đó các tổ chức đầu mối có thể kiểm soát dòng chảy tất cả các tài nguyên trong đó.

Hình 1.4. Between centrality của mạng

Tác nhân có vị trí trung tâm cao trong mạng là những người có vai trò quan trọng ra quyết định và thẩm định, và là những tác nhân chủ chốt để hiểu sự lưu thông của các ý tưởng, thông tin và các quyết định hoạt động chung của mạng (John & Cole 1998). Các lý thuyết mạng cũng cho thấy rằng tác nhân là trung tâm hơn trong một mạng có nhiều ảnh hưởng hơn (liên quan đến tính hợp pháp tăng) so với những tác nhân ở vùng ngoại vi của mạng lưới.

Scott (2000) định nghĩa các tác nhân có tính trung tâm cao có thể được coi là những tác nhân “trung gian” ('brokers') hoặc “người giữ cổng” ('gatekeepers') có khả năng để kiểm soát người khác. Những tác nhân 'trung gian' có nghĩa là người tạo điều kiện để giúp liên kết với các tác nhân khác ít trung tâm hơn. Tính trung tâm xem xét mức độ mà một tổ chức hoạt động có quyền kiểm soát khả năng truy cập của một nút đến các nút khác trong mạng lưới (Borgatti và Everett 2006). Tính trung tâm cũng đề cập đến sức mạnh của

một nhà hoạt động du lịch đạt được thông qua cấu trúc mạng lưới, khác với sức mạnh đạt được thông qua các thuộc tính cá nhân (Rowley,1997).

Đôi khi, có sự tồn tại của một "lỗ hổng cấu trúc" (structural hole) trong mạng lưới. Nó cho phép các tác nhân hoạt động như một nhà trung gian. Burt (1992) mô tả một lỗ hỗng cấu trúc như là sự vắng mặt của một liên kết giữa hai tác nhân. Khi hai tác nhân không trực tiếp liên kết và phụ thuộc vào một tác nhân thứ ba để có được liên kết, các tác nhân thứ ba đóng vai trò như một nhà trung gian.

Hình 1.5. Between centrality và structural hole của mạng lưới

Trong hình trên, điểm M, G nằm giữa rất nhiều cặp điểm trong đồ thị. Tính betweenness centrality của một điểm đo lường mức độ mà một tác nhân có thể đóng vai một "nhà trung gian" hay "người gác cổng" để kiểm soát các tác nhân khác. Do đó, G có thể được hiểu như là một trung gian thiết lập liên kết giữa đỉnh A tới B, còn điểm M đóng vai trò tương tự cho hai điểm B và C. Một điểm là phụ thuộc vào tác nhân khác nếu những con đường mà nó kết nối với các đỉnh khác đi qua điểm này. Trong hình trên, đỉnh E phụ thuộc vào đỉnh A nếu muốn liên kết đến các đỉnh khác trong mạng lưới; và nó cũng phụ thuộc vào đỉnh G, B, M, C nhưng với một mức độ thấp hơn.

* Việc tìm nút trung tâm nhất là quan trọng bởi vì: Nó có thể giúp phổ biến thông tin trong mạng lưới một cách nhanh chóng; nó có thể giúp ngăn chặn các yếu tố, nguy cơ gây hại xâm nhập mạng lưới (các lỗ hổng cấu trúc

của mạng lưới) và nó có thể giúp bảo vệ mạng lưới khỏi bị phá vỡ, củng cố các liên kết ngày càng bền vững hơn.

- Hệ số phân nhóm (Clustering coefficient)

Trong một đồ thị vô hướng, một thông số mô tả các kết nối trong một khu lân cận của một đỉnh nào đó gọi là hệ số phân nhóm. Burt (1980) định nghĩa phân cụm là một tập hợp các tác nhân trong một mạng lưới có kết nối mạnh bởi các mối quan hệ chặt chẽ.

Hệ số phân nhóm được tính bằng tỷ lệ giữa số liên kết thực tế của các kết nối trong khu vực lân cận của một nút và số lượng tối đa có thể có của các liên kết trong khu vực đó. Sự hình thành các liên kết phân nhóm dày đặc (các mạng con) của mạng lưới đã được ghi nhận trong nhiều hệ thống du lịch (Provan và Sebastian 1998; Wilkinson 1976).

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu mạng lưới các điểm du lịch du khách nội địa lựa chọn trải nghiệm tại điểm đến thành phố đà nẵng (Trang 30 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)