Lý thuyết mạng lưới ứng dụng trong nghiên cứu trải nghiệm của du

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu mạng lưới các điểm du lịch du khách nội địa lựa chọn trải nghiệm tại điểm đến thành phố đà nẵng (Trang 39 - 42)

8. Tổng quan tài liệu

1.3.2. Lý thuyết mạng lưới ứng dụng trong nghiên cứu trải nghiệm của du

của du khách tại điểm đến

Lý thuyết mạng lưới đầu tiên được ứng dụng khá phổ biến trong nghiên cứu sự hợp tác giữa các bên liên quan trong các điểm đến du lịch (Scott, Cooper & Baggio, 2008; Baggio, 2007; Scott, Cooper, & Baggio, 2007) và nghiên cứu phối hợp giữa các trang web trong tiếp thị điểm đến (Baggio, Antonioli Corigliano & Tallinucci, 2007; Baggio, Scott, & Wang, 2007; Baggio, 2007). Gần đây lý thuyết mạng lưới đã được tiếp cận để nghiên cứu sự trải nghiệm của du khách tại một điểm đến. Các nghiên cứu của Fesenmaier và các đồng nghiệp (Hwang & Fesenmaier, 20d03; Hwang, Gretzel, & Fesenmaier, 2006; Jeng & Fesenmaier, 1998; kim & Fesenmaier, 1990; Lue, Crompton, & Fesenmaier, 1993) đều cho rằng du lịch có thể được xác định là một loạt các trải nghiệm xảy ra trong điểm đến cụ thể tùy thuộc vào việc tổ chức các điểm tham quan và các yếu tố về nhu cầu, động cơ của

khách du lịch. Những trải nghiệm du lịch tại một điểm đến xảy ra trong một thời gian và không gian xác định nên được kết nối thông qua chuyến hành trình di chuyển tại các điểm du lịch khác nhau của du khách ở điểm đến đó. Các nghiên cứu về trải nghiệm thường quan tâm đến thời gian trải nghiệm tại các vị trí du lịch, việc sử dụng nguồn để tìm kiếm thông tin cho trải nghiệm. Nghiên cứu của Shoval (2008) cho thấy rằng một số điểm được du khách lưu lại trong khoảng thời gian dài, trong khi một số điểm khác họ chỉ ở rất ngắn. Điều này được lý giải bởi sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ cũng như thông tin có được ở đó. Một số các nghiên cứu bàn đến sự thay đổi hành trình du lịch để trải nghiệm so với kế hoạch đã thiết lập. Theo Clark và Doherty (2010), nhiều sự khác biệt về các tuyến đường du lịch giữa kế hoạch đã được du khách thiết lập từ trước và thực tế thực hiện tại điểm đến do họ lập lại kế hoạch khi có được những trải nghiệm thực tế ở đây. Nghiên cứu của Pettersson và Zillinger (2011) cũng cho rằng sự thay đổi hành trình thực tế của du khách được kết nối với những trải nghiệm của họ về thời gian và không gian.

Sự dịch chuyển của du khách tại các vị trí du lịch ở một điểm đến xác định gần đây đã được tiếp cận nghiên cứu theo lý thuyết về mạng lưới (Zach và Gretzel, 2012; Shih, 2005). Những trải nghiệm của du khách là sự tương tác của du khách với cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và môi trường của điểm đến. Hệ thống tiêu dùng của du khách được xác định là phức tạp và đa dạng từ những hoạt động của du khách mà nó tồn tại trong một mạng lưới cung ứng liên quan nhiều yếu tố về dịch vụ lưu trú, vận chuyển, những yếu tố thu hút (Woodside và Dubelaar, 2002). Vì thế việc hiểu biết về hành trình du lịch của du khách suốt hệ thống tiêu dùng đó là quan trọng đối với việc phát triển chiến lược quản lý điểm đến cũng như phát triển hệ thống công nghệ thông tin đặc biệt là công nghệ di động trong bối cảnh mạng lưới internet không dây mà

du khách có thể truy cập miễn phí trong toàn bộ của nhiều điểm đến. Các nghiên cứu (Zach và Gretzel, 2012; Shih, 2005) đã xác định cấu trúc mạng lưới các điểm du lịch du khách trải nghiệm và thảo luận về những đặc điểm của mạng lưới đó (chẳng hạn như: điểm cốt lõi, vị trí trung tâm, vị trí lân cận…).

Với kết quả phân tích mạng lưới về các điểm du khách lựa chọn trải nghiệm, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị liên quan đến xác định các vị trí, loại hình cơ sở du lịch, hệ thống IT để cung cấp cho du khách và hoạt động marketing cho điểm đến.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Khách nội địa trải nghiệm du lịch theo hình thức chủ động ngày càng phát triển và phân tích mạng lưới được ứng dụng khá nhiều vào các lĩnh vực khác nhau theo xu hướng chung. Tuy nhiên, những khái niệm này vẫn còn tương đối mới mẻ với những nghiên cứu ở Việt Nam. Trong chương này, phần lớn nội dung đề cập đến sẽ làm rõ khái niệm khách du lịch nội địa đi theo hình thức chủ động, trải nghiệm du lịch và ý nghĩa của trải nghiệm du lịch… Bên cạnh đó, nội dung cũng đề cập một cách chi tiết về lý thuyết mạng lưới với những đặc tính và các thông số đo lường cũng như lý thuyết mạng lưới ứng dụng vào trong nghiên cứu trải nghiệm của du khách tại điểm đến. Toàn bộ nội dung ở chương này là cơ sở lý thuyết để căn cứ cho nội dung ở các chương sau.

CHƯƠNG 2

THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) nghiên cứu mạng lưới các điểm du lịch du khách nội địa lựa chọn trải nghiệm tại điểm đến thành phố đà nẵng (Trang 39 - 42)