Nâng cao năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục tỉnh quảng bình (Trang 88 - 91)

6. Tổng quan các nghiên cứu

3.2.2. Nâng cao năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực

Năng lực của người lao động thể hiện qua kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng và hành vi thái độ người lao động. Muốn nâng cao năng lực người lao động phải nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cho người lao động và điều ấy chỉ có thể thực hiện được thông qua đào tạo. Vì vậy nên thời gian tới ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Bình phải chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ giáo viên dạy phổ thông của tỉnh; quá trình triển khai thực hiện phải chú ý các nội dung sau:

a. Xác định mục tiêu, nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên

Xác định mục tiêu đào tạo là việc nhắm tới cái đích cuối cùng cần đạt được của đối tượng cần được đào tạo, cụ thể hơn là kết quả cần đạt được của đối tượng được đào tạo sau khi kết thúc khóa học. Việc xác định mục tiêu đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo sự phù hợp giữa yêu cầu công việc với tiêu chuẩn cần có của người lao động, giúp cho người lao động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công việc cụ thể được giao.

Xác định mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên dạy phổ thông phải xuất phát từ mục tiêu phát triển đội ngũ giáo viên dạy phổ thông của tỉnh Quảng Bình, từ điều kiện, tiêu chuẩn và yêu cầu thực tế các công việc cụ thể ở từng vị trí việc làm. Mục tiêu đào tạo phải rõ ràng, chính xác và cụ thể, có khả năng đo lường và thực hiện được. Trên cơ sở mục tiêu đào tạo, thực trạng đội ngũ giáo viên hiện có và quy mô, cơ cấu ngành nghề chuyên môn cần đào tạo được dự báo trong tương lai, cần phải xác định những ngành nghề quan trọng, cần thiết, có nguồn cung và nhu cầu nhiều hay ít, đối chiếu với số lượng và

trình độ chuyên môn, trình độ các kiến thức phụ trợ khác của đội ngũ giáo viên để tiến hành xác định nhu cầu đào tạo và đối tượng đào tạo.

Khi xác định nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên dạy phổ thông yêu cầu phải xác định khi nào, ở cấp học nào, ngành học nào, địa bàn công tác nào cần phải đào tạo và phải đào tạo trình độ, nội dung kiến thức gì, cho loại giáo viên nào với số lượng bao nhiêu người. Nhu cầu đào tạo phải dựa trên cơ sở phân tích nhu cầu về giáo viên của bậc học, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc thực hiện công việc và phân tích trình độ kiến thức, kỹ năng hiện có của đội ngũ giáo viên.

b. Xác định đối tượng, thời gian và định hướng nội dung đào tạo đội ngũ giáo viên

Trên cơ sở nhu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên, tác dụng tích cực của việc đào tạo đối với đội ngũ giáo viên, động cơ và khả năng nghề nghiệp của người lao động, ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình cần xác định và có kế hoạch cụ thể để cử giáo viên đi đào tạo, đảm bảo về thời gian, tiến độ thực hiện, yêu cầu của công việc và nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên. Nội dung đào tạo cần được xác định cụ thể đối với từng đối tượng để chuẩn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và tạo động cơ thúc đẩy người lao động làm việc. Đối tượng, thời gian và nội dung đào tạo đội ngũ giáo viên dạy phổ thông tỉnh Quảng Bình cụ thể như sau:

- Đào tạo ngắn hạn về các kiến thức phụ trợ như nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tin học, lý luận chính trị, quản lý nhà nước... thời gian dưới 03 tháng (tổ chức vào mùa hè, tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh) cho số giáo viên chưa có trình độ các mặt kiến thức này.

- Đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thời gian từ 03 tháng đến dưới 01 năm tại chính cơ sở nơi lao động đang làm việc và các cơ sở trong,

ngoài nước cho số giáo viên mới vào nghề, số lao động giỏi, nòng cốt, có tâm huyết với nghề nghiệp.

- Đào tạo chuẩn hóa, thời gian từ 01 năm trở lên tại các cơ sở trong nước cho số giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn quy định nhưng vẫn còn khả năng đào tạo, sử dụng lâu dài và đào tạo trên trình độ chuẩn tại các cơ sở trong và ngoài nước cho số giáo viên còn trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, có khả năng phát triển, để tạo nguồn giáo viên giỏi, nòng cốt sau này.

c. Phương pháp đào tạo nguồn nhân lực

- Đào tạo trong công việc: Đào tạo trong công việc là phương pháp đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc, trong đó người học sẽ học được những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc thông qua thực tế thực hiện công việc và thường là dưới sự hướng dẫn của những người lao động lành nghề hơn. Trong 4 phương pháp thuộc nhóm này, tác giả cho rằng chỉ có kèm cặp và chỉ bảo là có thể áp dụng cho đối tượng là giáo viên dạy phổ thông và chủ yếu là giáo viên đang trong thời gian tập sự, thử việc. Theo đó các giáo viên trẻ sẽ được những người có thâm niên và trình độ cao hơn kèm cặp, chỉ bảo, hướng dẫn cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm, trong quá trình tập sự hoặc ngay cả khi đã bắt đầu trực tiếp đứng lớp. Đối với những giáo viên đang tập sự chưa từng đứng lớp hoặc những giáo viên đang chuẩn bị cho việc chuyển sang giảng dạy một lĩnh vực khác, đây là một phương pháp rất hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi trong lĩnh vực được đào tạo phải có người đủ khả năng làm hướng dẫn (không áp dụng được đối với việc đào tạo giáo viên để giảng dạy một lĩnh vực mới) và việc áp dụng phương pháp này đối với những giáo viên đã có một quá trình giảng dạy nhất định thì tốn thời gian mà không hiệu quả.

- Đào tạo ngoài công việc: Đào tạo ngoài công việc là phương pháp đào tạo trong đó người học được tách ra khỏi sự thực hiện các công việc thực tế.

Do đặc thù công việc của đội ngũ giáo viên dạy không phải thường xuyên có mặt tại trường nên việc áp dụng các phương pháp ngoài công việc để đào tạo và phát triển rất thuận lợi; các phương pháp thường sử dụng là: Mở các khoá đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn; cử đi đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ; tổ chức hay cử đi tham gia các hội nghị, hội thảo; tổ chức trao đổi, sinh hoạt chuyên môn, tọa đàm khoa học; tổ chức đi khảo sát thực địa.

Qua 2 nhóm phương pháp đào tạo và phát triển trên cho thấy nhóm đào tạo trong công việc chỉ có một phương pháp có thể sử dụng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy nhưng chủ yếu chỉ tập trung áp dụng đối với những giáo viên trẻ đang tập sự, trong khi nhóm đào tạo ngoài công việc lại có nhiều phương pháp linh hoạt hơn, phù hợp để đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên dạy phổ thông ở tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, việc kèm cặp, hướng dẫn đối với giáo viên đang trong thời gian tập sự cũng hết sức quan trọng vì nó giúp cho họ có thể thực hiện tốt những bước đi đầu tiên trong nghề nên đây có thể coi là phương pháp thiết yếu đối với những giáo viên đang tập sự, thử việc ở lĩnh vực công tác này.

d. Đổi mới các loại hình đào tạo

Đổi mới công tác đào tạo sẽ phát triển và làm thay đổi cơ cấu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên. Vì vậy ngành giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Bình cần chú trọng gắn đào tạo với sử dụng, coi đào tạo là yêu cầu bắt buộc trong việc đề bạt thăng tiến, khuyến khích người giáo viên tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với công việc. Xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân sau khi tham gia đào tạo và có chính sách ưu đãi cho giáo viên đã hoàn tất các khoá đào tạo.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục tỉnh quảng bình (Trang 88 - 91)