Phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục tỉnh quảng bình (Trang 33 - 35)

6. Tổng quan các nghiên cứu

1.2.2.Phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực

Theo nghĩa tương đối hẹp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động được hiểu là cấp bậc đào tạo hay trình độ chuyên môn được đào tạo để người lao động thực hiện các nhiệm vụ cụ thể do tổ chức phân công.

Theo nghĩa rộng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động là toàn bộ những năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi) về một lĩnh vực cụ thể nắm vững được bởi cá nhân người lao động, sự phối hợp những năng lực đó hợp thành tổng thể thống nhất cho phép thực hiện một số công việc hoặc hoạt động cụ thể cho một phạm vi nghề nghiệp nhất định. Như vậy trình độ chuyên môn nghiệp vụ không chỉ thuần tuý là kiến thức chuyên môn, mà nó bao gồm các kiến thức về văn hoá, tâm lý, xã hội, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ...Do vậy bên cạnh việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học...), việc mở các lớp bồi dưỡng về

kiến thức xã hội, tâm lý, sư phạm, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc...là rất cần thiết để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động.

Phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ là nâng cao trình độ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại, mục tiêu chiến lược trong tương lai và được thể hiện bằng kết quả tham gia hoạt động thực tế của người lao động trong ngành nghề đó. Nó là kết quả của quá trình đào tạo, phát triển và kinh nghiệm tích luỹ theo thời gian, trong đó chủ yếu là thông qua đào tạo.

Phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ có ý nghĩa trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong lao động. Đây là nội dung quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Muốn phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm đào tạo nâng cao và cập nhật kiến thức cho mọi đối tượng người lao động trong tổ chức.

Do vậy để phát triển nguồn nhân lực của tổ chức cần phải quan tâm đến chất lượng của nguồn nhân lực, tức là phải nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người lao động. Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phải tiến hành đào tạo nguồn nhân lực. Đến lượt nó việc đào tạo nguồn nhân lực phải căn cứ vào mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức để xác định nội dung cho phù hợp.

Để đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực người ta thực hiện thông qua các chỉ tiêu chủ yếu sau:

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của từng loại lao động.

- Tỷ lệ % của từng loại lao động có cấp bậc, trình độ đào tạo trong tổng số lao động đã qua đào tạo.

Qua các chỉ tiêu trên có thể phát hiện ra những bất hợp lý về cơ cấu cấp bậc đào tạo, sự chênh lệch về trình độ chuyên môn kỹ thuật, từ đó có cơ sở

điều chỉnh kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật nguồn nhân lực của từng bộ phận, đơn vị.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phát triển nguồn nhân lực ngành giáo dục tỉnh quảng bình (Trang 33 - 35)