Lý thuyết đại diện (Agency theory)

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận tại các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 36 - 38)

7. Tổng quan nghiên cứu

1.2.1. Lý thuyết đại diện (Agency theory)

Lý thuyết này đã xây dựng đầu tiên bởi Ross (1973), sau này được Jensen và Meckling (1976) phát triển thêm. Lý thuyết này nghiên cứu mối quan hệ giữa bên ủy nhiệm (principal) và bên được ủy nhiệm (agent) thông qua hợp đồng, bên được ủy nhiệm thực hiện một số công việc đại diện cho bên ủy nhiệm. Trong DN mối quan hệ ủy quyền chủ yếu là giữa cổ đông và nhà quản lý. Với phần lớn các công ty đại chúng niêm yết, vấn đề đại diện ngày càng thể hiện rõ rệt vì đa số các công ty đều thuê quản lý và thông thường những người này thường chỉ sở hữu một phần nhỏ cổ phiếu. Lý thuyết đại diện cho rằng xung đột sẽ phát sinh khi có thông tin không đầy đủ và bất cân xứng giữa chủ thể và đại diện trong công ty. Cả hai bên có lợi ích khác nhau và vấn đề này được giảm thiểu bằng cách sử dụng các cơ chế thích hợp để có thể hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa cổ đông và người quản lý công ty, thông qua thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho các nhà quản trị, và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người quản lý công ty.

• Chi phí giám sát (Monitoring cost): Là những chi phí do người chủ trả để đo lường, giám sát và kiểm tra hoạt động của người đại diện, như chi phí

kiểm toán. Chi phí này có thể gồm các chi phí cho hoạt động kiểm tra giám sát, chi phí ký kết hợp đồng bồi hoàn và cuối cùng là chi phí sa thải đối với người đại diện. Ban đầu những chi phí này do người chủ trả, nhưng Fama và Jensen (1983) cho rằng cuối cùng thì đây là chi phí do người đại diện gánh chịu vì các khoản tiền lương, tiền thưởng, các ưu đãi khác của họ sẽ bị điều chỉnh để bù đắp những chi phí này.

• Chi phí ràng buộc (Bonding cost): Chi phí để thiết lập một bộ máy có thể tối thiểu những hành vi không mong muốn, như bổ nhiệm những thành viên bên ngoài vào ban điều hành hay tái thiết lập hệ thống tổ chức của công ty. Giả sử rằng người đại diện là người cuối cùng gánh chịu chi phí giám sát, rằng họ có thể xây dựng hệ thống hoạt động vì mục tiêu tối đa lợi nhuận cho cổ đông, hoặc họ sẽ chịu bồi thường nếu họ vi phạm các điều khoản của hợp đồng đại diện, khi đó chi phí thiết lập và giữ vững hệ thống hoạt động này được gọi là chi phí ràng buộc.

• Chi phí cơ hội (Residual loss): Là chi phí phát sinh khi các cổ đông thuê người đại diện và buộc phải đưa ra các hạn chế, ví dụ những thiệt hại do người đại diện lạm dụng quyền được giao để tư lợi, những thiệt hại do việc đặt ra quy định đối với quyền bỏ phiếu của cổ đông về những vấn đề cụ thể, thiệt hại từ những biện pháp kiểm soát hoạt động của người đại diện. Bất chấp việc giám sát và sự ràng buộc, lợi ích của người đại diện và cổ đông vẫn không chắc chắn hoàn toàn đồng nhất. Vì vậy, vẫn có thiệt hại do vấn đề người đại diện phát sinh từ mâu thuẫn lợi ích. Những thiệt hại đó được gọi là chi phí cơ hội.

Theo các nghiên cứu về chất lượng lợi nhuận, ban lãnh đạo thường công bố lợi nhuận cao nhằm đạt mức lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh và đồng thời giữ giá cổ phiếu khi họ cũng là những cổ đông lớn. Phần lớn các kế

hoạch khen thưởng này dựa trên các con số kế toán, do đó họ sẽ tìm cách tác động vào lợi nhuận thông qua vận dụng chính sách kế toán để đạt được mục đích được hưởng lợi cá nhân của mình.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận tại các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)