7. Tổng quan nghiên cứu
3.2.4. Phân tích kết quả nghiên cứu
Như tác giả đã trình bày ở phần trên, trong luận văn này biến phụ thuộc – Chất lượng lợi nhuận được đo lường thông qua biến kế toán dồn tích theo mô hình của Jones điều chỉnh. Bên cạnh đó, mục tiêu chính của nghiên cứu này là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận thông qua bằng chứng dữ liệu thực nghiệm tại Việt Nam. Tổng hợp kết quả có thể thấy tất cả 6 nhân tố tác giả đề cập ở trên đều ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận
bao gồm: Độc lập HĐQT, tần suất cuộc họp HĐQT, sự tập trung quyền sở hữu cổ phần quản lý, quy mô doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính, tăng trưởng và đầu tư.
-Nhóm nhân tố liên quan đến quản trị và kiểm soát
+ Đối với kết quả kiểm định giả thuyết H1, công ty có tính độc lập của HĐQT càng cao thì chất lượng lợi nhuận càng cao, biến độc lập của HĐQT (BIN) trong luận văn này được tác giả đo lường bằng tỷ lệ % thành viên % thành viên HĐQT không điều hành trực tiếp công ty, vì vậy, tỷ lệ này càng cao thì tính độc lập càng cao. Theo bảng 3.9, kết quả kiểm định mô hình Jones (1995) ủng hộ giả thuyết này, nghĩa là tính độc lập của HĐQT càng cao thì chất lượng lợi nhuận càng cao. Kết quả này cũng giống với khá nhiều các nghiên cứu trước như Beasley (1996), Klein (2002), Abbott và cộng sự (2004), Krishnan (2005), Vafeas (2005), Farber (2005) cho rằng tính độc lập của HĐQT càng cao thì chất lượng lợi nhuận càng cao nhưng khác với một số các nghiên cứu như Abed và các cộng sự (2012), Ahmed (2013) thì không có mối quan hệ tác động. Ngoài ra, theo kết quả của nghiên cứu Alves (2014) cho thấy tính độc lập của HĐQT có tác động ngược chiều chất lượng lợi nhuận. Liên hệ với thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc gia tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập cũng góp phần làm giảm sự can thiệp của các thành viên trong ban điều hành cũng như là thông đồng trong HĐQT với nhau, từ đó góp phần nâng cao chất lượng lợi nhuận.
+ Giống như kết quả kiểm định của giả thuyết H1, theo số liệu trong bảng 3.9 ở trên, đối với giả thuyết H2 công ty có tần suất cuộc họp HĐQT càng cao thì chất lượng lợi nhuận càng cao, mô hình Jones (1995) cho kết quả ủng hộ giả thuyết và kết quả cho thấy mức độ thường xuyên của các cuộc họp của HĐQT tại các công ty thuộc ngành xây dựng niêm yết trên TTCK Việt Nam có ảnh hưởng thuận chiều đến chất lượng lợi nhuận, kết quả này cũng
giống với nghiên cứu của Hassan (2013). Còn theo Ahmed (2013), Qinghua và các cộng sự (2007) không tìm thấy mối liên hệ giữa nhân tố này với chất lượng lợi nhuận.
+ Biến sự tập trung sở hữu cổ phần quản lý (MAO) theo kết quả trong bảng 3.9 cho thấy có ý nghĩa về mặt thống kê và có sự tác động thuận chiều đến chất lượng lợi nhuận. Điều này chứng tỏ khi BGĐ nắm giữ 1 số lượng cố định cổ phiếu trong công ty thì khả năng chi phối về lợi ích cá nhân của HĐQT sẽ không cao thì lợi nhuận sẽ được phản ánh 1 cách trung thực hơn. Nghiên cứu của Houqe và các cộng sự (2010) cũng cho kết quả tương tự, ngược lại với nghiên cứu của Hassan (2013) và không tìm thấy mối liên hệ với nghiên cứu của Qinghua và các cộng sự (2007).
-Nhóm nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty
+ Theo bảng 3.9 ở trên thì biến quy mô doanh nghiệp (SIZE) có ý nghĩa thống kê và có tác động ngược chiều đến chất lượng lợi nhuận. Điều này cho thấy các công ty các công ty lớn thường “làm mượt” lợi nhuận nhằm thu hút các nhà đầu tư, chứng tỏ đã có sự điều chỉnh lợi nhuận thông qua biến kế toán dồn tích nhằm làm sai lệch thông tin lợi nhuận trên BCTC. Kết quả này cũng giống với khá nhiều nghiên cứu trước như Jensen và Meckling (1976), Watts và Zimmerman (1986), Kinney và McDaniel (1989), Ge và McVay (2005), Doyle et al (2007), Ashbaugh-Skaife và cộng sự (2007) cho rằng quy mô doanh nghiệp càng lớn thì chất lượng lợi nhuận càng thấp nhưng khác với nghiên cứu của Ball and Foster (1982) cho kết quả ngược lại.
+ Giả thuyết H5 - Công ty có đòn bẩy tài chính càng cao thì chất lượng lợi nhuận càng thấp. Theo kết quả bảng 3.9 cho thấy, kết quả của mô hình Jones (1995) ủng hộ giả thuyết này. Theo lý giải các lý thuyết ủy nhiệm, lý thuyết tín hiệu các công ty đòn bẩy tài chính càng cao nghĩa là tình trạng nợ nần lớn, để tạo niềm tin tốt đối với bên cho vay, các công ty này có khả năng
báo cáo lợi nhuận cao hơn số thực, vì vậy chất lượng lợi nhuận báo cáo sẽ không cao và theo bằng chứng thực nghiệm của các công ty ngành xây dựng niêm yết trên TTCK tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự. Kết quả này cũng giống với nghiên cứu trước dây của Watts và Zimmerman (1986), còn DeAngelo et al. (1994) lại không tìm thấy tác động của nhân tố này đối với chất lượng lợi nhuận.
+ Biến tăng trưởng và đầu tư (GROW) cho ý nghĩa thống kê và có sự tác động ngược chiều đến chất lượng lợi nhuận giống như với kì vọng của tác giả. Theo kết quả bảng 3.8 ở trên mô hình Jones (1995) cũng ủng hộ giả thuyết này. Điều này chứng tỏ các công ty xây dựng niêm yết luôn tìm cách thổi phồng lợi nhuận để thể hiện sự tăng trưởng nhằm thu hút sự đầu tư của các đối tượng quan tâm. Kết quả này cũng được tìm thấy ở nghiên cứu của Nissim và Penman (2001) Penman và Zhang (2002), Richardson và cộng sự (2005).
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Từ mô hình nghiên cứu trong chương 2, kết hợp phương pháp nghiên cứu đã trình bày đã giúp xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận các công ty niêm yết. Cũng trong chương này, qua kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các nhân tố đưa vào mô hình kiểm định đều có ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận. Kết quả của nghiên cứu này cũng là cơ sở giúp tác giả đề xuất một số kiến nghị đối với các đối tượng liên quan đến việc lập và trình bày, sử dụng và quản lý chất lượng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay.
Nội dung chương 3 trên đây là cơ sở khoa học quan trọng để tác giả đưa ra nhận xét và đề xuất một số kiến nghị hữu ích nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận được tác giả trình bày trong chương kế tiếp dưới đây.
CHƯƠNG 4
HÀM Ý CHÍNH SÁCH TỪ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Một trong những mục tiêu chính của luận văn này đó là dựa trên kết quả nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận để từ đó tác giả đề xuất một số kiến nghị đối với các đối tượng có liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, các DN niêm yết, các chủ sở hữu vốn cũng như các đối tượng khác sử dụng thông tin lợi nhuận như các nhà đầu tư, ngân hàng, các chủ nợ...nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận đối với các công ty niêm yết. Một nội dung khá quan trọng khác nữa là dựa trên kết quả nghiên cứu về sự tác động của các nhân tố đến chất lượng lợi nhuận, tác giả cũng đề xuất một số điểm cần lưu ý cho các đối tượng sử dụng thông tin lợi nhuận với các mục đích tương ứng để có thể thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định có liên quan. Nội dung của chương này bao gồm:
- Nhận xét chung.
- Đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận của các công ty niêm yết thuộc ngành xây dựng trên TTCK Việt Nam.
- Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo