7. Tổng quan nghiên cứu
1.3. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG LỢI NHUẬN
1.3.1. Các nhân tố liên quan đến đặc điểm doanh nghiệp
a. Quy mô doanh nghiệp
Quy mô doanh nghiệp sẽ quyết định khối lượng các giao dịch về doanh thu và chi phí và có thể quyết định cả giá trị của từng giao dịch. Trong mỗi giao dịch đó, mỗi sự lựa chọn khác nhau trong giới hạn của chế độ kế toán sẽ cho ra kết quả khác nhau. Vậy nên số lượng và quy mô các giao dịch trong kỳ sẽ quyết định mức độ biến động về lợi nhuận mỗi khi có lựa chọn kế toán xảy ra.
Các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng có mối quan hệ giữa quy mô doanh nghiệp và chỉ số lợi nhuận, nhưng mối quan hệ ở mỗi nghiên cứu là không giống nhau.
Một lập luận chỉ ra rằng quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận bởi vì doanh nghiệp lớn có các hoạt động kinh doanh phức tạp hơn các doanh nghiệp nhỏ, bởi vì doanh nghiệp lớn hơn sẽ lựa chọn những phương pháp kế toán điều chỉnh lợi nhuận nhằm đáp ứng những chính sách của doanh nghiệp (Jensen and Meckling, 1976; Watts and Zimmerman, 1986). Hơn nữa, Moses (1987) cho rằng quy mô doanh nghiệp và cố phiếu trên thị trường có liên quan đến sự thay đổi phương pháp kế toán để che giấu lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng quy mô doanh nghiệp tương ứng với chất lượng lợi nhuận do chi phí cố định liên quan đến việc duy trì quy trình kiểm soat nội bộ thông qua các báo cáo tài chính (Ball và Foster, 1982). Các doanh nghiệp nhỏ thiếu kiểm soát nội bộ, thường ít bị chú ý từ các
nhà phân tích, chính phủ nên họ thường có xu hướng chỉnh sửa các khoản lợi nhuận đã được báo cáo trước đây (Kinney và McDaniel, 1989; Ge và McVay, 2005; Doyle et al, 2007a; Ashbaugh-Skaife và cộng sự, 2007).
b. Đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính là khái niệm dùng để chỉ sự kết hợp giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trong việc điều hành chính sách tài chính của doanh nghiệp.
Quyết định tài trợ là một trong ba quyết định quan trọng trong tài chính doanh nghiệp. Quyết định này liên quan đến việc lựa chọn nguồn vốn để cung cấp cho các quyết định đầu tư. Đòn bẩy tài chính xuất hiện khi công ty quyết địnhtài trợ cho phần lớn tài sản của mình bằng nợ vay.
Nếu đòn bẩy cao là dấu hiệu cho thấy một doanh nghiệp cận kề giới hạn nợ đã định trong giao ước nợ thì các nhà quản lý trong các công ty có thể sẽ hành động để tăng lợi nhuận hoặc vận dụng các báo cáo tài chính để tránh vi phạm giao ước (Watts và Zimmerman, 1986). Hành động như vậy có thể làm giảm chất lượng lợi nhuận cho các quyết định khác. Có bằng chứng đáng kể cho thấy mức độ nợ có liên quan đến các phương pháp kế toán khác nhau của chất lượng lợi nhuận. Các nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp kế toán trực tiếp hơn về sự vi phạm giao ước, cũng như hỗ trợ cho giả thuyết giao ước nợ cho các lựa chọn kế toán (Sweeney, 1994), dồn tích bất thường (DeFond và Jiambalvo, 1994) và việc đánh bại mục tiêu (Dichev và Skinner, 2002) mặc dù DeAngelo et al. (1994) nhận thấy hiếm có sự khác nhau tương ứng nào giữa dồn tích cho doanh nghiệp với việc không có giao ước ràng buộc nào.
Do đó, đòn bẩy tài chính lớn có liên quan đến chất lượng lợi nhuận thấp. Song, dù chất lượng lợi nhuận thấp hơn vì cận kề các giao ước khác như sự
vỡ nợ, khủng hoảng tài chính, nhu cầu về tài chính… hay là do sự khác nhau trong cơ hội đầu tư vẫn là một câu hỏi dai dẳng đối với các nhà nghiên cứu (Zimmer, 1986; Skinner, 1993). Các nghiên cứu cho rằng khi cận kề với giao ước thì các nhà quản lý nên có những lựa chọn phương pháp kế toán để tránh vi phạm giao ước nhưng kết quả này không nhất thiết có nghĩa là chất lượng lợi nhuận bị ảnh hưởng. Nếu người ra quyết định điều chỉnh những ảnh hưởng của sự lựa chọn, hay là bởi vì họ quan sát hoặc lập luận hợp lý rằng những lựa chọn phương pháp kế toán tăng lợi nhuận sẽ dẫn đến tránh các vi phạm giao ước thì hành động đó có thể có lợi cho tất cả các bên ký kết hợp đồng.
c. Tăng trưởng và đầu tư
Tăng trưởng là một mục tiêu quan trọng của mọi doanh nghiệp. Để thực hiện và duy trì được mục tiêu đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có những chính sách và những bước đi phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nguồn lực cho sự tăng trưởng ở đâu và cách thức để có thể huy động những nguồn lực ấy như thế nào?
Từ thực tiễn cho thấy đầu tư chính là hoạt động chủ yếu, quyết định sự phát triển và khả năng tăng trưởng của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng mạnh sẽ kéo theo sự thu hút đầu tư của các đối tượng quan tâm. Chính điều này đã góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến lợi nhuận được báo cáo của mỗi doanh nghiệp.
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã khảo sát vai trò của chất lượng tăng trưởng và chất lượng lợi nhuận trên nhiều khía cạnh. Khi tăng trưởng được đo bằng tăng trưởng doanh thu hoặc tăng trưởng tài sản hoạt động ròng, thì có vẻ như các công ty tăng trưởng cao có mức lợi nhuận thấp hơn (Nissim và Penman, 2001; Penman và Zhang, 2002). Mối quan hệ tiêu cực giữa mức tăng trưởng và chất lượng lợi nhuận cũng được đề cập trong một vài nghiên cứu
khác, bao gồm sai sót trong tính toán lợi nhuận và cơ hội quản lý lợi nhuận (Richardson và cộng sự, 2005), mục tiêu nhất định (McVay et al., 2006), AAERs (Dechow et al), và các điểm yếu trong kiểm soát nội bộ (Doyle và cộng sự, 2007b); Ashbaugh-Skaife và cộng sự (2007).