thôn mới ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Lương Tài
Vị trí địa lý: Huyện Lương Tài nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Ninh trong vùng châu thổ sông Hồng. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Bắc Ninh 32 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 47 km về phía Tây Nam; với tổng diện tích đất tự nhiên 105,91 km2, chiếm 12,87% diện tích của tỉnh; vị trí tiếp giáp với các huyện:
- Phía Bắc giáp huyện Gia Bình;
- Phía Nam giáp huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương);
- Phía Đông giáp thành phố Chí Linh và huyện Nam Sách của tỉnh Hải Dương, sông Thái Bình là ranh giới tự nhiên;
- Phía Tây giáp huyện Thuận Thành.
Huyện có 14 đơn vị hành chính (trong đó 13 xã và 01 thị trấn), dân số 104.469 nhân khẩu. Trên địa bàn huyện Lương Tài có các tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua như các tuyến tỉnh lộ: TL 280, TL 281, TL 284, TL 285 nối Lương Tài với Gia Bình, Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, nối Lương Tài với Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương.
Điều kiện tự nhiên: Về khí hậu, Lương Tài thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh và không khác biệt nhiều so với các tỉnh lân
cận của Đồng bằng sông Hồng. Về địa hình - địa chất, địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, được thể hiện qua các dòng chảy mặt đổ về sông Đuống, sông Thái Bình. Về đặc điểm thuỷ văn, Lương Tài có 2 hệ thống sông lớn chảy qua gồm: sông Đuống và sông Thái Bình rất thuận lợi cho giao thông vận tải đường thủy cũng như cung cấp một lượng nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện kinh tế xã hội: Tổng sản phẩm (GDP) giai đoạn 2011 - 2019
tăng bình quân 6,5% năm; năm 2019, tổng sản phẩm (GDP) ước đạt 3.993,5 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 35,7%; khu vực Dịch vụ chiếm 41,9%; khu vực Nông nghiệp và thuỷ sản chiếm 22,4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều năm 2019 còn 1,43% (khu vực nông thôn đã trừ hộ bảo trợ xã hội là 1,35%); thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng nông thôn với nhiều công trình về giao thông, trường học, thiết chế văn hóa,... được đầu tư nâng cấp và tu bổ sửa chữa. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm. Chất lượng giáo dục - đào tạo duy trì trong tốp đầu của tỉnh. Cảnh quan môi trường nông thôn có chuyển biến tích cực;
2.1.2. Về văn hóa, phong tục tập quán của địa phương
Vùng đất và con người Lương Tài có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và có tinh thần yêu nước nồng nàn. Đồng thời, cũng là vùng đất hiếu học, khoa bảng, là quê hương của nhiều vị đỗ đạt cao trong các khoa thi thời phong kiến như Vũ Giới, Phạm Quang Tiến, Nguyễn Đình Tú, Vũ Miễn, Lương Phùng Thìn, Đào Phùng Thái, Nguyễn Bạt Tụy,... danh nhân văn hóa - khoa bảng Hàn Thuyên, danh nhân nổi tiếng của Việt Nam thời nhà Trần, ông được xem là người phát triển, phổ biến chữ Nôm của Việt Nam.
Lương Tài là miền quê có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc với nhiều di tích lịch sử, lễ hội, trò chơi dân gian; tổng số 62 di tích lịch sử, trong đó có 12 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh. Người dân Lương Tài có truyền thống yêu lao động, cần cù và khéo léo, nhân dân trong Huyện chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng (lúa nước). Từ xưa ngoài nghề trồng lúa nước, Lương Tài còn có một số nghề phụ phục vụ nhu cầu của địa phương như: Nghề đan lưới đánh cá ở các xã Phú Lương, Trung Chính; nghề làm bánh đa ở thôn Tử Nê, xã Tân Lãng; nghề đúc đồng ở thôn Quảng Bố, nghề Gỗ mỹ nghệ ở thôn Lĩnh Mai, xã Quảng Phú…
Đảng bộ và nhân dân Lương Tài có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, huyện Lương Tài đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III vào năm 2014; Huyện có 06 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Quảng Phú, Lâm Thao, Trừng Xá, Trung Kênh, An Thịnh và Phú Hòa).
2.1.3. Nhận thức cấp ủy Đảng về vai trò quản lý nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới trình xây dựng nông thôn mới
Việc đầu tư xây dựng NTM mới là điều hết sức cần thiết, làm cho kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn; việc xây dựng NTM thành công rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, trong đó người dân đóng vai trò là chủ thể hết sức quan trọng; nội lực được xác định là nguồn lực căn bản để thực hiện xây dựng NTM.
2.1.4. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của huyện Lương Tài
Huyện Lương Tài đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bên cạnh đó tiếp tục giữ vững phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa, chuyển đổi bộ giống,... đã đưa giá trị sản xuất một ha canh tác năm 2019 đạt trên 131,22 triệu đồng. Lương Tài liên tục là huyện dẫn đầu về năng xuất lúa của toàn tỉnh; huyện đã quy hoạch ổn định các vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung với quy mô từ 5-20 ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm; hình thành được trang trại chăn nuôi xa khu dân cư có quy mô lớn; xây dựng được mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap.
Tổng sản phẩm (GRDP) của huyện Lương Tài giai đoạn 2011 - 2019 tăng bình quân 6,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 46,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (năm 2019, tỷ trọng Nông nghiệp chiếm 22,4%, tăng 0,4% so với năm 2018; Công nghiệp - TTCN và xây dựng chiếm 35,7%, tăng 0,5% so với năm 2018; Dịch vụ chiếm 41,9%, tăng 01% so với năm 2018); diện tích lúa ổn định 9.144 ha/năm; năng suất lúa bình quân 64 tạ/ha; thu ngân sách tăng bình quân 13,9%/năm; chi đầu tư phát triển tăng bình quân 20%/năm.
2.1.5. Về nguồn nhân lực
Theo số liệu thống kê của phòng thống kê huyện Lương Tài, năm 2012, dân số trung bình của huyện là 104.469 nghìn người, trong đó dân số nữ chiếm khoảng 50,8% so với dân số toàn huyện, dân số thành thị chiếm trên 26%, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 65% dân số. Mật độ dân số trung bình hiện nay là 1.037 người/km2, mật độ dân số cao, lực lượng lao
động trẻ, trong khi diện tích đất sản xuất lớn, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nhất là thực hiện các tiêu chí về NTM.
Thông qua các lớp đào tạo nghề, người lao động đã được nâng cao trình độ kiến thức về khoa học kỹ thuật, kỹ năng làm việc, tác phong công nghiệp,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ nông nghiệp chuyển dần sang lao động phi nông nghiệp. Đến nay, số lao động có việc làm của 13 xã là 57.570/60.963 lao động, đạt 94,4%.
2.1.6. Sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Sự tham gia của người dân, của cộng đồng trong xây dựng NTM là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao tính dân chủ ở nông thôn, người dân trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; tham gia vào quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM; xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa; đảm bảo vệ sinh môi trường; duy trì ổn định về trật tự xã hội. Từ đó huy động được cả cộng đồng tham gia tích cực vào các quá trình XD NTM, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
2.1.7. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý của huyện Lương Tài
Mọi chủ trương, chính sách nói chung, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng dù có đúng đắn đến đâu, khả năng hiện thực hóa chúng suy cho cùng phụ thuộc trước hết vào những con người cụ thể. Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở là những người xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện những nội dung cụ thể trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
NTM. Nếu cán bộ có tri thức, am hiểu điều kiện thực tiễn, có tâm, sáng tạo thì khả năng triển khai các chương trình thành công sẽ cao hơn và ngược lại. Do đó, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nhanh hay chậm, có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cơ sở trong việc huy động các nguồn lực, tuyên truyền, vận dộng nhân dân và tổ chức thực hiện chương trình.