Khái niệm, đặc điểm quản lý nhà nước về thu ngân sách cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu ngân sách trên địa bàn huyện phong điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 27 - 30)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Khái niệm, đặc điểm quản lý nhà nước về thu ngân sách cấp huyện

1.2.1.1. Khái niệm

Có nhiều cách hiểu về QLNN. Theo nghĩa chung nhất, QLNN vừa là chức năng, vừa là quyền hạn và nhiệm vụ của nhà nước, nó được hiểu là việc nhà nước sử dụng quyền lực chung đã được thể chế hóa tác động thường xuyên và liên tục đến các quá trình, lĩnh vực hay quan hệ xã hội nhằm đạt được mục đích quản lý. Chúng ta có thể hiểu QLNN theo hai nghĩa:

- Theo nghĩa rộng: QLNN là hoạt động tổ chức, điều hành của hệ thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nghĩa là bao hàm cả sự tác động, tổ chức của quyền lực nhà nước trên các phương diện lập pháp, hành pháp, và tư pháp.

- Theo nghĩa hẹp: QLNN được hiểu là hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, đó là quá trình tổ chức, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi của con người theo pháp luật nhằm đạt được những mục tiêu yêu cầu nhiệm vụ QLNN [11].

Trong luận văn này, tác giả sẽ sử dụng khái niệm QLNN theo nghĩa hẹp để xem xét lý giải vấn đề.

Như vậy, QLNN về thu ngân sách là quá trình nhà nước sử dụng hệ thống các công cụ chính sách, pháp luật để tiến hành quản lý thu thuế và các khoản thu ngoài thuế vào NSNN nhằm đảm bảo tính công bằng khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển.

Đối tượng tác động của QLNN về thu ngân sách là toàn bộ các khoản thu được lập kế hoạch trong dự toán NSNN năm nhằm phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.

Trong quản lý thu ngân sách, thuế là nguồn thu quan trọng nhất, thuế không chỉ chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số thu NSNN hàng năm mà còn là công cụ của nhà nước để quản lý vĩ mô nền kinh tế. Để phát huy tác dụng điều tiết vĩ mô của các chính sách thuế, nhà nước thường xuyên thay đổi nội dung của chính sách thuế cho phù hợp với diễn biến thay đổi thực tế của đời sống kinh tế - xã hội và phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế, tài chính từng thời kỳ.

Hệ thống quản lý NSNN được phân cấp quản lý như sau:

Hình 1.1: Hệ thống Ngân sách nhà nước Việt Nam

(Nguồn: Tác giả tổng hợp)

NSNN được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan QLNN các cấp.

Từ khái niệm QLNN về thu ngân sách và phân cấp quản lý NSNN, có thể hiểu: QLNN về thu ngân sách cấp huyện là việc chủ thể quản lý, thông qua việc sử dụng có chủ định các phương pháp, công cụ quản lý để hoạch định, tổ chức thực hiện kế hoạch thu, kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện kế hoạch thu ngân sách cấp huyện.

1.2.1.2. Đặc điểm quản lý nhà nước về thu ngân sách cấp huyện

Đối với hoạt động QLNN về thu ngân sách cấp huyện có những đặc điểm riêng như sau:

Thứ nhất, cấp huyện là cấp hành chính trực thuộc tỉnh với chức năng nhiệm vụ được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, tuy nhiên cấp huyện chỉ mang tính độc lập tương đối, chịu sự lãnh đạo của tỉnh.

Thứ hai, theo Luật NSNN 2015, ngân sách cấp huyện thuộc tỉnh là một cấp ngân sách hoàn chỉnh với nguồn thu và nhiệm vụ chi được quy định cụ thể để đảm bảo hoàn thành các chức năng nhiệm vụ của huyện. Tuy nhiên, Luật NSNN cũng quy định đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách thì Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương với địa phương, còn HĐND tỉnh quyết định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và ngân sách xã. Qua đó có thể thấy quy mô ngân sách, khả năng tự cân đối của ngân sách cấp huyện phụ thuộc hoàn toàn vào phân cấp nguồn thu, phân cấp nhiệm vụ chi của tỉnh đối với huyện cũng như tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa ngân sách tỉnh và ngân sách huyện.

Thứ ba, do không phải là cấp có thể tự ban hành các chính sách, chế độ về thu ngân sách nên nội dung thu ngân sách cấp huyện do HĐND tỉnh quyết định, do đó thực tiễn cấp huyện sẽ gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điều này đòi hỏi các cấp trên bên cạnh việc phân cấp cần tăng quyền chủ động cho cấp huyện, xã trong thu, chi ngân sách tạo điều kiện để cấp huyện hoàn thành việc phát triển kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu ngân sách trên địa bàn huyện phong điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)