Nội dung quản lý nhà nước về thu ngân sách cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu ngân sách trên địa bàn huyện phong điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 32 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.3. Nội dung quản lý nhà nước về thu ngân sách cấp huyện

1.2.3.1. Tổ chức bộ máy

Bộ máy quản lý thu ngân sách sẽ trực tiếp quản lý điều hành thu NSNN cấp huyện. Bộ máy quản lý càng có hiệu lực, hiệu quả, hoạt động thu ngân sách càng tốt. Cụ thể là:

- Hội đồng nhân dân cấp huyện có quyền quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương; quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong thời gian cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã quyết định.

- Ủy ban nhân dân huyện lập dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương, dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết trình HĐND cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp. Kiểm tra nghị quyết của HĐND cấp dưới về dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách. Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương và báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định. Đặc biệt đối với HĐND và UBND các cấp đã có sự đổi mới theo hướng tăng tính tự chủ, sáng tạo của địa phương trong việc phát huy tiềm năng hiện có, bồi dưỡng và tăng thu cho ngân sách cấp mình, từ đó chủ động bố trí chi tiêu hợp lý, có hiệu quả theo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với quy hoạch tổng thể và chế độ thu thống nhất của Nhà nước.

- Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện hướng dẫn các cơ quan, đơn vị dự toán thuộc huyện, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn (gọi chung là cấp xã) xây dựng dự toán ngân sách hàng năm; xây dựng trình UBND cấp huyện dự toán ngân sách huyện theo hướng dẫn của Sở Tài chính. Lập dự toán thu NSNN

đối với những khoản thu được phân cấp quản lý và tổng hợp dự toán ngân sách cấp xã, phương án phân bổ ngân sách huyện trình UBND cấp huyện; lập dự toán ngân sách điều chỉnh trong trường hợp cần thiết để trình UBND cấp huyện; tổ chức thực hiện dự toán ngân sách đã được quyết định. Phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc quản lý công tác thu NSNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Thẩm định quyết toán thu ngân sách xã; lập quyết toán thu ngân sách huyện; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu NSNN trên địa bàn huyện và quyết toán thu ngân sách cấp huyện (bao gồm quyết toán thu ngân sách cấp huyện và quyết toán thu ngân sách cấp xã) báo cáo UBND huyện để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.

- Chi cục Thuế huyện phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện xây dựng dự toán, lập báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm; triển khai thực hiện dự toán ngân sách đã được quyết định. Phối hợp với cơ quan có liên quan trong hoạt động QLNN về thu NSNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

- Kho bạc nhà nước cấp huyện là cơ quan QLNN về quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Hướng dẫn các đơn vị dự toán mở tài khoản để giao dịch. Kiểm soát, thanh toán kịp thời, đầy đủ khi đã có điều kiện và đúng thời gian quy định. Hết năm kế hoạch, xác nhận số thanh toán trong năm, nhận xét về kết quả chấp hành chế độ quản lý, chấp hành các chế độ, chính sách, định mức theo quy định của pháp luật.

- Phòng Thanh tra huyện phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện; các cơ quan, đơn vị có liên quan; UBND các xã, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn huyện, để phát hiện và xử lý các sai phạm trong quá trình thực hiện.

Đối với cán bộ tham gia bộ máy quản lý thu NSNN cấp huyện, họ không chỉ là những người không chỉ am hiểu về chuyên môn, nắm vững các Luật về thuế, luật kinh doanh, luật NSNN… mà còn phải am hiểu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và đặc biệt là cần phải có đạo đức nghề nghiệp

1.2.3.2. Công tác lập dự toán thu ngân sách nhà nước cấp huyện

Đây là khâu chuẩn bị cho việc thu ngân sách, nội dung chính của lập dự toán thu ngân sách là quá trình phân tích, đánh giá giữa khả năng huy động các nguồn lực tài chính của nhà nước để từ đó xác lập các chỉ tiêu thu NSNN hàng năm một cách đúng đắn, có căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng thời trên cơ sở đó các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu lập những biện pháp về kinh tế - xã hội, nhằm tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra.

Căn cứ lập dự toán thu NSNN gồm: phân tích, đánh giá kết quả thu NSNN các năm trước, năm hiện hành và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong năm kế hoạch; đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị trong nước và khu vực, quốc tế; dự báo các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, thị trường giá cả, sự thay đổi chính sách để có căn cứ nhận định sự ảnh hưởng đến kết quả thu NSNN để lập dự toán thu NSNN cho năm kế hoạch.

Quy trình lập dự toán thu NSNN được thực hiện theo trình tự sau: sau khi nhận được văn bản hướng dẫn của cấp huyện, các cơ quan đơn vị có trách nhiệm trong việc thu, chi ngân sách phải tiến hành lập dự toán thu, chi ngân sách trong phạm vi nhiệm vụ được giao và báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính cấp huyện xem xét dự toán của các cơ quan đơn vị cùng cấp, dự toán ngân sách của chính quyền cấp xã, sau đó tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa phương, trình UBND cấp huyện.

UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo cơ quan tài chính cấp tỉnh để tổng hợp. Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp dự toán ngân sách của các cơ quan

Trung ương và các tỉnh, thành phố, lập dự toán NSNN trình chính phủ để trình quốc hội phê chuẩn.

Sau khi có quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của cấp tỉnh, UBND cấp huyện trình HĐND cấp huyện phê chuẩn dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp huyện, cuối cùng là cấp xã trình dự toán với HĐND cấp xã phê chuẩn dự toán thu, chi cấp xã, thời gian quyết định giao thu, chi cấp xã đảm bảo được quyết định trước ngày 31 tháng 12 năm trước.

1.2.3.3. Tổ chức thực hiện dự toán thu ngân sách cấp huyện

Đây là quá trình sử dụng tổng hợp các biện pháp kinh tế, tài chính và hành chính nhằm biến các chỉ tiêu thu NSNN trong dự toán NSNN năm trở thành hiện thực.

Trong toàn bộ nội dung tổ chức công tác quản lý thu NSNN thì tổ chức triển khai chấp hành dự toán thu là nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến tính hiệu quả của công tác quản lý thu NSNN xét trên nhiều phương diện. Nếu việc triển khai các biện pháp chấp hành dự toán thu NSNN không kịp thời, không phù hợp với thực tiễn, cứng nhắc thiếu linh hoạt, ít sáng tạo thì không những không động viên được số thu cho NSNN theo dự toán mà có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực của xã hội, gây tâm lý bức xúc cho tổ chức và cá nhân thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN. Với đặc điểm thu NSNN có nhiều khoản thu, phạm vi rộng và liên quan đến nhiều đối tượng trong xã hội nên việc quản lý thu NSNN luôn là sự thiết. Việc quản lý thu NSNN là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị. Trong đó vai trò trách nhiệm chính thuộc về cơ quan thanh tra, tài chính, ngành thuế, hải quan, kho bạc nhà nước…

Trong quá trình tổ chức chấp hành dự toán thu ngân sách, việc quản lý thu ngân sách bao gồm nhiều vấn đề và có phạm vị rộng như quản lý bộ máy thu ngân sách, quản lý đối tượng thu ngân sách, quản lý nguồn thu ngân

sách…Nhưng trong các nội dung liên quan thì nội dung quản lý nguồn thu ngân sách là nội dung cơ bản, quan trọng trong QLNN về thu ngân sách. Quản lý thu ngân sách bao gồm: quản lý thu thuế; quản lý thu phí, lệ phí; quản lý thu tiền sử dụng đất và thu khác ngân sách.

Toàn bộ các khoản thu nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước. Trường hợp được phép thu qua ủy nhiệm thu thì phải nộp đầy đủ, đúng thời hạn vào Kho bạc Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

1.2.3.4. Quyết toán thu NSNN cấp quận

Cuối năm ngân sách, cơ quan thu thuế phải tổng hợp đối chiếu số liệu thu thuế với Kho bạc nhà nước, giải quyết những tồn đọng trong công tác quản lý thu, xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ... Đồng thời, lập báo cáo quyết toán thu NSNN gửi về UBND huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện để tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách.

Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thực hiện, có sự đối chiếu, thống nhất số liệu với cơ quan Thuế, Kho bạc nhà nước và đơn vị trực tiếp chấp hành dự toán thu ngân sách. Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện thẩm định quyết toán các khoản thu, đảm bảo thu đúng thu đủ, cơ quan thuế quyết toán các khoản thu thuế, đối chiếu số liệu từ Kho bạc nhà nước và cơ quan tài chính trên địa bàn lập báo cáo quyết toán các khoản thu ngân sách cùng với các khoản chi ngân sách. Tham mưu UBND huyện báo cáo quyết toán gửi Sở Tài chính thẩm định.

1.2.3.5. Thanh tra, kiểm tra trong quản lý nhà nước về thu ngân sách cấp huyện

Việc kiểm tra được thực hiện trong tất cả các khâu của chu trình quản lý thu ngân sách, từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán thu ngân sách đến việc chấp hành dự toán và quyết toán thu ngân sách cấp huyện. Việc thanh tra,

kiểm tra được gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan QLNN cấp huyện.

Hàng năm, cơ quan thanh tra huyện xây dựng kế hoạch thanh tra tình hình sử dụng ngân sách trên địa bàn trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt và triển khai thực hiện. Thanh tra huyện có nhiệm vụ thanh tra tình hình thu ngân sách và việc chấp hành các chế độ về quản lý thu ngân sách của các đơn vị dự toán.

Phòng Tài chính – Kế hoạch, Kho bạc nhà nước cấp huyện, đơn vị dự toán thuộc cấp huyện theo chức năng nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với các đơn vị, cá nhân, đơn vị sử dụng ngân sách cấp huyện. Trong quá trình kiểm tra, đối chiếu nếu phát hiện các khoản thu không đúng quy định của pháp luật hoặc chưa thực hiện nộp Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật phải truy thu đề nghị nộp NSNN.

Chi cục thuế, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Kho bạc nhà nước trên địa bàn huyện có trách nhiệm hàng tháng, hàng quý báo cáo HĐND huyện, UBND huyện về tiến độ chấp hành dự toán thu của các đơn vị được giao dự toán thu NSNN để kịp thời đốc thúc, đưa ra biện pháp giải quyết những khó khăn trong chấp hành dự toán thu NSNN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về thu ngân sách trên địa bàn huyện phong điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)