7. Kết cấu của luận văn
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
Tuy đạt được những kết quả như trên, song qua thực tiễn hoạt động cho thấy địa phương vẫn còn những hạn chế như sau:
Thứ nhất, lập và giao dự toán ngân sách: Công tác xây dựng dự toán thu ngân sách chưa có cơ sở vững chắc, đôi khi còn mang yếu tố chủ quan, kinh nghiệm; công tác lập và giao dự toán ở một số xã, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó thường bị áp đặt của cơ quan cấp trên về số thu ngân sách nhất là thu thuế từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Thứ hai, chấp hành dự toán thu ngân sách: Hầu hết các đơn vị quan tâm chỉ đạo thu vượt, đạt dự toán được giao. Nguồn thu cơ bản được huy động vào ngân sách. Tuy nhiên vẫn còn một vài đơn vị còn xảy ra hiện tượng giữ lại nguồn thu nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách năm sau. Một số khoản thu phí, lệ phí và thu khác được để lại chi tại các đơn vị dự toán chưa được lập, giao dự toán; việc quản lý sử dụng còn lãng phí, sai mục đích ví dụ: nhiều công trình vừa mới được tu sửa chưa đến một năm lại được cấp kinh phí để xây thêm… còn xảy ra tình trạng thất thu thuế tài nguyên, thuế môn bài. Các đơn vị thuộc huyện còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào bổ sung của ngân sách cấp trên.
Nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh và các khoản thu từ đất và nhà là những khoản thu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tổng các nguồn thu trên địa bàn, vì vậy nguồn thu này những năm gần đây huyện Phong Điền cố gắng tận thu tối đa và vượt dự toán giao đầu năm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thu ngân sách chưa làm tốt công tác kế hoạch hóa các nguồn thu để từ đó có biện pháp quản lý và thu đúng, thu đủ. Ngoài ra do chưa có chiến lược phát triển nguồn thu nên buộc phải tập trung quản lý thu đối với các đơn vị doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có với mức thuế tương đối cao để nhằm đạt được dự toán được giao.
Thứ ba, việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thu NSNN chưa phổ biến, trình độ năng lực cán bộ làm công tác tin học chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, do đó hiệu quả làm việc chưa cao, còn tốn nhiều thời gian công sức, ảnh hưởng đến công tác khác. Công tác thu thập, hệ thống hóa và xử lý thông tin về đối tượng nộp thuế chưa theo kịp yêu cầu phát triển, các dữ liệu về lịch sử doanh nghiệp, về các mối quan hệ chủ yếu của doanh nghiệp, tình hình chấp hành pháp luật, nhân thân của doanh nghiệp chưa được cập nhật thường xuyên…
Thứ tư, tình trạng thất thu thuế, sót hộ, nợ đọng thuế, gian lận thương mại còn diễn ra. Đây là một trong những yếu kém mà nhiều năm nay ngành thuế của huyện vẫn chưa khắc phục được. Mặc dù tổng số thu hàng năm đều vượt so với dự toán được giao nhưng trong đó rất nhiều loại thuế còn thất thu lớn. Tình trạng thất thu về thuế được phân tích cụ thể như:
Thất thu về thuế ngoài quốc doanh là khoản thất thất thu rất lớn từ 10 - 15%, tập trung vào các đối tượng kinh doanh nhỏ, lẻ.. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có 180 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 2000 hộ kinh doanh cá thể. Việc quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn hơn doanh nghiệp tư nhân nhưng vẫn hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá thể; nhiều doanh nghiệp đã khai báo không cụ thể và chính xác, dẫn đến việc thu thuế đối với các doanh nghiệp này đạt tỷ lệ còn thấp và còn bỏ sót.
Tình trạng sót hộ là phổ biến nhất là đối với hộ kinh doanh cá thể, số lượng hộ kinh doanh Chi cục thuế quản lý thu thuế thường thấp hơn so với báo cáo của cơ quan đăng ký kinh doanh, một số hộ kinh doanh cá thể thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh, thay đổi người đứng tên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để được giảm mức thuế. Ngoài ra tình trạng gian lận thương mại, khai giảm doanh thu để trốn thuế diễn ra hết sức phức tạp đôi khi
diễn ra vượt quá khả năng kiểm soát của ngành thuế. Đặc biệt là hoạt động mua bán, chuyển nhượng nhà đất, thuế thu nhập, thuế đánh vào các hoạt động xây dựng tỷ lệ thất thu còn lớn và trên thực tế không kiểm soát được. Khoản hụt thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là > 20%.
Công tác cải cách hành chính trong kê khai nộp thuế, hoàn thuế, sử dụng hoá đơn tuy có một số tiến bộ bước đầu, nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển. Thủ tục hành chính trong quản lý kê khai thuế còn rườm rà qua nhiều thủ tục, nhiều bước.
Phương pháp quản lý thu hiệu quả còn thấp; phương pháp quản lý thu thuế ở Chi cục thuế huyện mặc dù đã có những cải tiến nhưng vẫn thiếu khoa học, nhất là đối với các hộ kinh doanh cá thể. Việc thực hiện khoán thuế này có nhiều hạn chế, yếu kém đó là do không xác định được doanh thu của các hộ kinh doanh một cách cụ thể, chính xác (vì không điều tra cụ thể mà chỉ áng chừng nên không đảm bảo tính khoa học) nên mức thuế tài định thường không phù hợp có khi quá thấp hoặc ngược lại. Nhiều trường hợp định mức thuế quá cao không phù hợp với tình hình kinh doanh của các hộ.
Công tác quản lý nợ chưa quan tâm đúng mức. Viêc đối chiếu nợ giữa các bộ phận trong cơ quan thuế chưa được thường xuyên, mức phạt chậm nộp còn thiếu răn đe, công tác phối hợp trong việc thu nợ và cưỡng chế nợ kém hiệu quả. Một số người nộp thuế lợi dụng chính sách giãn, giảm thuế của Nhà nước, đặc biệt cơ chế phạt chậm nộp tiền thuế thấp hơn lãi suất ngân hàng nên nhiều người nộp thuế đã cố tình nợ thuế.
Thứ năm, quyết toán ngân sách: công tác quyết toán giúp UBND huyện chưa đánh giá đúng tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời trong năm tiếp theo. Báo cáo quyết toán thu ngân sách được thực hiện thống nhất theo biểu mẫu và các chỉ tiêu quy
định. Tuy nhiên thời gian quyết toán ngân sách huyện thường kéo dài do quyết toán ngân sách xã, thị trấn và các đơn vị dự toán nộp chậm, khâu thẩm định quyết toán gặp khó khăn.
Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra thu ngân sách chưa chặt chẽ và hiệu quả, chưa mang tính thường xuyên, hạn chế về chất lượng và số lượng, chưa bao quát được số lượng người nộp thuế, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, hệ thông chính sách chưa đồng bộ, công tác phối hợp chưa hiệu quả, cơ sở dữ liệu về người nộp thuế chưa đầy đủ. Trình độ của các cán bộ quản lý thu ngân sách trong việc kiểm tra phát hiện các sai phạm trong việc thực hiện ngân sách nhà nước đã thực sự tốt.
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Một là, huyện Phong Điền nói chung và các cơ quan, đơn vị liên quan chưa có biện pháp để bồi dưỡng, mở rộng nguồn thu một cách thỏa đáng. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì nếu không quan tâm bồi dưỡng, mở rộng nguồn thu thì dễ dẫn đến tình trạng lạm thu (vì cứ tập trung tăng thu đối với những cơ sở kinh doanh đã quản lý được), mất nguồn thu (vì các hộ kinh doanh cá thể không thể chịu đựng mức thuế liên tục tăng sẽ chuyển sang kinh doanh không ổn định hoặc xin nghỉ kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh lén lút gây thất thu). Ngoài ra do việc chưa quan tâm bồi dưỡng nguồn thu nên phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh không có điều kiện để tái đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, điều đó càng thu hẹp nguồn thu ngân sách.
Hai là, các chế tài về thuế còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe việc vi phạm pháp luật về thuế, sự phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan thuế trong một số trường hợp xử lý vi phạm chưa được chặt chẽ, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Một thời gian dài chưa coi trọng đúng mức công tác tuyên truyền giao dục, giải thích chính sách thuế để nâng cao sự
hiểu biết, tự giác tuân thủ pháp luật của đối tượng nộp thuế. Xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất, thuê đất cũng như huy động vốn để thực hiện dự án không đúng quy định. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và xử phạt đối với các đối tượng vi phạm.
Ba là, trong giai đoạn 2017 - 2019 do những tác động bất lợi của nền kinh tế đã làm cho nhiều doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp phải tạm ngừng, nghỉ kinh doanh hay thậm chí là phá sản. Do đó chỉ tiêu giao nộp thuế của các doanh nghiệp khó hoàn thành và ảnh hưởng đến số thu nộp vào NSNN hàng năm.
Bốn là, đội ngũ cán bộ quản lý thu ngân sách còn yếu, một số cán bộ làm công tác quản lý thu NSNN trình độ hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thu hiện đại và yêu cầu cải cách hành chính trong quản lý thu. Một số trường hợp chưa tận tuỵ, công tâm, khách quan giữa quyền lợi Nhà nước và quyền lợi người nộp thuế nên chưa trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các Luật thuế.
Năm là, những vấn đề về chính sách thu đối với các khoản thu từ đất và nhà hiện nay khá phức tạp và quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn đến việc quản lý nhà nước về công tác thu cũng như công tác hành thu của cơ quan Thuế còn gặp nhiều khó khăn; không những gây khó khăn cho cán bộ thu mà còn gây khó khăn cho cả người dân khi nộp thuế.
Sáu là, nguồn thu các khoản từ đất hiện nay chưa thật sự bền vững, do các khoản thu như tiền sử dụng đất chỉ thu một lần khi nhà nước giao đất ở; tuy nhiên sau mỗi năm thì quỹ đất lại giảm dần dẫn đến trong tương lai gần thì tỷ lệ thu tiền sử dụng đất sẽ giảm. Việc áp giá tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong chu kỳ ổn định 5 năm; các xã thị trấn có số thuế sử dụng
đất phi nông nghiệp quá ít đã vận động người nộp thuế nộp trước số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 5 năm (hầu hết các đơn vị đã nộp đủ 5 năm). Mặt khác, theo Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 106/2016/QH2013, áp dụng từ ngày 01/7/2016, miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng phi nông nghiệp phải nộp hàng năm dưới 50.000 đồng đã ảnh hưởng công tác quản lý nguồn thu NSNN
Bảy là, UBND tỉnh, Sở Tài chính chưa thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục, điều chỉnh mức thu đối với các khoản thu phí trên địa bàn theo định kỳ, thường là khi trung ương có thay đổi hoặc khi có vấn đề nổi cộm xảy ra trên địa bàn thì mới chỉ đạo rà soát, dẫn đến việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý về quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương chưa kịp thời.
Các cấp chính quyền địa phương cũng chưa thật sự quan tâm đến công tác thu phí, lệ phí, xem đây là khoản thu nhỏ nên thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp thu các khoản phí, phí chưa chủ động trong việc rà soát kiến nghị sửa đổi bổ sung những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện, chưa tận dụng hết những điều kiện thuận lợi của đơn vị mình để tăng cường khai thác nguồn thu…
Cuối cùng, trình độ nhận thức của xã hội về thuế còn thấp, đại bộ phận người dân chưa hiểu rõ lợi ích của công tác thuế, chưa thấy được việc thực hiện nghĩa vụ thuế là trách nhiệm của mọi công dân; ý thức chấp hành pháp luật về thuế của các đối tượng nộp thuế còn thấp, tính trạng trốn thuế, gian lận thuế, nợ đọng thuế diễn ra khá phổ biến vừa thất thu thuế vừa không công bằng trong xã hội.
Tiểu kết chương 2
Chương 2 của luận văn trình bày về thực trạng QLNN về thu ngân sách huyện Phong Điền trong những năm gần đây.
Việc lập, phân bổ, giao dự toán thu ngân sách đã dần có những chuyển biến rõ rệt, quản lý chấp hành dự toán thu ngân sách cấp huyện đã được quan tâm, chú trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý thu ngân sách cấp huyện trên địa bàn huyện Phong Điền còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Chất lượng dự toán do các đơn vị sử dụng ngân sách lập còn chưa cao, còn mang yếu tố chủ quan, chưa được xây dựng một cách khoa học, chặt chẽ, phân bổ, giao dự toán của UBND huyện, của các đơn vị dự toán cấp I cho các đơn vị trực thuộc còn lúng túng, chưa đúng quy định.
Chương 3
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ THU NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
3.1. Quan điểm và mục tiêu hoàn thiện quản lý thu ngân sách nhà nước của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
3.1.1. Quan điểm hoàn thiện quản lý ngân sách nhà nước
Quản lý thu ngân sách hiệu quả sẽ góp phần tạo sự ổn định về KT-XH trên địa bàn huyện trong quá trình tạo lập có hiệu quả các nguồn lực, mở rộng đầu tư để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH của huyện các năm tới. Vì vậy, việc hoàn thiện QLNN về thu ngân sách trên địa bàn huyện Phong Điền cần dựa trên các quan điểm sau:
- Cần quán triệt đường lối, chính sách phát triển KT-XH của huyện uỷ, UBND huyện Phong Điền là đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành một trung tâm kinh tế năng động. Do vậy việc khai thác, quản lý nguồn thu một cách chặt chẽ, động viên hợp lý ở mức cao nhất nguồn thu từ các hoạt động kinh tế vào ngân sách sẽ đảm bảo được nguồn lực tài chính thực hiện các chiến lược phát triển KT-XH, đồng thời giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn huyện mở rộng sản xuất kinh doanh. Vấn đề quan trọng nhất trong quản lý nguồn thu là thu để đảm bảo công bằng, khuyến khích sản xuất phát triển, hạn chế tối đa tình trạng thất thu, trốn thuế, nợ thuế. Khai thác và huy động một cách bền vững các nguồn thu trên địa bàn, nhằm đảm bảo nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương.
- Đa dạng hóa nguồn thu tạo ra sự đóng góp của các thành phần kinh tế trên địa bàn làm cho nguồn thu ngày càng tăng lên, đảm bảo ổn định lâu dài. Khắc phục tình trạng chỉ tập trung thu vào các lĩnh vực chủ yếu, chưa quan
tâm đến các lĩnh vực liên quan khác, đồng thời phải mở rộng nguồn thu trên địa bàn trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách phù hợp. Quan điểm này cần quán triệt, bao gồm: phát triển thêm đối tượng nộp thuế thì tổng nguồn thu sẽ tăng lên và coi trọng hơn nữa các khoản thu ngoài thuế, là khoản thu tuy nhỏ nhưng có sự đóng góp của mọi người dân trên địa bàn.