Giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn
Đối với các tiêu chí đã đạt chuẩn như: tiêu chí 3 (thủy lợi), tiêu chí 4 (điện), tiêu chí 8 (thông tin và truyền thông), tiêu chí 16 (văn hóa)...cần giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí. Để làm được điều này ngoài quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính những người dân, những chủ thể của Chương trình. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống lành
mạnh, văn minh ở vùng nông thôn... Đây sẽ là động lực quan trọng để các xã có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt trong các năm tiếp theo.
Tuy tiêu chí 3 (thủy lợi) có 9/9 xã đạt, nhưng riêng xã Trà Bình có 30% đất trồng lúa phải chuyển đổi sang trồng các cây hàng năm khác để đảm bảo được tưới và tiêu nước chủ động. Vì vậy trong thời gian tới UBND huyện cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại xã Trà Bình.
Tăng cường thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế xã hội gắn liền với thực hiện đồng bộ các tiêu chí
Tiếp tục đầu tư có trọng tâm về hạ tầng cơ sở, ưu tiên thực hiện các tiêu chí tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa. Việc đầu tư, bố trí vốn để thực hiện nhóm tiêu chí trên, các xã cần tổ chức họp và lấy ý kiến người dân để lựa chọn đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu, bức xúc nhất nhằm đảm bảo đạt các tiêu chí đề ra. Cần xác định cụ thể công trình nào đầu tư từ ngân sách nhà nước, công trình nào huy động từ các tổ chức, cá nhân và nhân dân đóng góp; phải công khai, dân chủ từ khâu triển khai đến tổ chức thực hiện các nội dung XD NTM, các chương trình, dự án... theo quy định và phải chú ý đến sự giám sát của người dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng tại địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội.
Vấn đề quan trọng nhất về thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế xã hội là không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng các công trình phát triển hạ tầng NTM, phải xác định rõ nguồn vốn trước khi tiến hành xây dựng. Cần xác định rõ tổng vốn và cơ cấu của nguồn vốn để đảm bảo tính chịu đựng của ngân sách các cấp và tính khả thi của công trình, dự án. Tuyệt đối không được vay mượn, ứng từ các nguồn khác đầu tư trước nhằm đón đầu, chi trả sau khi được phân khai. Bên cạnh đó, phải chủ động giải ngân các nguồn vốn ngay khi có thể để xin chủ trương ứng vốn từ năm sau nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trên địa bàn.
Giải pháp về thực hiện tiêu chí về hộ nghèo
Hiện nay, theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, thì
tiêu chí hộ nghèo (tiêu chí 11) chưa có xã nào đạt; đây là tiêu chí đã tạo nên áp lực lớn đối với các xã phấn đấu về đích NTM giai đoạn 2017-2020. Vì vậy UBND huyện, các ngành chức năng cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm rà soát, đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo. Bên cạnh đó, cần đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, tham gia các tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác và chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ để thoát nghèo. Đặc biệt, gốc rễ của giảm nghèo phải giải quyết vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và kích thích ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo.
Theo đó, UBND huyện, các xã, cơ quan, ban, ngành có liên quan tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn, có tư liệu sản xuất và phương tiện sản xuất, nâng cao thu nhập để tự thoát nghèo; gia tăng cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế, nước sạch. Đồng thời tiếp tục tăng cường hỗ trợ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như xã Trà Bùi, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà sơn phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất hàng hóa và dịch vụ; khơi dậy ý chí vươn lên, có niềm tin thoát nghèo, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phó mặc trong nhận thức của một số hộ nghèo. Vận động, khuyến khích, biểu dương hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, sớm thoát nghèo; huy động sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, xã hội một cách hiệu quả, thiết thực với công tác giảm nghèo.
Giải pháp về thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm
Hiện nay chỉ có 1/9 xã hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí 17). Do đây là một tiêu chí động, nhiều nội dung và mức độ phải đáp ứng yêu cầu cao (như hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn, nước sạch, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, chính quyền cơ sở còn hạn chế,...) nên hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều gặp khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí này. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán sinh sống của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi còn lạc hậu, sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự
do, tùy tiện còn phổ biến. Thói quen đổ rác thải bừa bãi, tư tưởng “sạch nhà, bẩn ngõ”, vô cảm, ngại va chạm với những hành vi gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh đã ăn sâu trong trong lối sống của một bộ phận người dân. Do xuất phát điểm khi bắt đầu XD NTM còn thấp nên hạ tầng về bảo vệ môi trường ở nông thôn còn thiếu và yếu, đặc biệt là việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nông thôn đều ở dạng nhỏ lẻ, tự phát và nằm xen kẽ trong các khu dân cư, việc đầu tư rất manh mún, công nghệ chắp vá, lạc hậu…Vì vậy, xử lý chất thải đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường là vấn đề rất nan giải.
Do đó, trong thời gian tới để thực hiện đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, UBND huyện cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên tuyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm ở nông thôn; phát động phong trào xây dựng tuyến đường, cơ quan, công sở, trường học xanh - sạch - đẹp. Vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh. Chỉ đạo UBND các xã sớm hoàn thành xây dựng các nghĩa trang Nhân dân và ban hành quy chế quản lý cụ thể. Tranh thủ các nguồn lực để đầu tư các công trình nước sạch đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho người dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả phương án thu gom chất thải rắn trên địa bàn huyện. Ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về môi trường và an toàn thực phẩm. Nâng cao công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.