Từ thực tiễn chỉ đạo XD NTM của các địa phương khác trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm mà huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có thể tham khảo và vận dụng, đó là:
Một là, Coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và chú trọngcông tác dân vận chính quyền với cách thức, phương pháp tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu và thực hiện theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần phải huy động nguồn lực trong dân để xây dựng NTM theo hướng công khai, dân chủ, đồng thuận cao để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện.
Hai là, Trong quá trình triển khai phải huy động sự vào cuộc của cả hệthống chính trị với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của từng địa bàn; hiện thực hóa phương châm hành động của cả hệ thống chính trị và người dân để đạt được sự đồng lòng, đồng thuận và đồng hành của nhân dân.
Ba là, Chỉ đạo và thực hiện tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch.
Quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương, song phải bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với quy hoạch chung của huyện và của vùng. Điều chỉnh và bổ sung quy hoạch cho phù hợp, phải dựa vào các tiêu chí của Chính phủ quy định. Những công trình hạng mục cần làm thì phải làm để bảo đảm tiêu chuẩn, phải có phân kỳ đầu tư hợp lý, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí tốn kém. Trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch, cần quan tâm đến việc dồn điền đổi thửa, phân vùng quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm dân chủ công khai, tạo sự đồng thuận thống nhất trong Nhân dân. Quan tâm đến tổ chức sản xuất sau quy hoạch, có chính sách hỗ trợ và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân sau dồn điền đổi thửa để bảo đảm sản xuất ổn định. Tổ chức tốt hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Bốn là,Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, gắn với phát triển ngành nghề nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; từ đó người dân có điều kiện để tiếp tục tham gia đóng góp XD NTM.
Năm là, Tăng cường công tác kiểm tra giám sát quá trình triển khai thực hiện XD NTM; vai trò giám sát của cộng đồng với các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản để kịp thời phát hiện những thiếu sót cũng như những hạn chế trong quá trình triển khai XD NTM. Định kỳ phải sơ kết, tổng kết thi đua, khen thưởng nhằm thúc đẩy việc thực hiện chương trình. Đồng thời phải thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đã giao đối với từng thành viên và các tổ chức, đoàn thể. Phải lấy tinh thần thi đua làm phương châm chủ đạo trong XD NTM, tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh giữa thôn này với thôn khác, xã này với xã khác.
Tóm tắt Chương 1
Ở chương này, tác giả đã nêu khái quát một số khái niệm liên quan đến XD NTM, QLNN về XD NTM; Nêu lên quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về XD NTM. Chương 1 cũng đã nêu 6 nội dung chủ yếu của QLNN về XD NTM.
Thông qua chương này, luận văn cũng đã xác định các nhân tố chủ yếu tác động đến QLNN về XD NTM, sự cần thiết của QLNN về XD NTM ; đặc biệt, qua kinh nghiệm QLNN về XD NTM của một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, tác giả rút ra những kinh nghiệm trong QLNN về XD NTM cho huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Chương 1 là cơ sở cho việc phân tích thực trạng hoạt động QLNN về XD NTM trên địa bàn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi và từ đó đánh giá các mặt đạt được, những mặt hạn chế và hiệu quả hoạt động QLNN về XD NTM trên địa bàn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi ở chương 2.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TRÀ BỒNG, TỈNH QUẢNG NGÃI