1.2.4.1. Yếu tố chủ quan/bên trong
Thứ nhất, yếu tố chính trị và pháp luật
Hệ thống các quan điểm, chính sách của Đảng luôn là cơ sở, tiền đề để Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật với mục đích điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội, hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thể chế pháp luật và chính sách của Nhà nước là yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về y tế trên thực tiễn. Quản lý nhà nước về y tế được thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật và những chính sách của Nhà nước. Hơn thế nữa, pháp luật và chính sách của Nhà nước còn là “công cụ” đắc lực để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về y tế. Khi hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước được ban hành và triển khai một cách đồng bộ, thì sẽ mang lại kết quả cao trong việc thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về y tế nói chung, thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước về y tế tại cấp quận, huyện nói riêng.
Hiện nay, quản lý nhà nước về y tế ở nước ta vừa thực hiện dựa trên những quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi lẽ, đây có thể coi là yếu tố quan trọng bậc nhất tác động đến quản lý nhà nước về y tế.
Thứ hai, yếu tố điều kiện kinh tế - xã hội
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin điều kiện kinh tế xã hội được coi là cơ sở hạ tầng và hoạt động quản lý nhà nước về y tế được coi là kiến trúc thượng tầng. Cơ sở hạ tầng nào sinh ra kiến trúc thượng tầng ấy [5]. Nói cách khác, ở đây, điều kiện kinh tế xã hội sẽ chi phối hoạt động nhà nước về y tế. Trong mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh khác nhau thì điều kiện kinh tế sẽ chi phối hoạt động quản lý nhà nước ở các mức độ khác nhau. Nếu như trong quá khứ, điều kiện kinh tế nước ta còn lạc hậu, kém phát triển dẫn đến
việc quản lý nhà nước về y tế còn lỏng lẻo, thiếu khoa học và chưa toàn diện. Thì ngày nay, kinh tế, xã hội đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, hoạt động quản lý nhà nước về y tế cũng theo đó mà có những bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và cũng rất khoa học phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, yếu tố nhân lực
Không chỉ riêng đối với hoạt động quản lý nhà nước về y tế mà bất kì hoạt động quản lý nhà nước nào cũng đều phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức được trao thẩm quyền quản lý. Kết quả của hoạt động quản lý nhà nước về y tế có đạt hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực này. Bởi lẽ, nếu đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về y tế không có kiến thức chuyên sâu, không nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế và không có sự chủ động, sẵn sàng để lĩnh hội kiến thức, cho công cuộc hội nhập quốc tế thì rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế được giao.
Hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về y tế ngày một nâng cao. Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về y tế được tuyển chọn kĩ càng ngay từ đầu vào, có trình độ học vấn cao, được đào tạo bài bản, trình độ lý luận sâu rộng, đáp ứng được những “đòi hỏi” phát sinh từ thực tiễn.
1.2.4.2. Yếu tố khách quan/bên ngoài
Thứ nhất, yếu tố hội nhập quốc tế
Ngày nay, hội nhập quốc là là xu hướng hàng đầu đối với mọi quốc gia trên thế giới. Khái niệm thế giới phẳng, công dân toàn cầu không còn quá xa lạ đối với bất kì ai. Khi quan hệ quốc tế được mở rộng cũng sẽ đem đến những cơ hội và cả những thách thức đối với hoạt động quản lý nhà nước về y tế ở nước ta.
Hội nhập khu vực như tham gia vào các tổ chức như ASEAN, diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC),… hay rộng hơn là tham gia vào các tổ chức quốc tế toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức y tế thế giới WHO,… sẽ đem lại những cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước về y tế; đồng thời, đem lại những cơ hội hợp tác, thúc đẩy sự phát triển về y tế của cả nước nói chung và của hoạt động quản lý nhà nước về y tế nói riêng.
Khi các quốc gia dần mở cửa, hướng đến thế giới phẳng, không biên giới, thì quản lý nhà nước về y tế càng trở nên quan trọng, là nhiệm vụ mang tính tất yếu, khách quan. Chỉ khi có sự hợp tác, bắt tay, cùng nhau hành động giữa các quốc gia mới có thể đảm bảo an toàn, trật tự trong lĩnh vực y tế; đẩy lùi các tội phạm xuyên quốc gia, xuyên lục địa như buôn thuốc lậu, buôn bán nội tạng,… thậm chí là các tội phạm trên cả không gian mạng trong lĩnh vực vô cùng quan trọng và nhạy cảm này.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy, thì hội nhập quốc tế cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà nước về y tế. Nếu như Đảng, Nhà nước và người dân không ý thức, nhận biết được những rủi ro, mặt trái của hội nhập quốc tế thì rất có thể nó sẽ là “con dao hai lưỡi” tác động tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về y tế nói riêng.
Thứ hai, yếu tố khoa học, kĩ thuật
Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao nǎng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của các quốc gia và làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội loài người [19]. Có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn ý thức được vai trò to lớn của khoa học, kĩ thuật nhất là đối với hoạt động quản lý nhà nước. Có thể thấy, những tiến bộ của khoa học kĩ thuật mang lại những điều kiện thuận lợi cho việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, cung cấp những phương tiện, kĩ thuật giúp
cho quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về y tế nói riêng đạt được những kết quả ngoài mong đợi.