Tư tưởng của nhà cầm quyền, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng tác động đến hoạt động quản lý nhà nước về y tế.
Ở nước ta hiện nay, Nghị quyết của Đảng là chính sách có giá trị hiệu lực mạnh nhất. Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/2/2005 là một văn bản về chính sách y tế. Đây được coi là chính sách của các chính sách y tế. Trong Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra năm quan điểm chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.
Quan điểm 1: Sức khỏe được xem là vốn quý nhất của mỗi con người cũng như toàn xã hội. Bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư cho phát triển, quan điểm này thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.
Quan điểm 2: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng hiệu quả, công bằng và phát triển. Quan điểm mới này của Đảng đã chỉ rõ đường lối xây dựng hệ thống y tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là hiệu quả, công bằng và phát triển. Song song với đó là một định hướng lớn để phát triển y tế trong điều kiện kinh tế thị trường. Không chia đều sự nghèo khó cho mọi người; tức là công bằng phải đi đôi với hiệu quả và phát triển. Chúng ta phải hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, thuận lợi, dễ tiếp cận, đáp ứng được những yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày
càng đa dạng của các tầng lớp xã hội; xây dựng nền y học có trình độ tiên tiến ngang hành với các nước tiên tiến trong khu vực và tiến tới trình độ thế giới.
Tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Khi kinh tế đất nước phát triển thì chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cũng sẽ được nâng lên; người dân sẽ được hưởng thêm các dịch vụ mà giai đoạn trước chưa có điều kiện đảm bảo, chưa có khả năng tiếp cận các kỹ thuật cao hơn thông qua ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại nhất.
Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già.
Thực hiện công bằng trong đãi ngộ đối với cán Bộ Y tế. Quan điểm của Đảng khẳng định: thực hiện chế độ đãi ngộ đối với thầy thuốc tương đương như đối với người thầy giáo. Mặt khác ngay trong ngành y tế, các chuyên ngành khác nhau cũng cần được đãi ngộ một cách công bằng tương đối. Ví dụ như các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, phong, lao, điều trị HIV/AIDS...; các thầy thuốc ở vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sẽ có các chế độ ưu tiên về lương hơn các vùng khác.
Quan điểm 3: Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện, gắn phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng và rèn luyện nâng cao sức khỏe. Đây là khái niệm mới phù hợp với định nghĩa về sức khỏe của tổ chức y tế thế giới "Sức khỏe là sự thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là trạng thái không có bệnh tật". Chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm 4 yếu tố, đó là: phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe.
Phát triển đồng thời y tế phổ cập với phát triển y tế chuyên sâu. Phát triển y tế phổ cập để mọi người dân đều có thể tiếp cận với dịch vụ y tế; phát triển y tế chuyên sâu để khắc phục tình trạng tụt hậu ngày càng xa với trình độ y học và y tế của các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần đáp ứng
nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của các tầng lớp dân cư có mức thu nhập khác nhau.
Kết hợp đông và tây y là quan điểm được duy trì và ngày càng được củng cố, cụ thể hoá qua các thời kỳ.
Quan điểm 4: Xã hội hoá các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước.
Hiện nay vẫn còn không ít người khi nói tới xã hội hóa là hiểu rằng tăng cường thu tiền của dân. Như thế là chưa hiểu đúng và đầy đủ thuật ngữ này. Quan điểm này cũng đã khẳng định “xã hội hoá... gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước”, xã hội hoá gắn với đa dạng hoá các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe trong khi huy động các nguồn tài chính của các nhóm dân cư có khả năng chi trả cao hơn, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng động, là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật.
Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi, đối xử bình đẳng với hệ thống y tế tư nhân để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Quan điểm 5: Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”. Trong thực tế, y đức chỉ thực sự được đảm bảo một khi vừa đảm bảo các nguyên tắc nghề nghiệp không vụ lợi và đảm bảo đời sống cho cán bộ y tế.