2.2. Thực trạng thể chế đào tạo, bồi dƣỡng công chức huyện Phú Xuyên
2.2.2. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng công
chức cấp huyện tại huyện Phú Xuyên
Hoạt động quản lý nhà nước có đạt được hiệu quả quản lý hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chủ thể quản lý, khách thể, mục tiêu, phương pháp và công vụ quản lý. Chủ thể quản lý có thể là cá nhân hay tổ chức. Ở nước ta, chủ thể quản lý trong hoạt động quản lý nhà nước được hiểu là hệ thống bộ máy quản lý hành chính nhà nước được hình thành và thống nhất quản lý từ trung ương tới địa phương, từ trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức nói chung và đội ngũ công chức cấp huyện nói riêng do bộ phận chuyên trách về đào tạo, bồi dưỡng công chức quản lý, chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên và nhân dân. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội cũng chịu sự quản lý trực tiếp từ trung ương tới địa phương, cụ thể là cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã.
Cấp thành phố: UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm xây dựng, ban hành các chế độ nhằm khuyến khích đội ngũ công chức cấp huyện không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực công tác; bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng diễn ra đúng quy định; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định; thực hiện công tác báo cáo hàng quý hàng năm về tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức các cấp để báo cáo lên Bộ Nội vụ nhằm theo dõi, tổng hợp, tổ chức và biên soạn chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trong phạm vi trách nhiệm được giao; quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên thuộc quyền hạn quản lý của mình; tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng thuộc chức năng của mình.
UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng công chức. Theo quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội về quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội có nhiệm vụ:
- Giúp UBND thành phố quản lý nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ, công chức cấp xã ;
- Tham mưu trình UBND thành phố ban hành các văn bản về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;
- Thống nhất quản lý và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong và ngoài nước sau khi được UBND thành phố phê duyệt. Hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng việc thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thành phố;
- Trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc tuyển dụng, đánh giá, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc UBND thành phố quản lý;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, chức danh và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; cán bộ, công chức cấp xã thuộc thành phố theo quy định của pháp luật và của Bộ Nội vụ; việc phân cấp quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cấp huyện: Phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên có trách nhiệm giúp
UBND huyện quản lý công tác tổ chức, tuyển dụng, đào tạo, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách của nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ cơ sở theo phân cấp và theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý chuyên môn của Sở Nội vụ .
Trên địa bàn thành phố hiện nay, chính quyền cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện chưa thực sự rõ nét, mới dừng lại ở việc phân công kiêm nhiệm công chức thuộc biên chế phòng Nội vụ huyện theo dõi công tác này, nhiều trường hợp chưa bám sát được tình hình nhiệm vụ, nhiều khó khăn chưa được kịp thời khắc phục.
Hiện nay, Phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên chịu trách nhiệm chính về tất cả các mặt hoạt động liên quan tới cán bộ, công chức. Theo Đề án vị trí việc làm công tác ĐTBD có 01 công chức chuyên trách. Tuy nhiên, thực tế đến nay phòng chưa có cán bộ, công chức chuyên trách về mảng đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm. Chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu hệ thống các văn bản QPPL về công tác ĐTBD công chức cấp huyện dẫn đến
việc triển khai xây dựng thực hiện tại huyện về công tác tại huyện còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Cấp xã: Hoạt động quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã do chính quyền cấp xã thực hiện chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận các văn bản liên quan từ cấp huyện chuyển xuống và triển khai thực hiện theo nội dung của văn bản. Chính quyền cấp xã chưa thực sự thể hiện tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng thể hiện thông qua việc thụ động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng không phù hợp với chức danh công tác, không có cơ chế khen thưởng riêng đối với công chức có thành tích tốt trong học tập…