1.2.1. Khái niệm thể chế, thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chứccấp huyện cấp huyện
Theo Từ điển Việt Nam thì “Thể” là cách thức, “Chế” là phép định ra – cơ cấu xã hội do pháp luật quy định [22, tr.1725]. Thể chế là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo” [22, tr.900].
Giáo trình Hành chính công của Học viện Hành chính Quốc gia tiếp cận thể chế ở 2 khía cạnh:
“Thể chế bao hàm tổ chức với hệ thống các quy tắc, quy chế được sử dụng để điều chỉnh sự vận hành của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức” [10. tr.108, 109].
“Thể chế được hiểu như là hệ thống các quy định do Nhà nước xác lập trong hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước và được Nhà nước sử dụng để điều chỉnh và tạo ra các hành vi và mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, các tổ chức nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội” [10. tr.109].
Như vậy, thể chế được hiểu theo hai cách sau đây: thứ nhất, thể chế có thể hiểu là những quy định pháp luật. Ở phạm vi rộng hơn, thể chế bao gồm các quy định pháp luật và các tổ chức vận hành các quy định pháp luật đó.
Trong phạm vi nghiên cứu, luận văn tiếp cận quan niệm thể chế ở phạm vi rộng. Mặt khác xuất phát từ lý luận về đào tạo, bồi dưỡng công chức để có những định hướng cho việc hoàn thiện thể chế này nên luận văn chỉ tập trung vào những yếu tố chính thức của thể chế (quy phạm pháp luật) mà không đề cập đến các yếu tố phi chính thức (đường lối, chính sách…). Như vậy, thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện gắn với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức bộ máy về đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện.
Thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện là hệ thống các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản pháp luật để quy định, hướng dẫn, thực hiện các nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện một cách thống nhất đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu của nền công vụ quốc gia.
Thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện là tập hợp các văn bản chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện do các cơ quan nhà nước cấp trên và cấp huyện có thẩm quyền ban hành theo đúng quy tắc, trình tự và thủ tục do luật định, mang tính quyền lực nhà nước; buộc các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh phải thực hiện, văn bản đó làm phát sinh các hệ quả pháp lý.
Từ các phân tích trên, nội hàm của thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức nói chung và công chức cấp huyện nói riêng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Như vậy, thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện sẽ được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật có thứ bậc khác nhau do nhiều chủ thể ban hành. Bên cạnh việc quy định trong các văn bản như Hiến pháp, Luật Cán bộ, công chức 2008 và các Nghị định, Thông tư về đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện, thể chế đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện còn chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành luật khác như Luật Lao động điều chỉnh về tiền lương, thời gian làm việc; Luật Hình sự quy định về xử lý hình sự khi công chức cấp huyện vi phạm pháp luật hình sự… Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản dưới luật khác điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp huyện.