- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông chưa được bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh một cách kịp thời, một số văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do đó, chưa tạo được hành lang pháp lý vững chắc làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, làm giảm hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, chất lượng và tuổi thọ của một số văn bản chưa cao, chưa sát với thực tế, tính ổn định và dự báo không cao, do đó phải sửa đổi bổ sung nhiều lần, như: Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe cơ giới lưu thông trên đường bộ... đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình tổ chức thực hiện và người dân chưa tìm hiểu, nắm bắt kịp thời để chấp hành.
- Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ chưa của thành phố phát triển chưa tương xứng với sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ, số lượng xe vận
Hải Phòng có 15.176 xe đầu kéo và 15.856 rơ moóc. Trong khi đó kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng với sự tăng trưởng nhanh chóng của phương tiện. Hệ thống các đường vành đai, cầu vượt, bãi đỗ xe ... chưa được quy hoạch và phát triển một cách đồng bộ. Cùng với đó là năng lực bốc xếp, giải phóng hàng hóa của các cảng, bến bãi còn hạn chế đã khiến tình trạng hàng dài xe tải, xe đầu kéo dừng, đỗ sai quy định để chờ bốc xếp hàng tại các tuyến đường gần các khu vực cảng, bến bãi gây trầm trọng thêm sự ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
- Hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông tuy đã có nhiều cố gắng để phủ kín địa bàn, tuy nhiên việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế. Hàng năm số vụ vi phạm bị lập biên bản xử phạt, số tiền nộp vào kho bạc Nhà nước của thành phố khá lớn nhưng mới chỉ phản ánh được một phần công việc xử lý vi phạm, vẫn còn nhiều phương tiện tham gia giao thông vi phạm nhưng chưa bị xử lý. Nguyên nhân chủ yếu là do, lực lượng chức năng còn thiếu, chưa đủ mạnh, trang thiết bị cũng như công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng này còn thiếu, lạc hậu, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được so với thực tế nhiệm vụ được giao, sự thoái hóa biến chất trong phẩm chất đạo đức của một bộ phận trong lực lượng chức năng có thẩm quyền. Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về vực trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phi chính thức khác, dẫn đến mức phạt chưa phù hợp với tính chất của hành vi vi phạm, hay bỏ qua vi phạm. Công tác tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ chủ yếu thực hiện bằng hình thức trực tiếp, thủ công của lực lượng Cảnh sát giao thông nên kết quả còn hạn chế. Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp trong hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn hạn chế, chưa ứng dụng hệ thống camera quan sát tự động 24/24 giờ trên các tuyến đường,
địa bàn trọng điểm để giám sát, điều hành, xử phạt nguội các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Công tác phối hợp giữa các lực lượng để kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ chưa mang tính thường xuyên, bền vững, đặc biệt là trong hoạt động kiểm soát xe quá tải. Ngày 13- 11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP trong đó siết chặt quy định về kiểm soát tải trọng xe. Cùng với đó, ngày 21-11-2013, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT- BCA về Phối hợp thực hiện tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Tại thành phố Hải Phòng thời điểm đó các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường bộ đồng loạt ra quân mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tất cả các hành vi vi phạm về trọng tải xe chở hàng hóa đều bị xử phạt nghiêm. Kể từ đó, thị trường vận tải hàng hóa ở Hải Phòng bắt đầu biến động mạnh. Trước đó, mỗi xe container có thể chở 50, 60, thậm chí cả trăm tấn hàng, đột ngột phải giảm tải trọng theo đúng quy định. Khoảng 7.290 chiếc xe đầu kéo (thời điểm cuối năm 2013) chỉ có thể “cõng” lượng hàng hóa bằng 30% - 50% trước đó khiến thị trường vận tải thiếu phương tiện trầm trọng. Chính vì hoạt động kiểm soát tải trọng xe được các lực lượng chức năng phối hợp làm nghiêm nên các doanh nghiệp buộc phải nghiêm túc chấp hành. Đến đầu năm 2016, số lượng xe đầu kéo của thành phố Hải Phòng đã tăng đột biến lên trên 14.000 chiếc (gần gấp đôi số lượng xe so với năm 2013) để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên đến tháng 6 năm 2016, Kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an về thực hiện tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ kết thúc, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tạm dừng hoạt động, việc tuần tra kiểm soát, xử lý lỗi vi phạm này của lực lượng chức năng
có xu hướng “giảm nhiệt”, không xử lý một cách triệt để. Điều này dẫn đến hệ quả là thời gian gần đây tình trạng xe quá tải đã bắt đầu nhen nhóm bùng phát trở lại. Theo thông báo của Tổng cục đường bộ Việt Nam thì hiện tượng bùng phát trở lại xe quá tải trong thời gian gần đây đã diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành trong toàn quốc. Tuy nhiên số vụ vi phạm xe quá tải bị xử lý lại giảm. Điều này đã bộc lộ hạn chế của công tác phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ.
- Công tác quản lý đăng ký, kiểm định kỹ thuật các loại phương tiện giao thông đường bộ và đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển nóng của loại hình phương tiện xe đầu kéo và lái xe. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đăng ký cấp, thu hồi biển số xe cơ giới đường bộ do cơ quan cảnh sát giao thông thực hiện, nhưng việc kiểm định xác nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, xác định phương tiện hết niên hạn sử dụng xe cơ giới do các đơn vị trong ngành đăng kiểm thực hiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan này chưa thường xuyên, cơ sở dữ liệu quản lý xe của Cảnh sát giao thông và cơ quan đăng kiểm chưa có sự kết nối liên thông. Công tác kiểm định kỹ thuật phương tiện đôi khi còn lỏng lẻo, nhiều phương tiện ô tô vận tải đường bộ không đảm bảo điều kiện kỹ thuật nhưng chủ phương tiện đã tìm mọi cách lách luật, khi đi kiểm định đã thay đổi linh kiện, phụ kiện xe để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe, sau đó khi lưu hành hoạt động lại lắp các thiết bị, linh kiện cũ không đảm bảo kỹ thuật gây nguy cơ mất an toàn khi lưu thông trên đường. Trình độ quản lý, năng lực đội ngũ giáo viên dạy lái xe chưa đồng đều, có hiện tượng cắt xén nội dung, chương trình đào tạo tại các trung tâm đào tạo lái xe cơ giới đường bộ dẫn đến không đảm bảo chất lượng đầu ra khi cấp giấy phép lái xe. Việc quản lý, giáo dục lái xe chưa được các doanh nghiệp chủ sử dụng lao động chú ý đúng mức, chưa thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục
pháp luật định kỳ cho lái xe, không bảo đảm đủ các điều kiện làm việc, nghỉ ngơi, khám, chăm sóc sức khỏe, chế độ bảo hiểm cho lái xe theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, tình trạng không ít lái xe còn coi thường kỷ cương pháp luật, nhiều trường hợp lái xe chống người thi hành công vụ, nghiện ma túy, sử dụng chất kích thích khi lái xe...
- Ý thức chấp hành quy định về luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn hạn chế. Khi nghiên cứu kỹ lại các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đều cho thấy lỗi chủ quan chiếm phần lớn, đó là do ý thức và nhận thức về việc chấp hành luật lệ giao thông. Ý thức pháp luật được hình thành bằng nhiều con đường, trong đó giáo dục pháp luật là giải pháp cơ bản. Tuy nhiên trong thực tế triển khai còn hạn chế, bởi nhận thức về nội dung giáo dục pháp luật còn chưa phù hợp. Tư tưởng phổ biến vẫn coi giáo dục pháp luật là tuyên truyền các điều khoản của văn bản luật một cách máy móc, giáo điều. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên từng địa bàn chưa sâu, nội dung và hình thức chưa phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng. Đặc biệt đối với đối tượng lái xe container mang nhiều đặc thù nghề nghiệp riêng như đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp cao, sức khỏe tốt, thường xuyên phải lái xe vào ban đêm, áp lực công việc là rất lớn. Vì vậy việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho đối tượng này phải có cơ chế, cách làm khác, không thể giống như tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng là học sinh, sinh viên. Trong thực tế nhiều lái xe bản thân họ có ý thức chấp hành pháp luật, không muốn vi phạm. Nhưng vì là người làm thuê nên họ phải chịu sự chỉ đạo của chủ doanh nghiệp muốn nâng cao lợi nhuận trước mắt, ép lái xe phải tăng ca làm việc, chở hàng quá trọng tải, lưu hành xe không đảm bảo điều kiện an toàn ...
Tiểu kết Chương II
Chương 2 Luận văn đã nêu nên được các đặc điểm, tình hình trên địa bàn thành phố Hải Phòng có liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ; phân tích thực trạng tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ nói chung và vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ nói riêng tại thành phố Hải Phòng giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017. Đồng thời đã đánh giá về tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ trên địa bàn thành phố, nêu lên được các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế đó.
Qua sự phân tích thực trạng tình hình cũng như nguyên nhân cho ta thấy bức tranh tương đối đầy đủ về tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ tại thành phố Hải Phòng. Tiếp theo Chương 3, Luận văn sẽ trình bày về quan điểm và các giải pháp hạn chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ từ thực tiễn thành phố Hải Phòng.
Chương 3