a) Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng hàng năm trên cơ sở đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (khoản 1, Điều 31 [19]). Để một vấn đề, chính sách kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trở thành Luật, thì cần phải trải qua nhiều công đoạn tổ chức thực hiện như (i) lập chương trình xây dựng luật, (ii) soạn thảo luật, (iii) thẩm tra dự án luật, (iv) Ủy ban thường vụ quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án luật, (iv) thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua dự án luật, và (v) công bố luật [19].
Trên cơ sở Luật đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật của Quốc hội mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao ban hành. Danh mục văn bản quy định chi tiết do Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm nghị định của Chính phủ, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UB trung ương MTTQ Việt Nam, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trong đó nêu rõ tên văn bản, cơ quan ban hành văn bản, căn cứ ban hành, nội dung chính của văn bản, dự kiến thời gian ban hành (Điều 82, [19]).
Việc xây dựng, ban hành nghị định của Chính phủ được quy định chi tiết từ Điều 84 đến Điều 96 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 [39]. Theo đó, để một nghị định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành thì phải trải qua các công đọan như sau: (i) lập đề nghị xây dựng nghị định, (ii) tiến hành lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng nghị định, (iii) thẩm định đề nghị xây dựng nghị định, (iv) Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị định, (v) tổ chức soạn thảo dự thảo nghị định, (vi) lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định, (vii) thẩm định dự thảo nghị định, (viii) chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị định, và (ix) trình Chính phủ xem xét, thông qua dự thảo nghị định.
Trình tự xem xét, thông qua dự thảo nghị định được Chính phủ được tiến hành theo trình tự sau (Điều 96, [19]):
i) Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo thuyến trình về dự thảo nghị định; ii) Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; iii) Đại diện Văn phòng Chính phủ nêu những vấn đề cần thảo luận;
iv) Đại diện cơ quan, tổ chức tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
v) Chính phủ thảo luận. (Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo nghị định theo ý kiến của Chính phủ);
vi) Chính phủ biểu quyết thông qua dự thảo nghị định. (Trong trường hợp dự thảo nghị định chưa được thông qua thì Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề cần phải chính lý và ấn định thời gian trình lại dự thảo, đồng thời giao cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét, thông qua);
vii) Thủ tướng Chính phủ ký nghị định.
Đối với việc xây dựng, ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được quy định chi tiết từ Điều 97 đến Điều 100; xây dựng và ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được quy định chi tiết từ Điều 101 đến Điều 104; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước được quy định chi tiết từ Điều 105 đến Điều 108; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch được quy định chi tiết tại Điều 109 và Điều 110; xây dựng và ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định chi tiết từ Điều 111 đến Điều 126; xây dựng và ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh được quy định chi tiết từ Điều 127 đến Điều 132; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện được quy định từ Điều 133 đến Điều 141; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp xã được quy định từ Điều 142 đến Điều 145 [19].
b) Phổ biến, giáo dục về Luật BHYT nhằm truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp cho đối tượng tác động hiểu và hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm, hành vi phù hợp với các đòi hỏi của các quy định pháp luật hiện hành [14, tr. 4].
Phổ biến, giáo dục luật giữ vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Mục đích của PBGDPL là nâng cao
hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đơn vị, tổ chức trong toàn xã hội, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự hạnh phúc cho người dân.
Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 nêu rõ, công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; còn nhà nước phải bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật (Điều 2, [20]); và nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL, huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (Điều 4, [20]).
Để hoạt động PBGDPL trở nên hiệu quả, gần gủi với người dân, Quốc hội khóa 13 đã lấy ngày 09 tháng 11 hàng năm làm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 8, [20]). Qua đó, ngày 09/11 hành năm, toàn Đảng, toàn dân tổ chức thực hiện nhiều hoạt động PBGDPL. Tùy theo mỗi lĩnh vực đặc thù, mà các tổ chức, đơn vị tổ chức những hoạt động phù hợp với ngành nghề và địa phương của mình.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện PBGDPL, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Hội đồng phối hợp PBGDPL là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác PBGDPL (Khoản 1, Điều 7 [20]).
Đặc điểm của công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; có mối liên hệ chặt chẽ với công tác xây dựng, thực hiện pháp luật; được tổ chức thực hiện bởi những chủ thể xác định (Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND các cấp); là nhằm truyền đạt thông tin, nội dung pháp luật giúp đối tượng được tác động có những hiểu biết nhất định về pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng [14, tr. 4].
c) Thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, kỹ thuật
Sau khi Quốc hội ban hành luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm ban hành các Nghị định, Quyết định và Thông tư hướng dẫn thi hành luật; UBND các cấp trực tiếp tổ chức thực hiện luật. Để một bộ luật đi vào cuộc sống của người dân, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiều hoạt động nghiệp vụ, kỹ thuật khác nhau, như chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện luật, lập kế hoạch, phân công thực hiện và tổ chức triển khai thực hiện luật.
Chỉ đạo là sự hướng dẫn đường lối, chủ trương nhất định, kế hoạch cụ thể để tiến hành một sự việc nào đó. Thông thường thì công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thể hiện qua công văn nói chung, đối với những sự việc khẩn cấp thì Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành công điện để chỉ đạo thực hiện.
Lập kế hoạch là chức năng đầu tiên trong bốn chức năng quản lý, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lựa chọn mục tiêu và chương trình hành động trong tương lai, mà bất kỳ nhà quản lý, nhà kế hoạch nào cũng phải thực hiện để phổ biến, triển khai thực hiện một nhiệm vụ nào đó. Để một kế hoạch mang tính khả thi thì kế hoạch đó phải xác định được các yếu tố (i) xác định mục tiêu, yêu cầu công việc; (ii) xác định nội dung cần thực hiện; (iii) xác định phương thức, cách thức tiến hành thực hiện công việc; và (iv) xác định việc tổ chức thực hiện và phân bổ nguồn lực để thực hiện công việc.
Để một chương trình, kế hoạch, chính sách được thực thi kịp thời và hiệu quả thì không thể thiếu nghiệp vụ, kỹ thuật phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện chương trình, công việc một cách cụ thể. Phân công nhiệm vụ là giao cho tổ chức, cá nhân nào đó trách nhiệm và quyền hạn để tổ chức thực hiện một chương trình, công việc cụ thể. Hoạt động phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện thường được thể hiện qua các Chương trình, Kế hoạch hành động của các tổ chức, đơn vị.
d) Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật BHYT
Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ
quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý (khoản 1, Điều 2 [21]).
Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành (khoản 1, Điều 3 [22]).
Thanh tranh hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (khoản 2, Điều 3 [22]).
Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó (khoản 3, Điều 3 [22]).
Kiểm tra là một trong những chức năng của quy trình quản lý. Thông qua chức năng kiểm tra mà chủ thể quản lý nắm bắt và điều chỉnh kịp thời các hoạt động để thực hiện tốt mục tiêu đã xác định. Kiểm tra là quá trình đo lường hoạt động và kết quả hoạt động của tổ chức trên cơ sở các tiêu chuẩn đã được xác lập để phát hiện những ưu điểm và hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp giúp tổ chức phát triển theo đúng mục tiêu.
Như vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật là nhằm mục đích phát hiện ra những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy những nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1.3. Một số nhân tố ảnh hƣởng đến tổ chức thực hiện Luật BHYT
1.3.1. Mức độ hoàn thiện của pháp luật về BHYT nói riêng và của cả hệ thống pháp luật nói chung pháp luật nói chung
Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản do nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định [31, tr. 199]. Để đánh giá về một hệ thống pháp luật, xác định mức độ hoàn thiện của nó cần phải dựa vào những tiêu chuẩn được xác định về mặt lý thuyết, từ đó liên hệ với điều kiện và hoàn cảnh thực tế trong mỗi giai đoạn cụ thể, xem xét một cách khách quan và rút ra những kết luận, làm sáng rõ những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống pháp luật. Có nhiều tiêu chuẩn để xác định mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật trong đó có bốn tiêu chuẩn cơ bản là: Tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và trình độ kỹ thuật pháp lý của hệ thống pháp luật [31, tr. 201].
Thứ nhất, tính toàn diện là tiêu chuẩn đầu tiên thể hiện mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Có thể nói đây là tiêu chuẩn để định lượng một hệ thống pháp luật nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, vì chỉ khi nào định lượng được mới có thể tiếp tục nghiên cứu để định tính [31, tr. 202].
Thứ hai, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thể hiện sự thống nhất của nó. Khi xem xét mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật cần phải chú ý xem giữa các bộ phận của hệ thống đó có trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn không [31, tr. 202].
Thứ ba, tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện sự tương quan giữa trình độ của hệ thống pháp luật với trình độ phát triển của kinh tế xã hội. Hệ thống pháp luật phải phản ánh đúng trình độ phát triển của kinh tế xã hội, nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển đó. Tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện nhiều mặt. Khi xem xét tiêu chuẩn này cần chú ý đến các mặt và giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các quy phạm xã hội khác [31, tr. 202].
Thứ tư, trình độ kỹ thuật pháp lý: kỹ thuật pháp lý là một vấn đề rộng lớn, phức tạp trong đó có ba điểm quan trọng, cần thiết phải chú ý khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật, gồm (i) kỹ thuật pháp lý thể hiện ở những nguyên tắc tối ưu được vạch ra để áp dụng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật; (ii) trình độ kỹ thuật pháp lý thể hiện ở việc xác định chính xác cơ cấu của pháp luật; và (iii) cách biểu đạt bằng ngôn ngữ pháp lý phải đảm bảo tính cô đọng, lôgíc, chính xác và một nghĩa [31, tr. 203].
Hệ thống pháp luật càng toàn diện, mức độ hoàn thiện của pháp luật càng cao thì giúp cho hoạt động tổ chức thực hiện luật càng hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích cho Nhà nước, lợi ích của các tổ chức và cá nhân. Ngược lại, với một hệ thống pháp luật ở mức hoàn thiện thấp sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tổ chức thực hiện luật, làm cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân bị trì trệ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân đó. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào đời sống của người dân không chỉ đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện mà phải có sự kết hợp giữa nhiều yếu tố với nhau.
1.3.2. Tổ chức bộ máy và nguồn lực
Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một nguyên tắc mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây vừa là quan điểm, vừa là nguyên tắc chỉ đạo công cuộc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước ta